Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) vừa ban hành đã gộp các quy định về xử lý kỷ luật CBCCVC ở 4 nghị định khác, tạo sự thống nhất, thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật; từ đó có những tác động tích cực đến bộ phận CBCCVC trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ, đạo đức công vụ.
Theo Sở Nội vụ, thời gian qua, tỷ lệ bình quân cán bộ, công chức, viên chức đạt mức tốt đối với các tiêu chí “5 xây, 3 chống”, đánh giá về ngăn chặn, đẩy lùi 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... tương đối cao. TRONG ẢNH: Người dân giao dịch tại bộ phận “Một cửa” quận Thanh Khê. Ảnh: MINH SƠN |
Xử lý vi phạm khách quan, công tâm
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đối với Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, đối tượng áp dụng bao gồm CBCCVC, tạo sự thống nhất, thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật. Đặc biệt, nghị định mới đã có quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với CBCC đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định việc xử lý kỷ luật phải bảo đảm khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu CBCCVC có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất (trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc); không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.
Đây là lần đầu Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề tái phạm khi kỷ luật CBCCVC để làm căn cứ áp dụng trên thực tế. Về vi phạm lần đầu, thay vì liệt kê những hành vi vi phạm của từng hình thức kỷ luật như các nghị định trước đây, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể các hành vi bị xử lý kỷ luật và nêu rõ căn cứ vào mức độ của hậu quả gây ra mà CBCCVC phải chịu hình thức kỷ luật tương ứng.
Đồng thời, các hình thức kỷ luật CBCCVC tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đã có sự thay đổi đáng kể; trong đó, không còn hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý. Nghị định số 112/2020/NĐ-CP cũng bổ sung và làm rõ thêm các trường hợp miễn hoặc chưa xem xét trách nhiệm kỷ luật. Các quy định này có tính bao quát, phù hợp với thực tế triển khai. Thời hạn xử lý kỷ luật CBCCVC được quy định tại Điều 5 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP cũng kéo dài hơn so với quy định trước đây.
Tiếp nhận tích cực
Trưởng phòng Nội vụ quận Sơn Trà Lê Ngọc Hoàng cho biết, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP tạo thuận lợi cho cán bộ chuyên môn (công tác tổ chức cán bộ), dễ hiểu, dễ tiếp thu, nghiên cứu, có tính logic cao. Nghị định mới cũng phù hợp với Quy định số 102/QĐ-TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
“Việc nghiên cứu, thực hiện nghị định mới giúp CBCCVC thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, trách nhiệm với công việc; dễ thấy rõ những điểm sai phạm trong thực thi công vụ để phòng, tránh”, ông Hoàng nói. Hiện phòng Nội vụ quận Sơn Trà đã tham mưu UBND quận tổ chức quán triệt đến đội ngũ CBCCVC toàn quận nghiêm túc thực hiện theo quy định mới.
Ông Tào Hùng, Chánh văn phòng HĐND - UBND quận Thanh Khê cho biết, từ năm 2017, quận Thanh Khê triển khai áp dụng hình thức thẻ thưởng, phạt trong thực thi công vụ đối với CBCCVC, người lao động. Theo đó, có 3 loại thẻ gồm thẻ xanh (nhắc nhở), thẻ vàng (phê bình) và thẻ hồng (khen thưởng). Trường hợp CBCCVC bị phạt nhiều thẻ sẽ không xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, bộ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý trong nhiệm kỳ.
Qua 4 năm triển khai, hiệu quả thấy rõ khi số thẻ phạt giảm, thẻ thưởng tăng lên. “Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm, quận sẽ chỉ dẫn, tuyên truyền CBCCVC toàn quận nắm rõ các văn bản hướng dẫn dưới luật liên quan đến Nghị định số 112/2020/NĐ-CP để thực hiện. Với Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, cho thấy việc áp dụng hình thức thẻ phạt trong thực thi công vụ đối với CBCCVC ở quận Thanh Khê vẫn còn rất phù hợp, hiệu quả”, ông Hùng nói.
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP với các quy định có tính thực tiễn cao và rất kịp thời, tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền trong việc căn cứ áp dụng với từng trường hợp trên thực tế. Thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ, tinh thần, trách nhiệm của CBCCVC; đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao tính chuyên nghiệp của CBCCVC.
100% cơ quan, đơn vị có cung ứng dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều thực hiện nghiêm túc việc công khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị đến công dân, tổ chức thông qua nhiều hình thức như niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Trong thời gian đến, Sở Nội vụ tiếp tục đẩy mạnh minh bạch thông tin, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp như đất đai, quy hoạch, đấu thầu, các chế độ chính sách...; gắn nhiệm vụ với trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan sử dụng CBCCVC...
MINH SƠN