Thương nhớ những góc bàn thờ ngày Tết

.

Bàn thờ ngày Tết ở miền Bắc thường có cành đào nhỏ, bánh chưng xanh, quả Phật thủ… Bàn thờ ngày Tết ở miền Nam chủ yếu là mâm ngũ quả. Còn bàn thờ ngày Tết ở miền Trung có hai thứ gần như không thể thiếu là những nải chuối sứ cùng bình hoa lay ơn…

Đêm 30 Tết là đêm nhiều mênh mang nhất của cả lòng người lẫn trời đất trong khoảnh khắc chuẩn bị tạm biệt một năm cũ, rồi sửa soạn bước sang năm mới. Vì thế, đêm 30 cũng là đêm mà những góc thờ phụng trong nhà bao giờ cũng rất sạch sẽ, tươm tất, đèn điện sáng choang… và mùi nhang trầm cứ tỏa hương dịu dịu trong cái gió hơi se lạnh.

Ngày Tết không chỉ mang ý nghĩa sum vầy của những thành viên gia đình sau một năm ngược xuôi mưu sinh. Ngày Tết còn là dịp “trở về” cùng nhau của những ông bà, họ hàng quen thuộc trong ý niệm về tâm linh.

Chẳng biết từ bao giờ, khi mình bắt đầu hiểu về Tết, mình rất hay ngước nhìn lên những góc bàn thờ tinh tươm ấy…

Thời điểm của việc sửa soạn bàn thờ Tết thường đã bắt đầu sau 23 tháng Chạp, khi những bộ lư đồng được mang đi đánh bóng sau một năm dài phủ đầy bụi bám. Má cũng phải liên hệ người quen, đặt những buồng chuối sứ to và đẹp để dành riêng cho 3 ngày Tết, vì nếu cứ đợi ra chợ mua có khi lại không có sẵn những những nải chuối theo đúng ý mình. Riêng hoa lay ơn thì nhiều nên rất dễ mua, không cần chuẩn bị hay đặt hàng trước - chỉ là phải chấp nhận càng gần Tết thì càng phải mua giá cao hơn bình thường.

Bàn thờ ngày Tết ở miền Trung dĩ nhiên luôn có ít bánh mứt, món chay hay món mặn dọn lên, dọn xuống sau mỗi lần cúng kiếng. Nhưng cái mâm bồng được xếp vòng tròn xoe có khi lên đến 5-7 nải chuối sứ xanh ngắt, ở chính giữa trên cao hay có thêm một trái thơm với phần cuống lá dài điểm xuyết… bao giờ cũng sừng sững ở đấy. Còn ở một góc bên này bàn thờ là màu đỏ thẫm của những cánh hoa lay ơn nở rực rỡ không thể nào đẹp hơn nữa giữa tiết trời mát mẻ của mùa xuân. Hai cái điểm nhấn ấy cùng với đốm lửa đỏ lập lòe của nén nhang trầm cứ thế tạo nên một khung hình đầy màu sắc, sinh động và ấm áp trong ánh mắt của mình.

Ngày Tết, cứ hễ chuẩn bị đi đâu là mắt lại ngước nhìn lên góc bàn thờ, như thể cất lên một lời thưa trong ý nghĩ. Lúc về cũng sẽ như thế, như cách chào hỏi của những người con trong nhà với những người lớn tuổi. Rồi cứ mỗi lần thấy nhang sắp tàn trên lư hương thì tự mình lại đi thắp. Cái tục lệ 3 ngày Tết lúc nào cũng để một nén nhang tỏa những vòng khói nhè nhẹ trên bàn thờ, trở thành cái nếp mà trong nhà ai cũng tự ý thức làm việc đó mà không cần nhắc nhở.

Trong những cái Tết trở về sau những chuyến đi xa, cứ mặc nhiên trong những món quà có thứ gì ngon nhất, độc đáo nhất đều được mang đặt ở một góc bàn thờ. Vừa là một sự thành kính, cũng vừa là một điều gì đó thuộc về cảm xúc của sự chia sẻ. Vì chính bản thân mình cũng biết rằng, đâu đó, trong những ngày tháng giông bão của chặng đường vừa qua, có lúc mình đã đứng cạnh một dòng sông, một núi đồi, một bờ vực hoặc trong một căn phòng tối… nhưng mắt vẫn luôn hướng về với những góc bàn thờ nơi quê nhà. Chỉ để tìm một điểm tựa, mong cầu một sự phù hộ hoặc đơn giản là tiếp thêm một chút nghị lực sống giúp mình có thể bước qua những trùng vây khó khăn.

Những góc bàn thờ ngày Tết của mỗi nhà sẽ có những khuôn hình hoàn toàn khác nhau. Nhưng ở đấy, và vẫn luôn ở đấy, Tết sẽ mãi mãi bình an và ấm cúng dù chỉ là những bày biện đơn sơ hay thật nhiều món ngon vật lạ.

Ước gì, đêm 30 Tết nào trong cuộc đời mình, cũng được đứng trước những góc bàn thờ nơi quê nhà ấy.

Và, mình mở lòng mình ra như một dòng chảy đón nhận tất cả yêu thương… 

NGUYỄN PHONG VIỆT

;
;
.
.
.
.
.