Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp của huyện Hòa Vang đã thực hiện khá hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo các Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW (gọi tắt là Quyết định số 217 và 218) ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Công tác giám sát và phản biện của Mặt trận góp phần đưa huyện Hòa Vang sớm hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. TRONG ẢNH: Tuyến đường ĐH2 đoạn qua địa bàn xã Hòa Sơn đã thực hiện gần 90% công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: T. HÙNG |
Trên cơ sở triển khai Kế hoạch số 34-KH/TU của Thành ủy về tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 217 và 218, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang đã tích cực tuyên truyền, chỉ đạo Mặt trận các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Ông Lê Duy Cửu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang cho biết, từ năm 2015 -2019, Mặt trận các cấp của huyện Hòa Vang đã tiến hành 171 cuộc giám sát về các nội dung phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, những hội nghị phản biện các dự thảo nghị quyết đã giúp MTTQ Việt Nam huyện thực sự trở thành “người gác cổng” của Huyện ủy, UBND huyện khi đưa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn. “Qua giám sát đã phát hiện kịp thời những biểu hiện, hành vi, những việc làm chưa đúng, chưa tốt, thậm chí là vi phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; đặc biệt là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, đảng viên về những bất hợp lý, khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật… của việc thực hiện chế độ, chính sách trong quy hoạch, giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, xây dựng kết cấu hạ tầng… Từ đó, Mặt trận các cấp đã góp ý trực tiếp hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Cửu cho hay.
Cũng theo ông Cửu, từ năm 2015 đến 2019, thông qua các cuộc giám sát của Mặt trận, nhiều kiến nghị được các cấp có thẩm quyền của huyện Hòa Vang, thành phố xem xét, giải quyết kịp thời như nâng mức tiền đền bù đất ruộng cho người khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được thực hiện trên địa bàn; dừng quy hoạch thủy điện Sông Nam sông Bắc ở xã Hòa Bắc; giao đất rừng của Công ty Vinafor cho đồng bào dân tộc sản xuất, khắc phục tình trạng xuống cấp Trường Tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc), Trung tâm Văn hóa -Thể thao xã Hòa Liên,…
Ông Phạm Đình Phi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Sơn cho rằng, nếu hoạt động giám sát của Mặt trận được tiến hành thường xuyên và có chiều sâu, Mặt trận sẽ thực hiện tốt các chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cũng theo ông Phi, để bảo đảm quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do Covid-19, năm 2020, MTTQ Việt Nam xã đã chủ trì giám sát việc chi trả trợ cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đúng đối tượng, đúng chế độ. Bên cạnh đó, MTTQ xã đã chủ trì giám sát theo yêu cầu đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Huyện ủy, UBND huyện về quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn xã. “Sau giám sát, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và UBND xã tổ chức họp dân, lấy ý kiến nhân dân và khảo sát thực tế để điều chỉnh việc quy hoạch ở một số khu vực cũng như công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”, ông Phi nói.
Theo ông Bùi Nam Dũng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang, sau khi có Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị, công tác giám sát cán bộ, công chức và đảng viên được tập trung đẩy mạnh việc chấp hành nội quy, quy định cơ quan, lề lối, tác phong làm việc, thái độ tiếp công dân; giám sát đảng viên sinh hoạt với cấp ủy nơi cư trú; giám sát 19 điều đảng viên không được làm... “Riêng trong năm 2017, qua giám sát của Mặt trận đối với 4.117 cán bộ, đảng viên về tham gia sinh hoạt nơi cư trú cho thấy, hầu hết cán bộ, đảng viên chấp hành tốt, tham gia các hoạt động phong trào ở khu dân cư, tuy nhiên vẫn có khoảng 10% cán bộ, đảng viên vẫn chưa chấp hành, ít tham gia sinh hoạt, các hoạt động trong thôn”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, trước đây công tác phản biện xã hội của Mặt trận các cấp của huyện Hòa Vang chủ yếu là tham gia phản biện cùng MTTQ Việt Nam thành phố phản biện đối với một số chủ trương, dự án lớn của thành phố: phản biện dự án cầu đi bộ qua sông Hàn, dự án hầm đường bộ các nút giao thông của thành phố, các dự án luật và một vài dự thảo dự án khác. Từ năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thành lập Ban tư vấn giám sát và phản biện xã hội ở cấp huyện để phản biện đối với các chủ trương, đề án phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện hòa Vang giai đoạn 2020-2025”. Qua đó hội nghị phản biện, Mặt trận đã tập hợp được 8 lượt ý kiến đóng góp trực tiếp, hiệu quả giúp Huyện ủy, HĐND, UBND huyện có thêm căn cứ để thảo luận, xây dựng và triển khai đề này phù hợp thực tiễn địa phương và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Về vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn cho rằng, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận huyện đã góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ngay tại huyện Hòa Vang, nhờ giám sát hiệu quả nên hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm được xây dựng ở các thôn xóm đều bảo đảm chất lượng,... góp phần đưa Hòa Vang về đích nông thôn mới sớm so với kế hoạch đề ra.
TRỌNG HÙNG