Lực đẩy mới cho khởi nghiệp

.

Sau giai đoạn trầm lắng vì Covid-19, khởi nghiệp Đà Nẵng đang dần “hồi phục” và bước vào giai đoạn tăng tốc. Chính quyền thành phố cũng đang triển khai những chính sách, mô hình sáng tạo để tạo lực đẩy mới cho khởi nghiệp.

Hội nghị và triển lãm Khởi nghiệp quốc tế tại Đà Nẵng SURF 2020 được tổ chức trực tuyến trên nền tảng vrFairs - sản phẩm của startup Đà Nẵng. 				        Ảnh: KHANG NINH
Hội nghị và triển lãm Khởi nghiệp quốc tế tại Đà Nẵng SURF 2020 được tổ chức trực tuyến trên nền tảng vrFairs - sản phẩm của startup Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Từ năm 2016, sự kiện thường niên Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp quốc tế tại Đà Nẵng (SURF) đã trở thành dấu mốc quan trọng trong hoạt động khởi nghiệp hằng năm tại thành phố. Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, SURF 2020 sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trên nền tảng thực tế ảo vrFairs - sản phẩm của một doanh nghiệp khởi nghiệp Đà Nẵng. Khác với SURF của các năm trước chỉ kéo dài trong 1-2 ngày, SURF 2020 tận dụng lợi thế từ nền tảng trực tuyến dự kiến kéo dài 1 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 11.

Các dự án, doanh nghiệp tham gia triển lãm sẽ được bố trí gian hàng ảo dưới dạng mô hình 3D, ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360. Mỗi gian hàng có gắn kèm tên, logo, hình ảnh, video, tài liệu... của dự án để các nhà đầu tư, khách hàng tham quan, tìm hiểu, tương tác trực tiếp với đại diện của dự án, doanh nghiệp qua các công cụ trực tuyến. Ông Võ Đức Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là bước đầu cho việc tiến đến tổ chức triển lãm khởi nghiệp trực tuyến thường xuyên và theo chuyên đề. vrFairs được lựa chọn làm nền tảng tổ chức sự kiện bởi sản phẩm này đã chứng minh được chất lượng và độ tin cậy. Đồng thời, đây cũng là một cơ hội để quảng bá sản phẩm startup “made in Đà Nẵng” đến với cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Anh Trịnh Công Quang, người sáng lập dự án vrFairs cho biết, sự kiện ảo là một trang web trực tuyến cho phép kết nối giữa những người tham dự, nhà tổ chức, nhà triển lãm và diễn giả theo thời gian thực. Bộ tính năng có sẵn cho phép một sự kiện ảo hoạt động như một sự kiện thực tế. Trong trường hợp của vrFairs, khán giả được kết nối thông qua các công cụ trò chuyện, hội thảo trên web và nội dung kỹ thuật số được cung cấp qua giao diện trực quan phong phú. Triển lãm ảo có thể tạo phạm vi tiếp cận lớn nhờ loại bỏ khoảng cách địa lý; rút ngắn chu kỳ bán hàng; giúp các doanh nghiệp tiếp thị và định vị sản phẩm liền mạch cho các đối tượng phù hợp; tích hợp công cụ thương mại điện tử; theo dõi và giám sát hiệu suất của triển lãm...

Bên cạnh cách làm sáng tạo tổ chức triển lãm ảo trên nền tảng công cụ của startup địa phương, Đà Nẵng cũng đang tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp mới, dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021. Theo ông Võ Đức Anh, các chính sách tập trung vào 5 yếu tố cốt lõi gồm: tài năng, mạng lưới, văn hóa, vốn và thể chế. Đặc biệt, đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại miền Trung - Tây Nguyên đặt mục tiêu lấy startup làm trung tâm của các hoạt động hỗ trợ; liên kết với hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực, trong nước và quốc tế; hình thành mạng lưới nhà đầu tư thiên thần; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho startup; phát hiện, bồi dưỡng và thu hút các tài năng startup.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bá Cảnh cho biết, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chỉ đạo thông suốt, là tư tưởng được Đà Nẵng xác nhận và là trụ cột trong sự phát triển. Hiện Đà Nẵng có nền kinh tế năng động và môi trường sống tốt, là điều kiện để có thể thu hút được sáng tạo khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, với các cơ chế, chính sách để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, thời gian qua trên địa bàn thành phố đã hình thành được hệ thống các vườn ươm, trung tâm sáng tạo, không gian làm việc chung... Trong đó, có sự tham gia tích cực của một số tổ chức tư nhân, các tổ chức quốc tế, các trường đại học... Đầu tháng 10-2020, Khu Công viên phần mềm số 2 chính thức được khởi công trên địa bàn phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Công trình này có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đồng thời, tạo động lực mới cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng Phạm Kim Sơn nhìn nhận, Công viên phần mềm số 2 có tiềm năng là nơi đào tạo nguồn nhân lực; ươm tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển bằng cách hỗ trợ các startup công nghệ, thu hút những người trẻ tài năng, những ý tưởng khả thi để giúp nền kinh tế thành phố phát triển đột phá.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.