Phục hồi du lịch, nhiệm vụ cấp bách để khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế

.

Kết quả khảo sát do Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch phối hợp với Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng tiến hành từ ngày 18-9 đến 5-10-2020 nhằm đánh giá về “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các đơn vị kinh doanh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” bao gồm các nhóm lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng và điểm đến đã chỉ ra rằng: có 40% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 62% doanh nghiệp giảm doanh thu 80-100% trong 3 quý của năm 2020; số lao động, việc làm trong các doanh nghiệp giảm bình quân 45,9% so với năm 2019.

Loại hình doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành phần kinh tế tư nhân và thuộc ngành dịch vụ và du lịch. Dự kiến cả năm 2020, lượng khách du lịch đến thành phố giảm 68,6%, tổng doanh thu du lịch giảm 65,1% so với cùng kỳ 2019, là thiệt hại chưa từng có trong sự phát triển của ngành du lịch thành phố.

Dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng du lịch bị đứt gãy đột ngột, thị trường thu hẹp và dòng tài chính không thể lưu thông là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Hầu như toàn bộ doanh nghiệp đã không lường trước được kịch bản này, nhất là sau kết quả sản xuất, kinh doanh rất ấn tượng của năm 2019. Cho đến thời điểm hiện nay, chuỗi cung ứng này vẫn chưa thể hoạt động bình thường trở lại do lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh. Thị trường ngoài nước đã bị đóng cửa hoàn toàn từ khi dịch bệnh xảy ra, chỉ có thể được mở cửa có chọn lọc (thị trường, du khách) với thủ tục kiểm soát rất nghiêm ngặt, chi phí y tế kèm theo khó hấp dẫn với khách du lịch thông thường.

Thị trường trong nước quá nhỏ bé so với năng lực phục vụ của các cơ sở dịch vụ sẵn có ở thành phố và hiện chúng ta đang ở vào mùa thấp điểm của du lịch do yếu tố thời tiết, không có những ngày nghỉ kéo dài, tâm lý sợ dịch bệnh và thu nhập chung của người dân.

Dòng tài chính không được luân chuyển và không tái sinh khiến doanh nghiệp phải tự bù đắp để chi trả các chi phí duy trì. Việc đóng băng thị trường quá lâu đã làm cho phần lớn doanh nghiệp gặp phải khó khăn về tài chính để duy trì cũng như khôi phục hoạt động. Đã xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng và cần đặc biệt lưu ý đến việc di chuyển của lao động du lịch sang ngành nghề khác. Mặc dù đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành du lịch, nhưng nó có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung dịch vụ khi lượng du khách tăng lên.

Chống đỡ với ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, thành phố và doanh nghiệp đã quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp nhằm vừa làm tốt công tác chống dịch vừa duy trì được hoạt động tối thiểu như kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, bao gồm giảm hoặc miễn chi phí dịch vụ, chi phí điện nước, hỗ trợ người lao động, giảm tiền thuê đất trong giai đoạn dịch bệnh....; tập trung phát triển thị trường trong nước thông qua các chiến dịch truyền thông, giảm giá sản phẩm để kích cầu. Các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí bao gồm cắt giảm nhân lực, làm việc luân phiên, thay đổi hình thức kinh doanh qua trực tuyến, không thực hiện các hoạt động chưa cần thiết, giãn tiến độ đầu tư.

Trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến hoạt động của ngành du lịch cho đến khi có vaccine phòng ngừa, tạo ra tâm lý e ngại cho cả du khách lẫn doanh nghiệp làm du lịch, cũng như các cấp chính quyền. Vì vậy, thành phố cần duy trì một chiến dịch truyền thông đủ lớn để du khách yên tâm về điểm đến, doanh nghiệp du lịch tự tin khôi phục hoạt động du lịch, cơ quan Nhà nước chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Đồng thời từng bước khôi phục thị trường, trước hết tập trung vào thị trường nội địa thông qua các gói kích cầu hấp dẫn vào đúng thời điểm, tạo thêm các sản phẩm mới phù hợp với tâm lý khách hàng trong điều kiện mới, xây dựng kế hoạch charter thí điểm cho các thị trường quốc tế.

Thành phố cần tổ chức khảo sát đánh giá lại toàn diện thị trường, sản phẩm du lịch, tỷ lệ phân khúc lưu trú liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch, năng lực đáp ứng của doanh nghiệp du lịch để tiến hành điều chỉnh, lựa chọn cơ cấu thị trường, sản phẩm, hạ tầng, lực lượng lao động hợp lý bảo đảm việc khai thác hiệu quả năng lực hoạt động của doanh nghiệp, giảm tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai cũng như các biến động khác.

Đồng thời, cần có nhiều hơn nữa các biện pháp hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp du lịch có thể vượt qua khó khăn trước mắt như tập trung tháo gỡ các thủ tục giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện các gói kích cầu tiêu dùng nhằm khởi động thị trường, miễn hoặc giảm phí tham quan...  

Về lâu dài, Đà Nẵng cần xây dựng kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động du lịch nhằm từng bước thay đổi tư duy quản lý, phương thức tiếp cận khách hàng, cung cấp sản phẩm dịch vụ phù hợp với tình hình mới và định hướng xây dựng du lịch thông minh.

ĐẶNG VIỆT DŨNG

;
;
.
.
.
.
.