Khuyết tật từ ngày mới sinh, di chuyển phải nhờ nạng gỗ hoặc xe lăn nhưng chị Huỳnh Thị Xinh (57 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đã 30 năm làm giáo viên dạy thêm, thường xuyên miễn giảm học phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn và hăng hái tham gia các hoạt động địa phương.
Chị Huỳnh Thị Xinh (bìa phải) hướng dẫn học sinh làm bài tập trong giờ học. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
12 tuổi mới học lớp một
Ngày mới chào đời, chị Huỳnh Thị Xinh đã bị liệt cả hai chân và một tay. Cha mẹ Xinh phải bán hết tài sản để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Sau gần 10 năm xuôi ngược khắp nơi, cuối cùng chỉ có cánh tay trái phục hồi được ít nhiều, còn hai chân vẫn hoàn toàn bất động. Tuổi thơ của Xinh trôi qua trong nước mắt. Ngày ấy, mỗi lần nhìn các bạn đồng trang lứa đi học, mỗi khi nghe bạn bè ríu rít gọi nhau đến trường, Xinh lại ao ước mình cũng được khỏe mạnh, được đến trường học tập.
Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), nỗi khát khao đến trường của cô bé tật nguyền mới thành hiện thực. Hồi đó, khi đã 12 tuổi, Xinh mới bắt đầu đi học lớp một tại Trường Tiểu học Xuân Thiều thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Ngày ngày, Xinh dốc sức học tập, trui rèn từng con chữ, miệt mài, say mê với từng bài tập. Hằng năm, Xinh liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ, bạn bè. Vượt khó trên đường đến trường, chị Xinh tốt nghiệp THPT vào năm 1987 rồi tự học thêm để nâng cao trình độ. Chị ra sức tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi kỹ năng sư phạm, ấp ủ ước mơ mở lớp dạy thêm nhằm tạo thu nhập ổn định cuộc sống và có cơ hội giúp ích cộng đồng. Đồng thời, chị tích cực học vi tính và ngoại ngữ. Người phụ nữ đơn thân được UBND thành phố bố trí nhà ở liền kề trong khu dân cư Xuân Thiều (quận Liên Chiểu). Tại căn nhà này, chị Xinh nuôi một cháu trai ăn học và coi cháu như con ruột. Đến nay, người cháu ấy đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định tại Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Đà Nẵng. Kể từ năm 1990, chị Xinh mở lớp dạy thêm cho các học sinh tiểu học và THCS.
Lặng lẽ cống hiến
Mỗi lớp học của chị Xinh (tuần 3 buổi) có không quá 10 em, học trong thời gian 90 phút. Lúc cao nhất có hơn 60 em theo học ở nhà giáo khuyết tật này. Hằng năm, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được chị Xinh miễn giảm học phí. Đơn cử như cháu Phạm Tấn Phước ở xóm Cồn (phường Hòa Hiệp Nam), mồ côi cha mẹ, ở với người chị ruột, được chị Xinh miễn 100% học phí suốt 5 năm liền, nay cháu đã học lớp 8 tại Trường THCS Lê Anh Xuân. Hay em Nguyễn Thị Thanh (khu dân cư Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam) trước đây gia cảnh khó khăn, mẹ bị tai nạn lao động, được chị Xinh dạy miễn phí suốt từ năm lớp 6 cho đến hết lớp 9, bây giờ đang học tại Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Quảng Nam...
30 năm qua, chị Xinh lặng lẽ góp phần vào sự nghiệp giáo dục tại địa phương. Nhiều học sinh của chị ngày nào bây giờ đã trở thành cán bộ, kỹ sư, công nhân trong các cơ quan, công ty, doanh nghiệp. Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, căn nhà của người phụ nữ khuyết tật lại nhộn nhịp học sinh gần xa đến chúc mừng. Anh Hồ Việt Phú ở đường Xuân Thiều 6 (quận Liên Chiểu), từng học thêm ở chị Xinh suốt 4 năm THCS, hiện là sinh viên năm cuối tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng bộc bạch: “Cô Xinh là tấm gương sáng thôi thúc em nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà giáo, toàn tâm phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”.
Cùng với đó, chị Xinh nhiệt tình tham gia công tác xã hội, tích cực tuyên truyền vận động xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, gương mẫu trong phong trào văn nghệ, thể thao người khuyết tật; hăng hái trong các hoạt động nhân đạo, tình nghĩa, khuyến học ở khu dân cư. Năng nổ, xông xáo, hoạt bát, chị Xinh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật quận Liên Chiểu, Thủ quỹ Chi hội Người khuyết tật phường Hòa Hiệp Nam. Hằng năm, chị tích cực vận động kinh phí giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là vào mỗi dịp đón xuân mới. “Tôi đã vận động được doanh nhân Phạm Thị Minh Hồng ở cùng phường đăng ký trao quà Tết Tân Sửu 2021 cho 20 người khuyết tật trên địa bàn”, chị Xinh chia sẻ. Người phụ nữ giàu nghị lực đã nhiều lần được chọn đại diện quận Liên Chiểu tham dự các cuộc thi do Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng tổ chức và đạt nhiều kết quả tiêu biểu. Năm 2005, chị Xinh vinh dự được Đảng bộ quận Liên Chiểu khen thưởng về thành tích thi tìm hiểu 60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mới đây, chị đạt giải Ba môn Đua xe lăn tại Giải điền kinh người khuyết tật khu vực miền Trung.
Nói về nhà giáo khuyết tật này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận khẳng định, bằng nỗ lực vượt lên số phận, chị Xinh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người ở địa phương, là cá nhân điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
LÊ VĂN THƠM