Với Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đứng trước cơ hội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của quốc gia và khu vực châu Á.
Đà Nẵng sẽ đề xuất khung cơ chế hỗ trợ từng đối tượng cụ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong ảnh: Doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Ảnh: KHANG NINH |
Tháng 1 vừa qua, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình số 36/CTr-TU triển khai thực hiện chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST tầm quốc gia, là đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có tính cạnh tranh cao”.
Chương trình nêu rõ, mục tiêu của khởi nghiệp Đà Nẵng trong giai đoạn 2020-2030 gồm: xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể của thành phố để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp ĐMST; xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng để cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, chính sách, pháp luật, nguồn nhân lực, nguồn đầu tư, đối tác, khách hàng, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tin tức, sự kiện trong nước và quốc tế và các hoạt động khác hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mạnh trên địa bàn, gồm: hệ thống các vườn ươm doanh nghiệp, các không gian làm việc chung, các trường đại học, viện nghiên cứu, câu lạc bộ khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư, nhất là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Đà Nẵng cũng xây dựng mạng lưới nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp ĐMST; xây dựng khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp của thành phố; hỗ trợ phát triển ít nhất 100 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn thành phố. Tầm nhìn về phát triển khởi nghiệp ĐMST đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, ĐMST tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.
Theo số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến nay, tại Đà Nẵng có 6 vườn ươm, 2 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng và 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố đã phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch xây dựng chi tiết đối với dự án Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp với diện tích hơn 1.800m2 ở đường Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.
Đây là cơ sở để xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng; đồng thời lồng ghép, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thiết kế phương án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia tại Đà Nẵng theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ.
Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn nhìn nhận, Đà Nẵng hiện đã có một số dự án khởi nghiệp tương đối trưởng thành, kêu gọi được các nguồn vốn trong nước và quốc tế, trở thành đối tác của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Trong số đó, có những cái tên như MultiGlass - kính thông minh, Hekate - nền tảng tạo phần mềm trò chuyện tự động cho doanh nghiệp... Điều này chứng tỏ những bước đi của Đà Nẵng trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST những năm qua là đúng đắn.
Tuy vậy, để thực hiện khát vọng đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thì cần những bước đi đột phá, một hành lang pháp lý phù hợp và chính sách hỗ trợ khởi đầu, tạo bệ phóng cho các dự án khởi nghiệp.
Tại hội nghị và triển lãm Khởi nghiệp quốc tế tại Đà Nẵng năm 2019, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech nhìn nhận, không thể có khởi nghiệp ĐMST đột phá nếu chỉ có các hành lang pháp lý truyền thống. Trên thực tế, nhiều khía cạnh của khởi nghiệp vẫn chưa được đề cập trong luật pháp hiện hành của Việt Nam, điển hình như quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế thu hút nhân lực khởi nghiệp. Đồng quan điểm này, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất, để đạt được những kỳ vọng như mong muốn, Đà Nẵng nên xây dựng thành vùng thí điểm để áp dụng các chính sách mới phù hợp nhất.
Đầu tháng 3, UBND thành phố đã có tờ trình gửi HĐND thành phố đề nghị xây dựng nghị quyết quy định về tài chính thực hiện hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Đà Nẵng. Theo đó, sẽ sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ Đà Nẵng, kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ Đà Nẵng cùng các nguồn khác để hỗ trợ cho việc tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp ĐMST, các cuộc thi khởi nghiệp ĐMST và cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học; chi hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tham dự các cuộc thi và tham gia gian hàng về khởi nghiệp cấp thành phố, cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế; phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp ĐMST; phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST; truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối mạng lưới khởi nghiệp...
Hiện tại, các sở, ngành đang xây dựng các đề án có liên quan như đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, ĐMST quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, đề án “Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thành phố Đà Nẵng”; đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; đề án “Thanh niên khởi nghiệp”...
Trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ đề xuất thí điểm một số cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST, trong đó chú trọng xây dựng khung cơ chế hỗ trợ từng đối tượng cụ thể (đơn vị quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia…).
KHANG NINH