“Trong tháng 4-2020, thành phố sẽ chi khoảng 120 tỷ đồng cho nhóm đối tượng khó khăn do Covid-19, trước mắt là người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Đối với nhóm lao động mất hoặc tạm ngưng việc làm (có hợp đồng lao động), dự kiến sẽ hỗ trợ từ tháng 5-2020”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết.
Thông tin về tình hình thực hiện các gói hỗ trợ đối với các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết có 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ lần này. Qua khảo sát, có những nhóm sở đã nắm khá rõ như: hộ nghèo, cận nghèo; các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng người có công nhận hưởng trợ cấp hằng tháng đều đã lập được danh sách.
Tuy nhiên, với một số nhóm còn lại như: công nhân mất việc, người lao động mất việc, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng..., chỉ chính quyền địa phương cơ sở mới nắm được, nên sở không tham gia mà giao cho các địa phương thực hiện, nắm để lập danh sách. Ngoài ra, Đà Nẵng có thêm nhóm đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên của thành phố, do thành phố quy định (trợ cấp xã hội mở rộng, có công mở rộng, hộ nghèo, cận nghèo cấp thành phố), mức đề xuất hỗ trợ bằng mức theo Nghị quyết 42/NQ-CP. Nhóm này vẫn phải chờ HĐND thành phố họp thông qua gói hỗ trợ mới có thể triển khai.
Trước đó, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 21 tổ chức ngày 17-4, UBND thành phố đề xuất chủ trương chi hỗ trợ thêm 3 nhóm đối tượng đặc thù của thành phố, bao gồm: thân nhân người có công cách mạng đang được hưởng trợ cấp thường xuyên; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... Hiện nay, 56 phường, xã đang khẩn trương triển khai lập danh sách các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ; rà soát chống trùng lắp. Hạn chót là 20-4, các địa phương nộp danh sách cho Sở LĐ-TB&XH tổng hợp để trình thành phố.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn Mai Xuân Linh cho biết, thực hiện chỉ đạo từ Sở LĐ-TB&XH, quận đã nắm chắc số đối tượng nằm trong danh sách theo Nghị quyết 42/NQ-CP, hiện chỉ làm công tác rà soát chống trùng lắp. Theo Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Huỳnh Quang Trung, địa phương có khoảng 2.000 lao động tự do mất việc. Để bảo đảm hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, UBND phường giao cho khu dân cư (KDC) phát phiếu khảo sát, tổng hợp danh sách sau đó sẽ được thông qua tại cuộc họp cán bộ quân dân chính KDC (tờ danh sách bảo đảm các chữ ký của cả tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận); sau đó, gửi danh sách về phường để nhập số liệu. UBND phường thành lập Hội đồng xét duyệt với sự tham gia đầy đủ các ban, hội, đoàn thể để rà soát, phân loại nhóm mới chuyển lên quận, đồng thời niêm yết công khai tại KDC để người dân tham gia giám sát. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) Phan Thùy Dung, ngoài số đối tượng thuộc danh sách “cứng” theo Nghị quyết 42/NQ-CP, số đối tượng lao động tự do trên địa bàn phường rất đông.
Trước mắt, các tổ dân phố phát phiếu kê khai cho hộ gia đình toàn phường và gửi lên phường thống kê.
Theo ông Nguyễn Văn An, đối với người lao động tự do mất việc làm, không có hợp đồng lao động, đến nay vẫn phải chờ hướng dẫn từ Trung ương. “Theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP, những đối tượng giảm sâu thu nhập, đời sống khó khăn thì được hỗ trợ nhưng chưa có hướng dẫn về mức khó khăn cỡ nào, giảm sâu mức thu nhập ra sao. Trước mắt, sở hướng dẫn cho địa phương thu thập dữ liệu, để biết số lượng, dự trù bao nhiêu”, ông An nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, dự kiến tổng chi trên địa bàn thành phố cho gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP và nhóm đặc thù thành phố khoảng trên 300 tỷ đồng. Trong tháng 4-2020, sẽ thực hiện chi khoảng 120 tỷ đồng cho nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, bảo trợ xã hội, bao gồm cả nhóm đặc thù thành phố khoảng 30 tỷ đồng (toàn thành phố có khoảng 60.000 hộ nghèo, 30.000 đối tượng bảo trợ và khoảng 20.000 người có công (gồm cả nhóm đặc thù). Đối với nhóm lao động mất hoặc tạm ngưng việc làm (có hợp đồng lao động), đến nay chưa thống kê đầy đủ, dự kiến sẽ chi hỗ trợ từ tháng 5-2020.
TRỌNG HUY