Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam: Liên kết phục hồi, kích cầu du lịch

.

Trong 2 ngày 30 và 31-5, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), lãnh đạo 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam triển khai chương trình hành động liên kết phục hồi và phát triển du lịch hậu Covid-19; đồng thời phát động chương trình kích cầu du lịch 3 địa phương với chủ đề “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng- Quảng Nam an toàn và mến khách” với mong muốn liên kết phát triển du lịch hiệu quả hơn trong thời gian đến.

Lễ ký kết hợp tác du lịch liên kết 3 địa phương với chủ đề: “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng -  Quảng Nam an toàn và mến khách”.  Trong ảnh: Lãnh đạo 3 địa phương tại lễ ký kết. Ảnh: THU HÀ
Lễ ký kết hợp tác du lịch liên kết 3 địa phương với chủ đề: “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam an toàn và mến khách”. Trong ảnh: Lãnh đạo 3 địa phương tại lễ ký kết. Ảnh: THU HÀ

Liên kết phải đi vào thực chất

 Phát biểu tại lễ ký kết hợp tác, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh kỳ vọng chương trình liên kết hành động phát triển du lịch “Ba địa phương - Một điểm đến” sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ, cung cấp cho du khách nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, chất lượng cao với giá ưu đãi và nhanh chóng giúp khôi phục thị trường khách nội địa và chuẩn bị cho công tác xúc tiến các thị trường khách quốc tế trong thời gian đến.

Để chương trình đi vào thực chất, thành phố Đà Nẵng đề nghị giao cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các địa phương làm đơn vị đầu mối chủ trì triển khai chương trình hành động này. Đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra chất lượng dịch vụ theo cam kết của các doanh nghiệp du lịch, giảm giá nhưng không giảm chất lượng, tăng giá trị cho du khách khi sử dụng dịch vụ.

Thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị hiệp hội du lịch 3 địa phương phối hợp, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đồng hành chú ý đến chất lượng dịch vụ, nâng cấp sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách; tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch; đặc biệt cần chú ý công tác phòng chống dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, vận chuyển du lịch bảo đảm an toàn cho khách du lịch…

Ðến nay, Thừa Thiên Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam đã có hơn 10 năm hợp tác trong lĩnh vực du lịch theo biên bản ký kết. Việc liên kết này đã giúp các địa phương có sự liên thông trong công tác quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, bảo đảm an toàn cho du khách cũng như chia sẻ nguồn nhân lực, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Với vai trò là điểm kết nối du lịch quan trọng giữa các vùng, trong nhiều năm qua, ngành du lịch của khu vực miền Trung ước tính đóng góp gần 20% vào doanh thu du lịch của cả nước. Để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao sự tích cực của lãnh đạo 3 địa phương trong việc tổ chức việc ký kết chương trình hành động phục hồi và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi xướng.

Tổng cục Du lịch cam kết đồng hành với các địa phương và ủng hộ việc tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội gắn liền với du lịch, triển khai liên kết hợp tác giữa các địa phương, các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch… nhằm thu hút sự tham gia của người dân, khôi phục thị trường du lịch nội địa và chuẩn bị cho những bước phát triển mới của du lịch Việt Nam.

 Giải pháp để liên kết bền vững

 Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy nhất Đông Dương, việc liên kết hợp tác kích cầu du lịch 3 địa phương phải bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn, chung và riêng. Ngoài việc liên kết hợp tác kích cầu của doanh nghiệp 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, thì các doanh nghiệp cần đưa ra các gói kích cầu đến đúng đối tượng, truyền thông diện rộng với tinh thần giá tốt nhất, nhưng chất lượng bảo đảm phục vụ du khách.

Trong khi đó, ông Huỳnh Việt Hoàng, Giám đốc Công ty Du lịch Cộng đồng (Đà Nẵng) cho rằng, trong thời điểm hiện nay, ngoài nhu cầu “Người Việt đi du lịch Việt Nam”, người miền Trung còn có xu hướng đi du lịch miền Trung, trải nghiệm những dịch vụ, tiện ích cao cấp tại địa phương.

