Ngày 16-7, tại hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 do Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường tổ chức ở Đà Nẵng, các nhà khoa học, quản lý về tài nguyên và môi trường đề nghị cần huy động các nguồn lực để đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường, nhất là công trình xử lý nước thải, rác sinh hoạt, môi trường không khí và thúc đẩy tái sử dụng, tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Hà, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho biết, Đà Nẵng đã và đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường. Cạnh đó, thực hiện phân vùng môi trường; nâng cao hiệu quả của đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và quản lý dựa trên giấy phép môi trường; phân loại và chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đồng thời duy trì kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các địa phương và đang triển khai dự án đầu tư 2 hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn... TS Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đề xuất, trước hết, phải nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các sở, ngành về tính cấp thiết đầu tư các công trình về bảo vệ môi trường để ưu tiên nguồn lực cho công tác này, chứ không thu xếp đầu tư không ưu tiên bằng các công trình thuộc lĩnh vực khác.
Cạnh đó, ngân sách Nhà nước phải dành tối thiểu 2% tổng chi ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường. Các công trình đầu tư xử lý nước thải, rác sinh hoạt... cần phải đầu tư trước một bước. Đồng thời, phải kêu gọi sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường.
TS Trần Văn Quang, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng, Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường do nguồn kinh phí đầu tư khó khăn và cũng chưa được ưu tiên. Vì thế, cần có những ưu tiên về nguồn kinh phí đầu tư cho các công tác bảo vệ môi trường; cần cho phép tái sử dụng nước thải sau xử lý để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, tưới cây...
HOÀNG HIỆP