Đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ để khôi phục kinh tế

.

Sau khi Covid-19 được kiểm soát, quận Thanh Khê đã chủ động triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tập trung đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.

Người dân đến mua sắm tại chợ Tam Thuận, phường Tam Thuận (Ảnh chụp ngày 21-10). Ảnh: XUÂN DŨNG
Người dân đến mua sắm tại chợ Tam Thuận, phường Tam Thuận (Ảnh chụp ngày 21-10). Ảnh: XUÂN DŨNG

Sau gần 2 tháng Covid-19 được đẩy lùi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận Thanh Khê dần được khôi phục. Nhiều cửa hàng dọc các tuyến phố kinh doanh như Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Linh… đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi với các mức giảm ưu đãi, hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tại chợ Tam Thuận (phường Tam Thuận), tất cả tiểu thương đều đã quay trở lại hoạt động bình thường từ ngày 10-9, lượng người vào chợ cũng tăng lên đáng kể, tuy nhiên sức mua vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn. Tiểu thương Phạm Thị Hà (kinh doanh mặt hàng rau củ) cho biết, trong thời gian Covid-19 bùng phát, lực lượng chức năng thành phố triển khai phát phiếu đi chợ theo ngày, kinh tế người dân eo hẹp nên sức mua giảm mạnh. Hiện chợ đã đông đúc, việc buôn bán tốt hơn, gánh nặng kinh tế gia đình cũng được giảm bớt. Tương tự, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Bảy, Giám đốc Công ty TNHH Ông Bảy cho biết, các ngành nghề hoạt động của công ty gồm giáo dục mầm non tư thục, bất động sản, cho thuê căn hộ. Trong thời gian Covid-19 bùng phát, tất cả hoạt động của công ty đều phải ngừng hoạt động. Dù tình hình tài chính khó khăn, không có nguồn thu, hơn 60 cán bộ, nhân viên phải tạm nghỉ nhưng công ty vẫn hỗ trợ chi trả 50% lương để người lao động yên tâm phòng, chống dịch. Từ 21-9 đến nay, khi quay trở lại hoạt động, việc thu chi của công ty dần ổn định.

Theo ông Lê Xuân Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Thanh Khê, trước sức ép của Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn đều gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên, quận Thanh Khê đã kịp thời quan tâm, đề nghị Cục Thuế thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế. Mặc dù kinh tế bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp vẫn tích cực tham gia cùng quận hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. “Thời gian đến, Hội Doanh nghiệp quận sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa tăng gia sản xuất, tìm kiếm khách hàng, kết nối hội viên để góp phần phát triển kinh tế, đóng góp cho công tác an sinh xã hội quận nhà”, ông Lê Xuân Phúc thông tin.

Trước những tác động nặng nề của Covid-19, Thường trực Quận ủy đã kịp thời chỉ đạo UBND quận tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, báo cáo tình hình và có giải pháp phù hợp điều hành, phát triển kinh tế - xã hội quận, nhất là trên các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, UBND quận đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển ngành dịch vụ trên địa bàn quận năm 2020, gắn với chủ đề năm của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư; xây dựng phương án khai thác và quản lý hoạt động các chợ trên địa bàn.

Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bán ra trên địa bàn quận ước thực hiện 12.200 tỷ đồng, đạt 64,2% kế hoạch (giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2019). Trong thời gian Covid-19 bùng phát đợt 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm từ 1.700 tỷ đồng (tháng 7) xuống 1.350 tỷ đồng (tháng 8). Mặc dù chưa kết thúc tháng 10, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa đã tăng lên 1.450 tỷ đồng, đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế quận đang trên đà phục hồi. Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, nhằm sớm khôi phục lại kinh tế, quận đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là dự án Tuyến cống thoát nước Khe Cạn; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, UBND quận cũng đã chỉ đạo các phường tăng cường các giải pháp hỗ trợ, nắm bắt nguyện vọng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh để kịp thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chủ động tiếp cận các chính sách về giãn thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động từ Nhà nước và thành phố. “Xác định ngành thương mại, dịch vụ là mũi nhọn phát triển kinh tế, thời gian tới, quận Thanh Khê sẽ tiếp tục phát huy ưu thế về vị trí cũng như sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, tập trung phát triển các ngành dịch vụ sẵn có; đẩy mạnh thương mại điện tử, khuyến khích các hình thức mua sắm hiện đại, trực tuyến phù hợp với nhu cầu của người dân”, ông Võ Kim Tú cho hay.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích