Đã gần 50 năm im tiếng súng nhưng nhiều liệt sĩ vẫn chưa được về với gia đình và quê quán. Đồng đội và người thân vẫn chưa thôi tìm kiếm, các anh vẫn nằm dưới lòng đất mẹ và tấm lòng trân quý của nhân dân địa phương.
Chiến tranh đã lùi xa, song bà Trà Thị Tuân (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) vẫn không thôi thương nhớ những người thân đã khuất của mình. Ảnh: N.H |
Những nấm mộ vọng thời gian
Có những nỗi đau tưởng chừng đã liền sẹo theo thời gian nhưng mỗi lần nhắc đến cũng khơi lại những niềm đau khôn xiết. Trong căn nhà nhỏ yên bình ở thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), bà Trà Thị Tuân, 82 tuổi, ngồi nhìn ra giàn bầu trước ngõ kể chuyện đời mình.
Chồng bà là liệt sĩ Đặng Tựu (SN 1939), sinh thời là xã đội trưởng xã Hòa Lợi (nay là Hòa Tiến), đã hy sinh vào năm 1968 tại vùng đất Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hồi đó chiến tranh khốc liệt lắm, đơn vị không kịp đem thi hài ông về căn cứ nên nhân dân địa phương đã tạm chôn cất. Sau ngày giải phóng, đồng đội, gia đình bỏ nhiều năm đi tìm, lần nào cũng về tay không vì “biển hóa nương dâu”. Mà đâu chỉ riêng mình gia đình bà có hoàn cảnh như vậy. “Riêng cái xã Hòa Tiến qua 2 cuộc kháng chiến và bảo vệ biên giới Tây Nam tính sơ cũng hơn 80 gia đình có thân nhân là liệt sĩ không tìm được hài cốt”, ông Nguyễn Văn Hiền, cán bộ phụ trách công tác xã hội xã Hòa Tiến cho biết.
Nắng tháng Bảy bỏng rát da thịt nhưng giàn bầu trước nhà bà Tuân vẫn xanh mướt trái. Bà kể, hồi năm 1978, khi xã xây dựng xong nghĩa trang liệt sĩ, người con rể của bà đi thắp hương tình cờ nhìn thấy ngôi mộ vọng mang tên cha vợ mình. Mừng quá anh đạp xe một mạch về nhà báo cho gia đình hay. Cả nhà rưng rưng nước mắt. Trong suy nghĩ lúc đó của người phụ nữ nông dân chất phác như bà thì không có hài cốt làm sao an táng được. “Đảng và Nhà nước quan tâm xây mộ phần tưởng niệm chồng tôi tại nghĩa trang của xã. Chỉ chừng nớ, cũng khiến người đã hy sinh vì đất nước cũng cảm thấy được an ủi”, bà Tuân nhìn di ảnh của chồng, ngậm ngùi nhớ lại.
Chia tay bà Tuân, chúng tôi đến thăm bà Quách Thị Công, vợ liệt sĩ Đoàn Cư ở thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang). Ở tuổi 90, bà trông ốm yếu nhưng trí nhớ còn minh mẫn lắm. Bà nhớ như in cái ngày nhận giấy báo tử của đơn vị gửi về kèm theo lá thư viết tay của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam bấy giờ là ông Phạm Đức Nam. Chồng bà hy sinh khi Mỹ dội bom lớp tập huấn tổ chức tại căn cứ huyện Bến Giằng, nay là huyện Nam Giang. “Lúc đó rừng cũng nát huống chi xác thân con người. Thôi thì nằm xuống ở đâu cũng là đất mẹ quê hương”, bà nói. Có điều, người con trai bà là anh Đoàn Văn Liêu, vẫn đau đáu một điều là chỉ được gặp mặt cha một lần duy nhất, mãi đến giờ vẫn không có một tấm ảnh của ông để cháu con thờ tự...
Ngược lên xã miền núi Hòa Ninh, chúng tôi được ông Nguyễn Đình Hà, cán bộ phụ trách công tác xã hội, đưa đến thôn Đông Sơn thăm nhà bà Nguyễn Thị Thái, căn nhà thuộc diện chính sách, tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, tinh tươm. Thấy khách đến nhà, bà khoác thêm chiếc áo bà ba và mang khẩu trang cẩn thận. Cảnh ngộ của chồng bà, liệt sĩ Trần Văn Bài (SN 1936), thật hy hữu. Dường như quá khứ đã lùi xa nhiều năm nhưng vẫn không làm bà nguôi quên nỗi đau của những người vợ liệt sĩ thờ chồng qua ngôi mộ vọng.
Chồng bà nguyên là xã đội trưởng, bị Mỹ phục kích và đã hy sinh tại thôn Mỹ Sơn quê ông, cách nơi ở hiện nay của bà chừng 5km. Sau khi giặc rút, bà con địa phương đã chôn thi hài chồng bà dưới hố đốt than bên cạnh gốc cây cốc để đánh dấu. Nhưng sau đó đồng đội quay lại tìm thì không thấy xác đâu. Chẳng thà hy sinh ở đâu, chứ ngay trên quê hương mình mà như thế thì đau xót quá. Nghe nói hồi đó vùng đất Mỹ Sơn còn hoang sơ lắm. Đêm đêm thú dữ về bắt heo, bắt gà là chuyện thường tình. Vì vậy khả năng thú dữ đêm về tha mất xác là điều có thể xảy ra...
