Ngày 21-11-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền Bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, tháng 5 hằng năm được chọn là “Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân” nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. Dịp này, BHXH thành phố có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Bảo hiểm Xã hội thành phố và Bưu điện thành phố phối hợp tổ chức ra quân tuyên truyền lưu động, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân. |
Để hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện và tình hình thực tế người dân tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc BHXH thành phố.
* Việc tham gia BHXH tự nguyện có ý nghĩa như thế nào với bản thân người tham gia và với xã hội, thưa ông?
- BHXH nói chung, BHXH tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, góp phần thực hiện công bằng và bảo đảm an sinh xã hội. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi đời (lương hưu được điều chỉnh tăng hằng năm); được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng; không phải đóng tiền nhưng vẫn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) với mức thanh toán đến 95% chi phí khám chữa bệnh khi chẳng may bị ốm đau, bệnh tật; nhân thân được nhận chế độ tử tuất, mai táng phí,…
Bên cạnh đó, dưới góc độ tâm lý, khi một người được hưởng lương hưu lúc về già sẽ có cảm giác thoải mái, vui vẻ vì có thể tự mình trang trải chi phí cuộc sống, không phải phụ thuộc hay trở thành gánh nặng cho gia đình, con cháu.
Đối với Nhà nước và xã hội, việc tham gia BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng giúp giảm bớt áp lực, gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội về lâu dài. Chẳng hạn, hiện nay, những người ngoài 80 tuổi không có lương hưu thì Nhà nước phải trợ cấp xã hội hằng tháng, cấp thẻ BHYT.
* Trong tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, BHXH thành phố có những hoạt động gì ?
- Trong tháng 5 - Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, vừa qua, ngày 23-5, BHXH thành phố phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức tiếp sóng lễ ra quân trực tuyến tại Bưu điện thành phố và 3 điểm cầu Bưu điện 2, 3, 4 tại các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ với sự tham gia của cán bộ, nhân viên BHXH 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Sau lễ ra quân, đoàn xe diễu hành tuyên truyền lưu động bằng các phương tiện ô-tô, xe máy gắn các thông điệp truyền thông đi qua các tuyến đường; chia thành các nhóm nhỏ tư vấn, tuyên truyền trực tiếp tại các chợ, nhà dân,…
Các thông điệp súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu như: “Đảng và Nhà nước chăm lo cuộc sống nhân dân thông qua chính sách BHXH”; “BHXH là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước, vì quyền lợi của người lao động và nhân dân”; “Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện BHXH toàn dân”; “Hãy tham gia BHXH vì sự ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình” đã tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng nông dân, người lao động tại khu vực phi chính thức.
Bên cạnh đó, BHXH thành phố phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện các phóng sự, phỏng vấn tuyên truyền về chính sách BHXH, BHXH tự nguyện, hướng tới thực hiện BHXH toàn dân; phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ Công đoàn các cấp; phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT nói chung, chuyên đề tháng vận động triển khai BHXH toàn dân nói riêng…
* Thực tế tình hình người dân thành phố tham gia BHXH tự nguyện hiện nay như thế nào?
- Tính đến 30-4-2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố là 4.979 người, tăng 2.838 người so với cùng kỳ năm trước (tăng 132,55%). Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Vẫn còn một bộ phận lớn người dân chưa hiểu hết vai trò, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, các hoạt động tuyên truyền, vận động của BHXH thành phố nhằm mục đích ngày càng có nhiều người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân.
* Vậy mục tiêu, giải pháp thời gian đến của BHXH thành phố trong việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện?
- Mục tiêu năm 2020 của BHXH thành phố là phấn đấu có khoảng 13.000 người tham gia BHXH tự nguyện và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Để thực hiện được mục tiêu này, BHXH thành phố đã và đang tập trung vào một số giải pháp lớn, có tính định hướng như sau: thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tham mưu, phối hợp, triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH từ thành phố đến quận, huyện.
Cán bộ, nhân viên Bảo hiểm Xã hội thành phố và Bưu điện thành phố tổ chức tuyên truyền tại nhà cho người dân về ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Trong đó, thống nhất giao chỉ tiêu cụ thể đến từng xã, phường, thôn, tổ dân phố. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dựng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi tham gia cũng như khi thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH. Thứ ba, BHXH thành phố tích cực đổi mới toàn diện công tác tuyên truyền theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ngoài các hình thức truyền thống như: treo băng-rôn, khẩu hiệu, tổ chức hội nghị, BHXH thành phố sẽ triển khai và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đối thoại trực tiếp, trực tuyến trên trang mạng xã hội Facebook, Cổng thông tin điện tử,… để người dân hiểu rõ, hiểu đúng bản chất của BHXH là chính sách của Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện; BHXH là trụ cột chính, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; quỹ BHXH được Nhà nước bảo trợ; cơ quan BHXH là cơ quan Nhà nước, không vì lợi nhuận, không phải là công ty, doanh nghiệp kinh doanh như các loại hình bảo hiểm thương mại khác.
* Hiện nay có những hình thức nộp BHXH tự nguyện nào?
- Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, giúp giảm thiểu thời gian, công sức cho người tham gia BHXH, BHXH thành phố đã tăng cường tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nộp tiền BHXH. Theo đó, người dân có thể lựa chọn hình thức nộp tiền “truyền thống” thông qua các đại lý thu ở phường, xã; bưu điện trên địa bàn các quận, huyện; Trung tâm Dịch vụ việc làm. Đặc biệt, người tham gia BHXH tự nguyện có thể chọn các hình thức nộp tiền “hiện đại” như: chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của cơ quan BHXH mà mình đang tham gia theo phương thức đã đăng ký hoặc nộp tiền trực tuyến trên phần mềm của thiết bị di động và trên trang web của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông qua các ứng dụng BIDV Online, BIDV Smart Banking, BIDV Business Online.
Với những hình thức nộp tiền “truyền thống” và “hiện đại” như trên, người tham gia BHXH tự nguyện có thể chọn cách phù hợp để đóng tiền BHXH tự nguyện hằng tháng, tích lũy kinh phí để bảo đảm cuộc sống sau này.
LAM PHƯƠNG thực hiện