Theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1-1-2021, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực. Quy định này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ, kỹ thuật y tế nhưng đồng thời cũng dự báo nhiều xáo trộn, dịch chuyển trong hoạt động của các cơ sở y tế, đặc biệt những bệnh viện lớn.
Từ ngày 1-1-2021, người dân có bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh ngoại tỉnh sẽ được chi trả 100% theo mức hưởng. TRONG ẢNH: Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: PHAN CHUNG |
Xu thế tất yếu
Ông Phạm Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố chia sẻ: Theo quy định của Luật BHYT năm 2014, trước thời điểm 1-1-2021, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới thì được coi là KCB trái tuyến và chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. Tuy nhiên, từ thời điểm 1-1-2021, người bệnh có thẻ BHYT sẽ được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. “Nói dễ hiểu là người bệnh có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại bất cứ cơ sở y tế tuyến xã, huyện đều có thể đến đăng ký điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới như trước đây. Điều này được xem là đúng tuyến, người bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng”, ông Khánh cho biết.
Theo BHXH thành phố, việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. “Việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh là xu thế tất yếu được nêu rõ trong Luật BHYT năm 2014 và có lộ trình cụ thể để các cơ sở y tế có thời gian chuẩn bị về nhân lực, thiết bị, cơ sở vật chất. Đây có thể xem là dấu mốc quan trọng giúp các cơ sở y tế sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, thiết bị và là động lực đầu tư, nâng cấp cơ sở mình để cạnh tranh, thu hút người bệnh”, ông Khánh cho biết.
Liên quan đến vấn đề thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT, BHXH Việt Nam cũng đã có công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố; trong đó cảnh báo tình trạng quá tải ở một số cơ sở y tế khi được thông tuyến. Bên cạnh đó, sự điều chỉnh chính sách sẽ có nguy cơ dẫn đến việc lạm dụng, trục lợi chính sách dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHYT. Thực tế này đòi hỏi ngành y tế phải có những chính sách phù hợp để quyền lợi người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Ngày 21-12-2020, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 25/CT-BYT về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, thành phố hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý; chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến huyện và tuyến xã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong KCB và nhu cầu KCB của người tham gia BHYT.
Từ ngày 1-1-2021, người dân có bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh ngoại tỉnh sẽ được chi trả 100% theo mức hưởng. TRONG ẢNH: Bệnh nhi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Xây dựng kế hoạch giảm tải cho bệnh viện
Theo bác sĩ Đỗ Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, đây là sự điều chỉnh cần thiết, bảo đảm quyền lợi cho người dân trong chăm sóc sức khỏe. Là bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố, mỗi năm Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng tiếp nhận hàng chục ngàn bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh trái tuyến do người bệnh không có giấy chuyển viện. Theo quy định, những trường hợp này chỉ được BHYT đồng chi trả 50-60% chi phí điều trị. “Có những trường hợp phải chi trả hàng chục triệu đồng cho một ca phẫu thuật. Biết là trái tuyến và tốn kém nhưng người dân chấp nhận chi trả bởi các bệnh lý chuyên khoa, trong đó có bệnh về cơ xương khớp người dân không có nhiều sự lựa chọn điều trị ở tuyến dưới”, bác sĩ Thành cho biết. Ghi nhận những ngày đầu thông tuyến, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng vẫn chưa có sự thay đổi đột biến về số lượng nhập viện điều trị.
Tương tự, tại Bệnh viện Đà Nẵng, nơi mỗi năm tiếp nhận khoảng 40% bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám, điều trị, hiện các hoạt động KCB vẫn diễn ra bình thường. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, sau 2 tuần chính sách mới về KCB BHYT có hiệu lực, đơn vị chưa ghi nhận sự quá tải đột biến. Tuy nhiên, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật để giảm tải là việc đã được bệnh viện chuẩn bị từ trước, nằm trong chiến lược phát triển của bệnh viện. “Chống quá tải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bệnh viện nên chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, những bệnh nhân phẫu thuật sẽ được khám tiền phẫu và ngoại trú bên ngoài. Khi nào có chỉ định phẫu thuật, thủ thuật bệnh viện sẽ cho nhập viện nội trú với thời gian ngắn nhất có thể. Sau khi ổn định phẫu thuật, thủ thuật, bệnh viện sẽ điều chuyển ngay về các bệnh viện có năng lực điều trị tiếp theo chăm sóc hậu phẫu. Ngoài ra nhiều giải pháp khác cũng được triển khai để giảm tải như phân luồng, bố trí thời gian hợp lý, thay đổi hàng loạt bàn khám trên cơ sở tăng cường tiếp nhận bàn khám chuyên khoa”, bác sĩ Nhân cho biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, hiện có 2 hướng điều trị. Nếu bệnh nhân ngoại tỉnh điều trị ngoại trú thì bắt buộc phải chi trả viện phí theo quy định. BHYT chỉ chi trả khi bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. “Đây là quyền lợi của chính người bệnh nên bệnh nhân cần xác định rõ, nếu những bệnh lý nhẹ thì lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh có khả năng đáp ứng tại cơ sở, không tùy ý lựa chọn các tuyến trên theo tâm lý, cảm tính. Điều này không những ảnh hưởng đến quyền lợi mà còn vô tình tạo áp lực tiếp nhận cho tuyến trên.”, bác sĩ Nhân nhấn mạnh.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, giảm tải bệnh viện là chiến lược, mục tiêu của ngành y tế trong nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống y tế Đà Nẵng đang dần dịch chuyển là trung tâm y khoa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều bệnh viện, trong đó có các bệnh viện tuyến thành phố không ngừng được mở rộng và cải cách hành chính giảm số ngày nằm viện cho bệnh viện. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo tuyến chuyển giao kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cơ sở y tế tuyến dưới. Kế hoạch này phù hợp với chính sách mới của KCB BHYT từ năm 2021, đồng thời tạo sự cân đối, phát huy được năng lực, tạo thêm cơ hội cạnh tranh cho những cơ sở này để giữ chân người bệnh, giảm tải cho tuyến trên”, bác sĩ Yến cho biết.
PHAN CHUNG
3 mức BHYT chi trả khi thông tuyến tỉnh, thành phố Từ năm 2021, bệnh nhân có thẻ BHYT khi điều trị trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước sẽ được BHYT chi trả 100% đối với những trường hợp sau: quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, người dân tộc thiểu số; những trường hợp có chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (khoảng 224.000 đồng); người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 8,9 triệu đồng); người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi KCB BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại đi KCB BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%. Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) thì chế độ này chỉ áp dụng đối với trường hợp điều trị nội trú, không áp dụng đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Nguồn: Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) |