Mẹ con bà Quách Thị Công (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Ảnh: N.H |
Nỗi niềm người ở lại
Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) nằm trên gò Cây Cốc (các dân tộc Tây Nguyên gọi là cây Kơ-nia, một loại cây được cho là linh thiêng), mặt nhìn cánh đồng lúa đang trổ đòng. Người nằm xuống yên nghỉ dưới bóng cây cổ thụ xanh mát và ngát hương hoa sứ, hoa nhài. Hôm chúng tôi đến, các chiến sĩ Sư đoàn 75 Pháo binh Quân khu 5 đóng quân gần đó đang cắt cây cỏ, dọn dẹp cảnh quan trước nghĩa trang để chuẩn bị kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ sắp tới. Người quản trang là ông Nguyễn Văn Thái, 55 tuổi, cho biết nghĩa trang có 930 mộ liệt sĩ thì hết 30% là mộ chưa xác định danh tính gồm hầu hết là các chiến sĩ quê quán ở miền Bắc, hy sinh vào những năm 1968. Đã gần 50 năm im tiếng súng nhưng nhiều liệt sĩ vẫn chưa được về với gia đình và quê quán. Đồng đội và người thân vẫn chưa thôi tìm kiếm, các anh vẫn nằm dưới lòng đất mẹ và tấm lòng trân quý của nhân dân địa phương.
Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang, toàn huyện có 5.081 mộ liệt sĩ, trong đó có 1.638 mộ chưa xác định được thông tin và mộ đã xác định được thông tin (có danh tính) nhưng không có hài cốt. Chừng ấy ngôi mộ là chừng ấy nỗi nhớ thương của những người thân ở lại chẳng hề nguôi ngoai theo năm tháng!
Bà Trà Thị Tuân nghẹn ngào kể: “Ông nhà tui hy sinh vào năm Mậu Thân (1968) thì năm sau tui sinh sinh đứa con gái út. Con chào đời không biết mặt cha. May là hồi nớ người chị họ còn giữ lại tấm ảnh chung cả gia đình, chừ mới có tấm ảnh để thờ. Chớ nhiều gia đình chỉ thờ cái bằng Tổ quốc ghi công, con cháu không biết mặt cha ông để mà thương mà nhớ...”. Nhìn lên bàn thờ chồng, giọng bà Tuân chùng xuống như nén tiếng khóc vào lòng: “Dù giấy báo tử của đơn vị ghi ngày 11-6-1968 nhưng gia đình vẫn chọn ngày 27-7 hằng năm làm ngày giỗ cho ông. Bởi đây cũng là ngày giỗ chung tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Chắc ổng cũng vui vì được gặp bạn bè, đồng chí...”.
Ở Hòa Tiến, nghĩa trang liệt sĩ vốn nằm trên nổng cát La Bông nên trời hè không khí nóng như đặc quánh lại. Thấy khách đến, ông Phạm Tình, người quản trang ngừng tưới nước các chậu cây cảnh ra đón nói: “Trời nắng quá, tui tưới ngày 2 lần là cây cối vẫn thiếu nước...”. Mỗi ngày, từ 4 giờ sáng, ông Tình đã đến nghĩa trang, tưới nước, chăm chút từng chậu hoa, cây cảnh, quét lá... 12 năm làm quản trang, hai vợ chồng người thương binh 4/4 này đã cần mẫn chăm sóc các phần mộ liệt sĩ như chăm sóc phần mộ người thân. Bản thân ông có cha, anh trai đều là liệt sĩ, nên ông “nhìn quanh, những người nằm đây không phải người thân thì cũng là bạn bè đồng chí, bà con xóm giềng...”.
Ngày về hưu, ông nhận làm quản trang cho nghĩa trang liệt sĩ xã với một suy nghĩ rất mộc mạc: “Năm 1971 tôi đi bộ đội, sau giải phóng may mà còn sống trở về. Chớ nếu có hy sinh thì bây giờ cũng được đưa về nghĩa trang nằm cùng đồng đội. Nếu rứa cũng có người thắp hương, chăm sóc nơi yên nghỉ cho mình. Thôi thì nhận công việc này cũng là cách để tri ân những người nằm xuống...”.
Dường như những người vợ liệt sĩ có hơn mấy mươi năm đau đáu đi tìm hài cốt chồng như bà Tuân, bà Công, bà Thái,... hay những người quản trang như ông Tình, ông Thái đều có chung một nỗi niềm. Đó là mỗi lần viếng mộ người thân tại nghĩa trang, họ không bao giờ quên thắp nén nhang cho những phần mộ khác. Nhất là những mộ phần liệt sĩ chưa xác định danh tính. Bởi họ luôn tin rằng, đâu đó trên các nghĩa trang liệt sĩ trên cả đất nước, sẽ có người chăm sóc, hương khói cho người thân của mình. Họ thương nhớ khôn nguôi...
NHƯ HẠNH