Lựa chọn vì "Thành phố môi trường"

.

Ngày 2-3, UBND thành phố Đà Nẵng công bố chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố về việc không để hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), đồng thời thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận hai nhà máy. Đây là chủ trương phù hợp với định hướng phát triển chiến lược mà thành phố dày công thực hiện trong nhiều năm qua; nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; trong đó trực tiếp là người dân sống gần hai nhà máy thép sẽ thoát khỏi tình trạng ô nhiễm, bức xúc kéo dài. Việc làm này hướng đến mục tiêu tập trung phát triển Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại; xây dựng một thành phố có môi trường sống tốt và đáng sống.

Mục tiêu đó được khẳng định rất rõ ràng từ nhiều năm trước. Còn nhớ thời điểm cuối năm 2007, lãnh đạo thành phố từng từ chối hai dự án đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất thép và bột giấy khi nhà đầu tư rất muốn đầu tư vào Đà Nẵng. Dù các dự án này có mức vốn đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Năm 2015, lãnh đạo thành phố từ chối dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm và may mặc có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 200 triệu USD của hai tập đoàn dệt-may
nước ngoài. Trong dự án này, nhà đầu tư cần trên 30ha để làm khu liên hợp dệt nhuộm lớn tại Đà Nẵng. 

Mặt trái của phát triển kinh tế là nguy cơ ô nhiễm, nhất là ô nhiễm trong ngành công nghiệp nặng đang là thách thức, bài toán nan giải của các đô thị lớn. Đà Nẵng cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Vì vậy, thành phố đã từng bước nỗ lực khắc phục và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, với việc xây dựng đề án “Thành phố môi trường” và tổ chức thực hiện quyết liệt thời gian qua. Trước hết, trong lựa chọn nhà đầu tư, thành phố kiên quyết nói không với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm. Trong việc thẩm định các dự án, yêu cầu về đánh giá tác động môi trường được kiểm soát chặt chẽ trước khi triển khai dự án. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, yêu cầu về bảo vệ môi trường, xả thải được thành phố chỉ đạo chặt chẽ theo đúng quy định. Từ chỗ chỉ có 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Đà Nẵng và Khu công nghiệp Hòa Khánh, đến nay 6 khu công nghiệp trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 100% lượng rác thải y tế được xử lý triệt để. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.

Để bảo vệ môi trường, thành phố kêu gọi nhiều nguồn lực để đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm như kênh Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang, thu gom và xử lý nước thải ven biển…Đồng thời, thực hiện nghiêm việc xử phạt doanh nghiệp xả thải trái phép, không đạt tiêu chuẩn ra môi trường. UBND thành phố chỉ đạo đình chỉ hoạt động sản xuất đồng thời yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do một số công ty xả thải gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Muốn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu, là điều kiện bắt buộc trong chiến lược quy hoạch đô thị. Do vậy, thành phố đang tập trung khắc phục ô nhiễm, trong đó không để hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên trong thời gian qua thể hiện rõ sự quyết liệt trong xử lý những tồn tại trong thu hút đầu tư nhiều năm trước đây. Dù tình trạng ô nhiễm không nghiêm trọng nhưng đây sẽ là bài học quý giá trong quy hoạch để hạn chế tình trạng ô nhiễm do sản xuất gây ra trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.

Sau thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhưng tiếp tục ưu tiên thu hút một cách có chọn lọc các dự án thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghệ cao, công nghệ thông tin... có hàm lượng công nghệ cao, giàu chất xám, tạo ra giá trị gia tăng cao, mang lại môi trường sạch đẹp. Vì thế, thành phố nói “không” với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các dự án sản xuất công nghiệp phải bảo đảm chặt chẽ tiêu chí công nghiệp “sạch”, không gây ô nhiễm.

Để hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách đồng thời là nơi người dân sống tốt, Đà Nẵng phải là nơi hội tụ của những yếu tố về một “Thành phố đáng sống”; trong đó có việc thực hiện hiệu quả đề án “Thành phố môi trường”. Bởi, nếu môi trường bị ô nhiễm thì chất lượng sống của người dân không thể cao; du khách không lựa chọn để nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá ẩm thực và thưởng thức văn hóa bản địa; nhà đầu tư cũng sẽ cân nhắc để lựa chọn đầu tư ở một thành phố môi trường trong lành, sạch đẹp. Chính vì vậy, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức của tất cả mọi người và cả hệ thống chính trị. Mục tiêu hướng tới là tạo sự an toàn về sức khỏe và văn minh, một môi trường sống tốt cho người dân, nhà đầu tư và du khách. Chính điều đó sẽ góp phần quan trọng để xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống”.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.
.
.