Mưa lũ miền Trung làm 12 người chết và mất tích

.

ĐNO – Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, hôm nay (ngày 9-10), lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và các sông ở Thừa Thiên Huế lên chậm, sông Kiến Giang (Quảng Bình) dao động ở mức cao, các sông khác từ Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục xuống. Theo Chi cục Phòng chống thiên tai Miền Trung - Tây Nguyên, tính đến sáng ngày 9-10, đợt mưa lũ đã làm 12 người chết và mất tích.

Lũ trên sông Vu Gia thoát về hạ lưu qua đập dâng An Trạch. Video: HOÀNG HIỆP

Theo đó, đến chiều hôm nay (ngày 9-10), mực nước trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) dự báo có khả năng lên mức 7,5m, ở mức báo động (BĐ)1; sông Gianh (Quảng Bình) xuống mức 4,2m, dưới BĐ2 0,8m; sông Kiến Giang (Quảng Bình) ở mức 2,5m, ngang BĐ2; sông Thạch Hãn (Quảng Trị) xuống mức 4,5m, ở mức BĐ2; sông Bồ (Thừa Thiên Huế) lên mức 3,5m, trên BĐ2 là 0,5m; sông Hương (Thừa Thiên Huế) lên mức 1,7m, dưới BĐ2 là 0,3m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa xuống mức BĐ1.

Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra đến hết ngày 9-10, sau giảm dần. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Dự báo, ngày 10-10, ở các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Ngày 11-10, ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài.

Lực lượng chức năng xã Hòa Phong kịp thời cứu vớt một người đi xe máy đi qua đoạn đường ngập lũ, nước chảy xiết cuốn trôi. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lực lượng chức năng của huyện Hòa Vang kịp thời cứu một người đi xe máy đi qua đoạn đường ngập lũ, nước chảy xiết cuốn trôi vào ngày 8-10. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Trước đó, theo Chi cục Phòng chống thiên tai Miền Trung - Tây Nguyên, tính đến hết ngày 8-10, đợt mưa lũ đã làm 4 người chết (Quảng Trị có 2 người chết, Quảng Ngãi có 1 người chết, Gia Lai có 1 người chết), 8 người mất tích (Quảng Trị: 6 người, Thừa Thiên Huế: 1 người, Gia Lai: 1 người) và 5 người bị thương (Quảng Bình: 1 người; Thừa Thiên Huế: 4 người).

Có 1 nhà bị sập (ở tỉnh Thừa Thiên Huế) và 26 nhà bị hư hỏng (Quảng Trị: 20 nhà; Đà Nẵng: 4 nhà; Quảng Nam: 1 nhà; Quảng Ngãi: 1 nhà) và 1.100 nhà bị ngập nước ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Có 245ha rau, hoa màu bị ngập và thiệt hại (Thừa Thiên Huế: 87,7 ha; Quảng Trị: 150 ha; Đà Nẵng: 16,3 ha); 32.500 con gia cầm bị trôi (Quảng Trị); 71 cây xanh bị ngã đổ (Đà Nẵng); 1.000 chậu hoa, 180 cây xanh bị gãy (Quảng Trị)... 537,7ha thủy sản, 30 lồng nuôi cá và 1 thuyền thúng bị ngập trôi (Quảng Trị); 223ha nuôi tôm bị ngập, thiệt hại từ 25-30% (Thừa Thiên Huế); 11 ha hồ nuôi tôm bị thiệt hại (Quảng Ngãi: 9 ha, sản lượng thiệt hại: 12 tấn; Thừa Thiên Huế: 2 ha).

Nhà kho bán trú học sinh Trường THCS BT Lý Tự Trọng (xã Axan, huyện Tây Giang) bị nước tràn vào. Trường mẫu giáo Họa Mi, xã Trà Vân; Trường tiểu học làng Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân, Nam Trà My) và khu bếp ăn tập thể Trường THCS Trà Vân có nguy cơ bị sạt lở; đã di dời giáo viên, học sinh đến nơi an toàn (Quảng Nam).

Tại vùng biển ven bờ Quảng Trị, có 3 tàu bị chìm, gồm tàu Vietship 12 với 5 thuyền viên, trong đó có 3 người đã được tàu Vietship 1 cứu vớt an toàn, còn 2 người hiện đang tìm kiếm; tàu Thanh Thành Đạt 55 với 7 thuyền viên, trong đó, 6 người đã được tàu Thanh Thành Đạt 68 cứu, còn 1 người hiện đang tìm kiếm; tàu Vietship 9 bị chìm, 4 người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn.

Có 2 tàu bị mắc cạn, gồm: tàu Vietship 1 với 12 thuyền viên; tàu Hoàng Tuấn 26 với 12 thuyền viên, tất cả thuyền viên đều an toàn. Tàu Thanh Thành Đạt 68 với 9 thuyền viên bị trôi dạt.

Tại vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế, tàu Công Thành 27 với 11 thuyền viên bị sóng lớn làm nước tràn vào tàu, đã cứu được tất cả 11 thuyền viên; thuyền trưởng đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc cấp cứu, 3 thuyền viên bị thương nhẹ chăm sóc tại chỗ, các thuyền viên còn lại sức khỏe ổn định...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.