Những khu nghỉ dưỡng có giá kích cầu, ưu đãi vẫn được người dân địa phương và các tỉnh lân cận lựa chọn. Đây chính là nguồn khách giúp gỡ khó cũng như kích cầu cho du lịch địa phương. Động thái này chính là hỗ trợ cho việc khởi động các hoạt động du lịch trở lại nên cần quan tâm hơn đến thị trường khách này.

Còn ông Đoàn Trần Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Vietravel nhìn nhận việc liên kết phát triển là xu thế trong mọi thời đại, làm tốt được công tác này tất yếu sẽ thúc đẩy du lịch phát triển. Các địa phương cần xác định được thế mạnh của chính mình, từ đó xây dựng được những sản phẩm, dịch vụ mang nét riêng, đặc trưng của của từng địa phương cũng như kết nối với các địa phương khác thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ toàn khu vực để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Bên cạnh việc liên kết các sản phẩm trong vùng như Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam để đa dạng hóa tạo thành một chuỗi dịch vụ liên kết mà cụ thể là tạo sự liên kết đồng bộ giữa các đơn vị du lịch ngay tại địa phương cũng như với các địa phương lân cận; giữa vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, tham quan để xây dựng các gói sản phẩm có giá cạnh tranh, chất lượng cao.

Ở thời điểm này khách nội địa sẽ góp phần kích cầu du lịch các địa phương. Trong ảnh: Du khách tham quan Khu du lịch Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ
Ở thời điểm này khách nội địa sẽ góp phần kích cầu du lịch các địa phương. Trong ảnh: Du khách tham quan Khu du lịch Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngay từ khi phối hợp để xây dựng dự thảo chương trình hành động liên kết, kích cầu du lịch, 3 địa phương đã đưa ra và đề xuất các giải pháp rất cụ thể cho việc liên kết phát triển du lịch. Việc lãnh đạo 3 địa phương ký kết chương trình hành động, cho thấy quyết tâm rất lớn của lãnh đạo 3 địa phương trong vấn đề này.

Lãnh đạo các địa phương cũng đã giao cho Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch, Hiệp hội du lịch xây dựng các gói sản phẩm hậu Covid-19, trong đó tập trung khai thác thị trường nội địa, chuẩn bị các gói sản phẩm hấp dẫn mang đặc trưng miền Trung để quảng bá tới khách nước ngoài khi dịch bệnh hoàn toàn được khống chế. Ngành du lịch 3 địa phương cũng tăng cường quảng bá, đặc biệt nhấn mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường công tác quảng bá…

Ông Bình cũng cho rằng, đây là thời điểm rất quan trọng khi cả nước cơ bản khống chế được Covid-19. Việc liên kết này sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp 3 địa phương cho ra đời các gói sản phẩm đa dạng hơn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo sự đa dạng, đặc sắc hơn cho sản phẩm. Qua đó, phát huy được những sản phẩm trước đây đã xây dựng như Hành trình di sản; Con đường di sản miền Trung…

Chiều 30-5, lễ ký kết hợp tác du lịch với thông điệp chung của liên kết 3 địa phương “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng -  Quảng Nam an toàn và mến khách” đã nhấn mạnh nội dung cam kết triển khai gồm: 3 địa phương bảo đảm các điều kiện an toàn cho du khách trong hoạt động du lịch tại điểm đến; thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho cộng đồng du khách và các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch; hỗ trợ xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, các gói dịch vụ liên kết giữa ba địa phương; cùng  triển khai công tác truyền thông quảng bá du lịch điểm đến chung...
Sáng 31-3, tại thành phố Huế đã diễn đàn Du lịch Huế 2020 với chủ đề “Kết nối lữ hành Huế - Điểm đến an toàn thân thiện” nhằm trao đổi, thảo luận, tiếp nhận các đề xuất, hiến kế… góp phần phục hồi và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian ngắn nhất. Diễn đàn cũng công bố các chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội lớn của tỉnh trong năm 2020; cùng với đó, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đưa ra thông điệp chung và triển khai chương trình kích cầu liên kết 3 địa phương, một điểm đến; truyền thông quảng bá rộng rãi về điểm đến địa phương và chương trình kích cầu du lịch trên các kênh truyền thông và các báo chí của Trung ương và địa phương…

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.