Vướng mắc về giải phóng mặt bằng: 'Điểm nghẽn' giải ngân vốn đầu tư công

.

Mặc dù trong thời gian qua, các cấp, các ngành của thành phố đã có nhiều cố gắng trong công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để phát triển kinh tế nhưng “điểm nghẽn” chính lại nằm ở khâu giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến nhiều dự án trên địa bàn thành phố chậm tiến độ.    

Vướng mắc mặt bằng khiến công tác giải ngân vốn đầu tư gặp khó khăn. Trong ảnh: Thi công công trình dự án đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: THÀNH LÂN
Vướng mắc mặt bằng khiến công tác giải ngân vốn đầu tư gặp khó khăn. Trong ảnh: Thi công công trình dự án đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: THÀNH LÂN

Năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố là 12.373 tỷ đồng (chưa kể dự nguồn 1.966 tỷ đồng) để đầu tư cho 536 dự án, trong đó có 43/50 dự án động lực, trọng điểm được bố trí 5.253 tỷ đồng, chiếm 42% tổng kế hoạch vốn.

Đến ngày 15-4, thành phố đã giải ngân gần 1.600 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch (các công trình trọng điểm giải ngân 1.015 tỷ đồng, đạt 19,3% kế hoạch và chiếm 63,3% tổng giá trị giải ngân), trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt cao, đạt 75% kế hoạch (243 tỷ đồng/323 tỷ đồng).

Tuy nhiên, hiện nay, việc chưa bố trí được đất tái định cư, vướng mắc thực hiện GPMB, một số hộ dân không đồng ý với đơn giá bồi thường của Nhà nước… là những lý do khiến nhiều dự án trên địa bàn thành phố chậm tiến độ.

Không có mặt bằng thì không thể triển khai thi công nên việc tập trung đẩy mạnh công tác giải tỏa, đền bù, xử lý “điểm nghẽn chính” này để quyết liệt thực hiện việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đạt kết quả cao nhất đang được thành phố triển khai thực hiện.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, tại thời điểm này một dự án trọng điểm, động lực của thành phố như tuyến đường vành đai phía tây, đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) sau nhiều năm chậm trễ, hiện vẫn còn vướng mặt bằng, không thể thi công được.

Về bàn giao mặt bằng, hiện nay có hơn 800/1.561 hồ sơ được giải quyết, chiếm hơn 50% tổng số hồ sơ bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, dự án tuyến đường ĐH2 thuộc dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng cũng không khá hơn, khi chỉ mới đạt 13,1% khối lượng hoàn thành và giải phóng mặt bằng cũng chỉ đạt hơn 50% hồ sơ khi triển khai được 630 hồ sơ/1.137 tổng số hồ sơ; trong đó, xã Hòa Nhơn 270 hồ sơ và Hòa Sơn 237 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng.

Một số dự án đã lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thi công được do chưa có mặt bằng như dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; tuyến đường Trục I tây bắc (đoạn từ đường sắt đến quốc lộ 1A), hay các dự án đã triển khai từ các năm trước đến nay vẫn còn vướng mặt bằng như dự án đường vành đai phía tây; đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan.

Dự án tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan có chiều dài 10,51km, được khởi công vào 7-2017 dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2018. Thực tế, do gặp nhiều khó khăn về mặt bằng và được gia hạn đến tháng 12-2020 nên đến nay, công trình mới đạt 45% khối lượng và hiện cũng chỉ có được 282/409 hồ sơ bàn giao mặt bằng.

Đối với dự án đường vành đai phía tây 2 thuộc dự án cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng, có tổng số 1.821 hồ sơ bàn giao mặt bằng (trong đó có 867 hồ sơ trùng lắp với các dự án khác); hiện cũng chỉ mới có 182 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng.

Một dự án quan trọng của thành phố được triển khai thi công nhiều năm qua là dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng. Song đến thời điểm này vẫn còn nhiều vướng mắc trong khâu giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng. Nhiều địa phương như Cẩm Lệ, Hòa Vang, Liên Chiểu… cũng đang gặp vướng mắc trong công tác này.  

Chính vì vậy, các Ban Quản lý dự án (QLDA) của thành phố đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy nhanh bồi thường GPMB phần diện tích còn vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư tổ chức thi công công trình, bảo đảm tiến độ.

Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án và giải ngân nguồn vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, Sở tham mưu UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thực hiện GPMB phối hợp với các địa phương sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB… Khi có mặt bằng, nhà thầu phải tập trung cao độ nhân lực, vật lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công, kể cả thi công vào ban đêm để bảo đảm triển khai các dự án, công trình đúng tiến độ đề ra.

Những vướng mắc trong công tác giải tỏa, đền bù GPMB nêu trên là thực tế đang xảy ra tại nhiều địa phương. Trong đó phổ biến là tình trạng người dân được bồi thường đất thuộc diện quy hoạch với giá thấp và những người này lại phải mua đất tái định cư với giá cao.

Trong khi đó, đất của người dân khi bị thu hồi thì lại được doanh nghiệp chia lô để bán thành khu tái định cư mới cho những người có nhu cầu, gây ra bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Một số dự án chưa có khu tái định cư hoặc chưa giải quyết tái định cư đã quyết định thu hồi đất ở.

Những trường hợp bị thu hồi đất ở thì tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư. Giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, nhất là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn.

Tiền bồi thường đất nông nghiệp thường không đủ để nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để nhận chuyển nhượng đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác.

Nhìn chung, các địa phương chưa coi trọng việc lập khu tái định cư chung cho các dự án trên cùng địa bàn, một số khu tái định cư đã được lập, nhưng không bảo đảm điều kiện sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, giá nhà ở tại khu tái định cư còn tính quá cao nên tiền nhận bồi thường không đủ trả cho nhà ở tại khu tái định cư.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện hàng trăm dự án, do vậy nhu cầu về thu hồi đất càng cao và trở thành thách thức lớn đối với phát triển kinh tế cũng như các vấn đề chính trị, xã hội của thành phố. Để tháo gỡ vướng mắc, hạn chế những khiếu nại, kiện về đất đai, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, tại các buổi đi kiểm tra tình hình thực tế những khó khăn, vương mắc các dự án trên địa bàn đã yêu cầu các địa phương có dự án đi qua, Ban quản lý các dự án, nhà thầu, đơn vị thi công phải có kế hoạch cụ thể, phương án tái định cư trước khi triển khai thi công công trình.   

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.