Cảm xúc trước thời khắc giao thừa

.

Khi gió cuối đông thổi buốt tê cõi lòng trong tỉ tê mưa gió, cũng là lúc lòng người đang dâng lên niềm vui lặng lẽ đón xuân về. Trong bão bùng của đất trời, tự nhiên đã âm thầm gom gió, góp sương ủ kín những bông hoa chờ Tết. Như là một bí mật của tự nhiên, mọi loài hoa đều giấu kín mình trong tiết đông rét buốt, gồng mình trong mưa bão để tích tụ nụ mầm chờ giờ rộ sắc khoe hương. Hai nữ hoàng của hoa xuân - đào, mai như cố tình trút bỏ lớp áo xanh của lá để lại những cành khẳng khiu, chơ vơ một cách tội nghiệp, đang đứng rét run từ đầu đông cho đến độ đông tàn.

Tất cả mầm sống như được dồn nén lại, chờ phút giao thừa thiêng liêng sẽ khai hoa, nở nhụy đón chào xuân. Chao ôi! Thiên nhiên vô tư nhưng ngẫm kỹ ra chưa hẳn đã vô tình. Thiên nhiên chuyển xoay theo quy luật bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, nhưng cái “cú” chuyển mình từ đông sang xuân là vô cùng ngoạn mục, bí ẩn và bất ngờ: còng lưng trong rét mướt/ đông góp nụ làm chồi/ người già hiểu quy luật/ sắp hoa rồi… xuân ơi.

Tôi nhẹ chân rón rén bước vào vườn xuân như cố giữ yên cái bí mật lặng lẽ của tự nhiên, như để “rình” xem có gì chuyển mình trong cỏ cây trước giờ giao thừa điểm. Gốc mai già ở cuối vườn xuân từ đời ông cố tôi để lại, đang chơ vơ lá, khẳng khiu cành… chờ đợi. Gốc mai lâu niên này, trở thành một ám ảnh xuân trong suốt cuộc đời tôi từ tuổi trẻ xa quê cho mãi lúc về già. Năm nào cũng vậy, cứ chiều ba mươi Tết, tôi trở lại khu vườn xuân xưa vừa thân quen, lại vừa vô cùng lạ lùng, bí mật. Có một điều kỳ diệu là dù đứng trước cội mai già hằng năm vào giờ khắc chuyển giao năm nhưng tôi nhận ra không có năm nào giống năm nào cả. Tự nhiên cũng chuyển biến theo quy luật sinh trưởng và lụi tàn của tự nhiên, con người cũng như vậy, cứ mỗi năm một tuổi, lớn lên, già đi…

Vì thế, tâm trạng tôi cũng chẳng có năm nào giống năm nào. Vườn cũ nhưng muôn năm mới, mai vẫn trổ hàng xuân nhưng hoa mai xuân cũng chẳng năm nào giống hệt năm nào. Mỗi năm một vẻ trong mắt con người vừa là lạ, vừa quen quen như người thân lâu ngày không gặp. Cái cảm giác ngờ ngợ chiếm lĩnh lấy hồn tôi. Hình như sắc hoa kia ta đã gặp đâu đó rồi trong ký ức nhưng sao chiều nay bỗng lạ lùng như một kẻ mới quen. Vài cánh bướm chờn vờn trước hoa càng tạo cho vườn xuân sức gợi cảm đến ghê hồn. Người ta gọi “bướm đa tình” là vậy, vì nó cứ chập chờn bay, đậu vào mọi loài hoa, hút nhụy hoa để điểm tô cho sắc cánh rực rỡ của mình. Trên đôi cánh rạng ngời ấy, bướm cứ thong dong bay lượn với tư thế thỏa thuê của một người hưởng thụ, vì thực ra không có cơ hội nào để bướm mở vũ hội trên hoa bằng mỗi dịp vào xuân.

Trong khu vườn ấy, sinh thời, ông nội tôi rồi đến cha tôi thường tha thẩn bên cội mai vào những ngày giáp Tết. Bà nội tôi rồi đến mẹ tôi thường lom khom đi nhặt những lá trầu vàng rơi rụng cuối đông gom về giỏ trầu dùng riêng cho mình để chuẩn bị hái những lá trầu xanh tươi dâng cúng tổ tiên và đãi khách đến thăm trong ba ngày Tết. Trầu vàng giữ lại cho ta/ Trầu xanh đãi khách chan hòa tình xuân. Cái triết lý sống vì cộng đồng, trọng tập thể của người Việt được bộc lộ trong từng cử chỉ, hành vi văn hóa.

Người Việt Nam hiếu khách và thường có thói quen “nhịn miệng đãi khách”. Nhà mình dù có nghèo, nhưng trước mặt khách không bao giờ tỏ ra thiếu thốn, hoặc để cho cái nghèo khó làm cho mình hèn đi trong lúc khách đến nhà: “Khách đến nhà không gà thì vịt”. Thái độ trân trọng ấy cho ta nhận ra đức tính thảo thơm, rộng lòng của người Việt. Nhưng đức tính ấy càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết trong ba ngày Tết. Tất cả mọi người như đều thoát khỏi những tính toán của chiều ba mươi để mở lòng ra từ phút giao thừa. Hoa xuân lo tích tụ mầm nụ cả năm để nở cho đẹp mùa xuân, con người cũng tích gom trong cơ cực đời mình những niềm vui trao nhau ba ngày Tết.

Tôi có cảm giác cả một năm trời cật lực, con người tự cần cù lấy chính mình như thể loài ong cần mẫn tích gom hương hoa dâng mật cho đời. Còn ba ngày Tết, mọi người hình như thoát khỏi kiếp ong để thảnh thơi như những chàng bướm đa tình vui dạo giữa bạt ngàn hoa xuân khoe muôn màu nghìn sắc. Chính hai mặt đối lập ấy đã tạo nên tính thống nhất trong mỗi con người. Ai cũng sẵn sàng đổ mồ hôi cật lực lao động cả năm để tích trữ cả vật chất lẫn tinh thần vui ba ngày Tết. Cuộc sống trần ai vốn lắm bụi hồng trần nhưng con người không thấy chán chường mà gạn trong bụi hồng trần, ủ lấy hương tin yêu để mà vui sống.

Chao ôi Tết! Cái gì đã tích lũy trong em mà ai cũng nức lòng chờ đón như chờ đón ngày vui của chính đời mình. Tết rộn ràng trong niềm vui và rực rỡ giữa hoa xuân, nhưng Tết cũng thiêng liêng bí ẩn trong khói hương trầm bái vọng tổ tiên. Cái thế giới tâm linh như hiển hiện rất rõ trong những ngôi nhà thờ dịp ba ngày Tết. Hồ như đây là thời khắc giao hòa giữa người đang sống và những người đã khuất. Ai cũng tin rằng, ba ngày Tết, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân đã khuất cùng rủ nhau tụ hội về ngôi nhà thờ thiêng liêng để vui xuân cùng con cháu.

Ôi Tết! Muôn đời trong tôi, Người vẫn cứ thiêng liêng…

MAI BÁ ẤN

;
;
.
.
.
.
.