Nhiều giải pháp phân loại rác thải tại nguồn

.

Với mong muốn mang lại môi trường sống xanh-sạch- đẹp, thành phố đã và đang thực hiện việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hoạt động này được triển khai tại quận Cẩm Lệ bằng nhiều hình thức khác nhau, với mục đích nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Phụ nữ phường Hòa Phát thu gom rác thải tái chế qua sử dụng.  Ảnh: TRUNG TRỰC
Phụ nữ phường Hòa Phát thu gom rác thải tái chế qua sử dụng. Ảnh: TRUNG TRỰC

Ngày 11-4-2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Riêng tại quận Cẩm Lệ, việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn không phải đến nay mới được triển khai mà trước đó các cấp, các ngành, đặc biệt là các hội đoàn thể đã thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả.
Nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư (KDC) số 10, phường Hòa Phát lâu nay đã trở thành nơi chị em trong Chi hội phụ nữ tập kết các loại rác thải tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa…

Chị Lê Thị Bích Thủy, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 10 cho biết, chi hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, sau tập kết tại một điểm cố định để bán, lấy tiền gây quỹ an sinh cho khu dân cư, hoặc mua bình thủy tinh để tặng lại cho hội viên. Việc làm này hướng đến việc nâng cao nhận thức của hội viên nói riêng, nhân dân nói chung trong việc bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, tạo thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tại phường Hòa Thọ Đông, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường cũng đã triển khai mô hình thu gom pin cũ tại các khu dân cư. Chị Nguyễn Thị Minh Ánh, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường cho hay, pin đã qua sử dụng là rác thải nguy hại, 1 viên pin bỏ đi có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm. Do đó, Hội đã nảy sinh ý tưởng phát động thu gom pin cũ cho các chị em hội viên bằng cách trao 17 thùng thu gom pin cũ cho 17 khu dân cư, treo trước nhà sinh hoạt cộng đồng. “Sắp tới, chúng tôi sẽ đánh giá lại hiệu quả của mô hình, đồng thời sẽ nhân rộng việc cấp phát thùng thu gom pin cũ đến từng hộ dân, hướng tới thay đổi dần dần  nhận thức cho người dân về tác hại của pin cũ khi bị vứt bừa bãi ra môi trường”, chị Ánh nói.

Ông Đinh Phạm Công Anh Tuân, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ cho biết, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trước đây đã được các hội, đoàn thể triển khai thực hiện, tuy nhiên vẫn chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa đồng bộ. Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, mới đây UBND quận Cẩm Lệ triển khai kế hoạch thực hiện với mục đích từng bước triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo lộ trình của UBND thành phố đến năm 2025 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng đối với vấn đề này. Các nhóm chất thải rắn sinh hoạt được phân chia gồm chất thải rắn sinh hoạt và nhóm chất thải xây dựng, rác có kích thước lớn.

Về chất thải rắn sinh hoạt tái chế sẽ tùy thuộc điều kiện tại mỗi khu vực dân cư sẽ quyết định phương thức tổ chức phân loại, thu gom tại nguồn theo từng địa bàn phường. Trong khi đó, chất thải rắn nguy hại được thu gom đồng thời tại các điểm thu gom cố định và di động. Riêng với rác thải xây dựng, người dân có thể liên hệ trực tiếp với đơn vị dịch vụ được lựa chọn thực hiện xử lý, hoặc đơn vị dịch vụ sẽ thu gom tại vị trí, thời gian cố định do UBND phường thông báo.

“Hiện chúng tôi đang xây dựng quy trình chi tiết thực hiện thu gom chất thải sinh hoạt sau khi phân loại. Ngoài ra, tiếp nhận thùng rác 3 ngăn phục vụ việc phân loại rác thải do thành phố cung cấp, phân phát về các phường và khảo sát, chọn địa điểm thích hợp để đặt thùng rác này, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn”, ông Tuân cho biết thêm.

Cũng theo ông Tuân, trong năm 2019, UBND quận Cẩm Lệ và các phường đã tổ chức tập huấn công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho cho lực lượng nòng cốt, tuyên truyền viên, cán bộ khu dân cư, hội viên các hội đoàn thể, tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn. Qua đó cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đưa công tác tuyên truyền ngày càng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

TRUNG TRỰC

;
;
.
.
.
.
.