Dịch Covid-19 Đà Nẵng phát hiện chủng mới, Bộ Y tế cập nhật phác đồ

.

Theo chuyên gia của Bộ Y tế, trường hợp nào nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ được xét nghiệm ngay, vì “thà làm sai, nhầm một trường hợp còn hơn là bỏ sót thành nguồn lây nhiễm”.

Lây lan nhanh, độc lực chưa biến đổi

Bộ Y tế tiếp tục cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có nhiều điểm mới. Đây là lần cập nhật sửa đổi thứ 4.

GS. TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết virus SARS-CoV-2 vừa lan truyền vừa tiếp tục biến đổi gen tạo ra nhiều chủng mới (genotype). Riêng tại Việt Nam đã phát hiện 6 chủng, khác hẳn với chủng tại TP Vũ Hán (Trung Quốc). Chủng mới vừa phân lập nằm trong nhóm D614G, gây bệnh chủ yếu ở châu Phi, Bangladesh, xâm nhập từ nguồn nước ngoài vào Việt Nam.

“Điều đáng mừng là chủng này lây lan nhanh nhưng độc lực chưa có gì thay đổi so với chủng ban đầu. Những trường hợp nguy cơ tử vong cao là người già, người bị suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền”, TS Kính nói.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế lưu ý ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus này có thể tấn công vào tất cả cơ quan nội tạng trong cơ thể, trong đó nổi bật là đường hô hấp, nhiều lúc gặp bệnh cảnh như nhiễm trùng huyết nhưng bệnh cảnh nặng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cơn bão cytokine cũng làm bệnh nặng lên.

Cũng theo TS kính, một điểm cập nhật là nghi ngờ mắc Covid-19 người dân sẽ được xét nghiệm ngay vì “thà làm sai, nhầm một trường hợp còn hơn là bỏ sót thành nguồn lây nhiễm”.

Cụ thể, những trường hợp có sốt, ho và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính (không lý giải được bằng các nguyên nhân khác, kể cả những trường hợp đã xác định được tác nhân thông thường khác, không cần yếu tố dịch tễ - đi từ vùng có dịch, tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca nghi ngờ) sẽ đều được lấy mẫu xét nghiệm. 

Tiêu chuẩn xuất viện mới

Hướng dẫn mới cũng thay đổi cách phân loại các thể lâm sàng. Theo đó, thay vì phân thành viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ, viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng…; lần này bệnh được phân theo 5 cấp độ: Thể không triệu chứng; Mức độ nhẹ- viêm đường hô hấp trên cấp tính; Mức độ vừa- viêm phổi; Mức độ nặng- viêm phổi nặng; Mức độ nguy kịch. 

Test nhanh SARS-CoV-2 cho người dân Hà Nội trở về từ Đà Nẵng. Hình chụp tại điểm xét nghiệm của Quận Hai Bà Trưng.
Test nhanh SARS-CoV-2 cho người dân Hà Nội trở về từ Đà Nẵng. Hình chụp tại điểm xét nghiệm của Quận Hai Bà Trưng.

Về tiêu chuẩn xuất viện, TS Kính cũng lưu ý các cơ sở y tế nên xét nghiệm lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 24 giờ, sau đó cho bệnh nhân về nhà theo dõi tiếp tại cộng đồng 14 ngày, tự cách ly tại nhà, khi có bất cứ dấu hiệu gì thì đến cơ sở y tế gần nhất.

“Thực tế, chúng tôi gặp tình huống xét nghiệm 2 lần cách nhau 24 ngày, sau đó giữ lại bệnh viện cách ly chuẩn bị cho ra viện thì bệnh nhân tái dương tính. Chúng tôi nuôi cấy phân lập những trường hợp này thì thấy virus không phát triển, xét nghiệm những trường hợp F1 thì không có ai bị nhiễm. Xét nghiệm của chúng ta rất nhạy nhưng dù thế vẫn nên làm 3 lần cho chắc chắn”, TS Kính nói.

Tiêu chuẩn xuất viện gồm: hết sốt tối thiểu 3 ngày, hết các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm lại 3 lần cách nhau một ngày cho kết quả âm tính, theo dõi tiếp tại nhà 14 ngày. 

Đa phần các ca mắc Covid-19 không có triệu chứng. Những trường hợp sốt nhẹ, rát họng, ho ít, X-quang có hình ảnh viêm phổi kẽ được xếp vào thể nhẹ. Thể điển hình gồm sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi, đau họng, khó thở nhanh, X-quang có hình ảnh viêm phổi. Thể nặng gồm hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, phù phổi cấp, suy đa tạng, tử vong... 

Theo Báo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.