Đà Nẵng xuất hiện thêm một số chuỗi lây nhiễm mới, ngành y tế và các địa phương đang quyết liệt triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm để sớm kiểm soát tình hình, hạn chế nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu vực phong tỏa thuộc quận Sơn Trà. Ảnh: LÊ HÙNG |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, ngoài 5 phường phong tỏa của quận Sơn Trà, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số khu vực có nguy cơ cao, gồm: Công ty Fujikura Automotive (Khu công nghiệp Hòa Cầm), chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu), khu vực nằm trên đường Phan Khoang (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), khu phong tỏa tại tuyến đường Hoài Thanh (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) và chùm ca ghi nhận tại tuyến đường Xuân Diệu (phường Thuận Phước, quận Hải Châu)…
Xây dựng kế hoạch xét nghiệm riêng để đánh giá nguy cơ
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC thành phố cho biết, bên cạnh công tác giám sát, truy vết, việc lấy mẫu xét nghiệm cũng được các đơn vị, địa phương triển khai trên quy mô lớn, tần suất liên tục và thường xuyên. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm trong thời gian qua vẫn chưa đủ để đánh giá tình hình dịch bệnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc các địa phương chưa đánh giá nguy cơ quy mô từ phường, xã để làm cơ sở đề xuất kế hoạch xét nghiệm phù hợp.
Ngoài ra, vẫn còn một số F1, F liên quan, người về từ vùng dịch chưa được phát hiện trong cộng đồng do không chủ động khai báo. Đến khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng mới đến bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm dịch vụ… “Việc một số F0 khai báo không trung thực và những trường hợp có yếu tố dịch tễ không chủ động liên hệ cơ sở y tế khiến lực lượng chức năng không thể truy vết đầy đủ, kịp thời; đồng thời dễ bỏ sót các địa điểm có yếu tố dịch tễ. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm mà còn tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh ra cộng đồng”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh nói.
Theo Sở Y tế thành phố, kế hoạch xét nghiệm thường triển khai gấp nên việc lựa chọn đối tượng xét nghiệm tại một số địa phương chưa mang tính đại diện cộng đồng, công tác xét nghiệm nhiều lúc còn tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu. Phạm vi một số điểm nóng, khu vực phong tỏa được xác định còn hẹp, chưa đánh giá được hết nguy cơ tại các khu vực này. Song song đó, các chợ xét nghiệm lần 1 không có ca dương tính thì không xét nghiệm lần 2, nguy cơ bỏ sót đối tượng dương tính vẫn còn; chưa xét nghiệm được người đi chợ.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp chưa báo cáo đầy đủ về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ tại các doanh nghiệp theo quy định nên chưa phân tích được nguy cơ lây nhiễm trong các khu công nghiệp. “Để công tác xét nghiệm có hiệu quả trong thời gian đến, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống Covid-19, ngoài các đối tượng đang được chỉ định xét nghiệm hiện nay, ngành y tế sẽ xây dựng kế hoạch xét nghiệm riêng để đánh giá nguy cơ. Riêng các khu vực phong tỏa sẽ lấy mẫu toàn dân 3 ngày/lần. Để làm được điều này, ngành y tế sẽ điều động hết các labo hỗ trợ cùng CDC xét nghiệm”, bác sĩ Thạnh khẳng định.
Giám sát chặt chẽ khu phong tỏa
Ông Bạch Ngọc Hải, Chủ tịch UBND phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, địa phương đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch để sớm chặt đứt nguồn lây tại khu vực phong tỏa trên tuyến đường Hoài Thanh. Bên cạnh đó, Quận ủy Ngũ Hành Sơn và Đảng ủy phường yêu cầu cấp ủy chi bộ phân công mỗi đảng viên theo dõi từ 5-10 hộ để tuyên truyền, giám sát và nhắc nhở thực hiện nghiêm nhà cách nhà. “Để giám sát chặt chẽ khu phong tỏa và khu vực xung quanh, phường thiết lập 5 chốt cứng bên trong và 3 chốt mềm bên ngoài.
Bên cạnh đó, phường tăng cường dùng loa di động đi vào kiệt, hẻm, khu dân cư và khu vực phong tỏa để tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Đặc biệt, để người dân yên tâm thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, ngoài việc tích cực cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, địa phương còn kêu gọi các tổ chức hảo tâm giúp đỡ thêm. Hiện nay, đoàn viên thanh niên của phường thành lập đội tình nguyện để giúp đỡ người dân trong khu vực phong tỏa. Khi người dân có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, đội tình nguyện sẽ kết nối với các siêu thị để kịp thời cung cấp”, ông Bạch Ngọc Hải khẳng định.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, ngoài việc tập trung tuyên truyền và cung ứng tốt hàng hóa thiết yếu cho người dân, các địa phương cần chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại các khu vực để chỉ định xét nghiệm đúng trọng tâm dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả trong công tác xét nghiệm diện rộng.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm hợp lý, hiệu quả, tránh trùng lặp, bỏ sót, tránh tập trung đông người tại cùng một thời điểm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. “Các công ty, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác xét nghiệm cho nhân viên theo định kỳ. Bên cạnh đó, Sở Công thương và các địa phương cung cấp dữ liệu về số lượng tiểu thương và số người đi chợ bình quân/ngày tại các chợ trên địa bàn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất khi có nguy cơ”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh.
LÊ HÙNG