Đa số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có trình độ thấp, không có việc làm ổn định nên rất dễ tái phạm. Do đó, công tác tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho họ ổn định cuộc sống, ngăn ngừa tái phạm có ý nghĩa quan trọng và mang tính nhân văn sâu sắc.
Trong 10 năm qua, các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn tích cực giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Tìm về nẻo thiện
Cách đây hơn 25 năm, vì đua đòi, N.V.L (1972, trú phường Khuê Mỹ) trả một cái giá khá đắt: 4 năm vào tù vì tội “Cố ý gây thương tích”. Rời trại giam về địa phương, không thể kiếm được công việc ổn định, L. lại giao du với nhóm bạn xấu. Kết quả, tháng 12-2006, L. lại vướng vào lao lý với 18 tháng tù cũng với tội danh cũ. Lần này, quyết tâm làm lại cuộc đời, L. cố gắng lao động, cải tạo và được đặc xá trước thời hạn. Trở về địa phương, L. được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Khuê Mỹ đưa vào diện vay ưu đãi lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Từ khi vay vốn trồng nấm, kinh tế gia đình L. dần đi vào ổn định.
Anh M.T.T (1977, trú phường Mỹ An) cũng có quá khứ lạc bước nhưng biết vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Năm 2009, M.T.T phạm tội tổ chức cá độ bóng đá và bị tuyên phạt 12 tháng tù giam. Năm 2010, trở về địa phương, nhận được sự động viên của lực lượng Công an phường và các ban ngành, đoàn thể, T. vươn lên làm ăn và tự nguyện tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Chỉ một thời gian ngắn “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, T. cùng cán bộ, chiến sĩ Công an phường Mỹ An giải tán hàng trăm đám đông tụ tập ăn nhậu, gây rối trật tự công cộng và bắt giữ nhiều vụ đánh bạc. Bên cạnh đó, anh còn tham gia công tác cảm hóa, quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù.
Không chỉ N.V.L, M.T.T mà hiện trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố nói chung còn nhiều trường hợp điển hình về tái hòa nhập cộng đồng sau khi được đặc xá. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có khát vọng cháy bỏng làm lại cuộc đời. Và tất nhiên, họ không bơ vơ, lạc lõng trên con đường tìm lại chính mình.
Góp phần đẩy lùi tiêu cực
Theo Công an quận Ngũ Hành Sơn, từ năm 2011 đến đầu tháng 12-2020, quận tiếp nhận 331 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú và hiện còn đang quản lý 54 người trong diện tái hòa nhập cộng đồng. Tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái phạm hằng năm giảm rõ rệt: Năm 2015 là 5,56%, đến năm 2020 chỉ còn 1,33%; góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn quận.
Để đạt kết quả trên, quận Ngũ Hành Sơn đã triển khai hiệu quả 3 mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù sớm tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” của UBND phường Hòa Hải đã giới thiệu việc làm cho 45 người. Mô hình “4 kèm cặp, 2 hỗ trợ” của UBND phường Mỹ An giúp 46 người tiến bộ. Còn mô hình “Hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Khuê Mỹ tạo điều kiện cho 15 người vay với tổng số tiền 127 triệu đồng. Mô hình này được Bộ Công an và UBND thành phố tặng bằng khen và biểu dương toàn quốc. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội quận phối hợp với UBND 4 phường cũng giúp đỡ 17 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương vay tổng số vốn 445 triệu đồng để làm ăn...
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quận phấn đấu cuối năm 2025 có hơn 75% người chấp hành án phạt tù về địa phương có việc làm ổn định. “Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận sẽ phối hợp các cơ quan, ban ngành nghiên cứu, đề xuất mở các lớp dạy nghề cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường; liên hệ các cơ quan, doanh nghiệp giới thiệu việc làm, cho vay tín dụng, hỗ trợ điều kiện vật chất, nhà ở cho các trường hợp đặc biệt khó khăn và thủ tục pháp lý liên quan giúp họ ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Hòa cho biết thêm.
LÊ HÙNG