Làm gì để bảo đảm an ninh nguồn nước cho Đà Nẵng?

.

Trong 10 năm qua, tại thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ và trên diện rộng. Đặc biệt, ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, thành phố Đà Nẵng trải qua nhiều đợt thiếu nước kéo dài. Liệu có còn xảy ra thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng năm nay cũng như những năm đến và làm thế nào để bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố?

Bài 1: Thực trạng thiếu nước, nước nhiễm mặn

Hiện nay, có đến 92% nguồn nước phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng được khai thác tại sông Yên và sông Cẩm Lệ, thuộc hạ du sông Vu Gia. Nguồn nước ở hạ du sông Vu Gia thiếu hụt do thủy điện trên đầu nguồn, quá trình xâm nhập mặn diễn biến khá phức tạp dẫn đến thiếu nguồn nước thô, chậm xây dựng tuyến ống cấp nước ngọt... là những nguyên nhân gây thiếu nước sinh hoạt.

Đập tạm chặn cửa sông Quảng Huế đang có nguy cơ mất an toàn cao do nhiều nước thấm qua thân đập, gây nhiều lo ngại bảo đảm cấp nước  sinh hoạt cho thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đập tạm chặn cửa sông Quảng Huế đang có nguy cơ mất an toàn cao do nhiều nước thấm qua thân đập, gây nhiều lo ngại bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thường xuyên thiếu nước

Từ năm 2010, sau khi các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 ở thượng nguồn sông Vu Gia tích nước và đi vào vận hành, đặc biệt là Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã chuyển nước của sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện, nước sông Cẩm Lệ tại khu vực cửa thu nước vào Nhà máy nước Cầu Đỏ bắt đầu xuất hiện tình trạng nhiễm mặn một cách thường xuyên.

Năm 2011 đánh dấu lần đầu tiên, độ mặn nước sông tại khu vực cửa thu nước vào Nhà máy nước Cầu Đỏ vượt mốc 1.000mg/l nhưng chỉ cao nhất là 1.080mg/l. Đến năm 2012, độ mặn cao nhất đã tăng lên 6.084mg/l (cao gấp 6 lần năm 2011). Những năm sau đó, độ mặn tại đây liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, cao nhất là 13.568mg/l vào ngày 28-7-2015.

Tình trạng thiếu nước cục bộ tại các khu vực cuối nguồn nước của thành phố Đà Nẵng cũng đã xuất hiện thường xuyên hơn do nhiễm mặn. Đặc biệt, tình trạng thiếu nước trên diện rộng trên địa bàn thành phố sau khi xuất hiện lần đầu vào tháng 8-2014 (do đóng cống dẫn dòng để tích nước vào hồ thủy điện Sông Bung 4), đã xuất hiện thường xuyên vào các năm 2018 và 2019.

Đến đầu năm 2021, độ mặn tại khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ cũng cao đến 10.569mg/l (ngày 12-4-2021), cao nhất trong 6 năm qua và gây thiếu nước sinh hoạt tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố kéo dài từ cuối tháng 3 đến ngày 12-4-2021.

Theo Sở Xây dựng, qua ghi nhận của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nước vào giờ cao điểm như các tuyến đường K20, Nguyễn Đình Chiểu, Lưu Quang Vũ và các khu dân cư Mân Quang, Khái Tây, khu phố chợ Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn); kiệt 73 và kiệt 159 tuyến đường Phó Đức Chính, kiệt 73 tuyến đường Trương Định (quận Sơn Trà); khu F1 (giai đoạn 1, phân kỳ 20 thuộc khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ, Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đoạn cuối tuyến đường Võ An Ninh (quận Cẩm Lệ); khu tái định cư Thanh Vinh, trường bắn gần tuyến đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu); khu vực cuối tuyến đường ĐH2, tuyến đường Vũ Miên, khu vực xã Hòa Phước và thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang)...

Bà Nguyễn Thị Phương (người dân ở trên tuyến đường Phan Văn Đạt, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho rằng: “Nước sinh hoạt bị yếu nhiều ngày, thậm chí vào chiều tối chỉ chảy nhỏ giọt. Khi nước mạnh như bình thường thì có màu vàng, đục. Người dân rất khổ sở vì nước chảy nhỏ giọt, nước đục”.

Còn ông Từ Văn Đới (người dân ở trên tuyến đường Lê Hữu Kiều, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) kiến nghị: “Thời gian qua, nguồn nước sinh hoạt của người dân ở tuyến đường Lê Hữu Kiều rất yếu và có vị mặn. Mới đầu năm, nước từ các sông, suối còn dồi dào và vừa trải qua một mùa mưa lũ kéo dài mà đã xảy ra thiếu nước, nhiễm mặn như vậy thì không biết mùa hè này có xảy ra thiếu nước, nhiễm mặn nghiêm trọng hơn không? Đề nghị các đơn vị chức năng sớm có giải pháp để giải quyết căn cơ tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước, nhất là vào mùa nắng nóng năm nay và những năm đến để người dân bớt khổ”.

Tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp ở sông Cẩm Lệ, nhiều lần gây thiếu nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp ở sông Cẩm Lệ, nhiều lần gây thiếu nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nguyên nhân do đâu?

Trong 10 năm qua, việc nhiễm mặn ở khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ kéo dài gây thiếu nước sinh hoạt do nguyên nhân khách quan là nguồn nước từ thượng lưu bị suy giảm, không đủ sức đẩy mặn xâm nhập hạ du như trước đây (có thể do chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, diện tích rừng bị thu hẹp…) và tình trạng xói lở ở khu vực sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) làm gia tăng tỷ lệ phân lưu nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn lên đến 43% vào đầu năm 2021 (tự nhiên trước đây là 20%).

Bên cạnh đó, còn nguyên nhân chủ quan là chậm xây dựng thêm một tuyến ống cấp nước ngọt từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ và nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch lên 420.000m3/s để đáp ứng với nhu cầu sử dụng nước hiện nay và tương lai.

Đặc biệt, việc Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 chuyển nước sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện là một trong những nguyên nhân chính làm thiếu hụt nguồn nước ở hạ du sông Vu Gia. Th.S Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Từ khi có thủy điện Đăk Mi 4, việc nhiễm mặn xảy ra nghiêm trọng bởi hằng năm, trong mùa khô, thủy điện Đăk Mi 4 đã lấy đi của sông Vu Gia từ 1,2-1,4 tỷ m3 nước. Hai hồ thủy điện lo bù lại cho trữ lượng nước đã mất đi là A Vương và Sông Bung 4 (kể cả thủy điện Sông Bung 2) cũng chỉ có 600 triệu m3 nước nên không thể làm tăng trữ lượng nước lên được so với tự nhiên như trước đây”.

Mặt khác, quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã được Chính phủ ban hành nhưng không được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các chủ hồ thủy điện thực hiện nghiêm túc trong những năm qua là một trong những nguyên nhân chính gây tình trạng biến động mực nước sông Vu Gia và khó khăn trong việc khống chế tình trạng xâm nhập mặn sâu ở sông Cẩm Lệ.

Theo Báo cáo số 297/BC-STNMT ngày 19-4-2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc vận hành các hồ thủy điện hiện nay đang gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho hạ du do thừa điện mặt trời và ảnh hưởng của Covid-19 làm cho nhu cầu tiêu thụ điện giảm.

Cụ thể, một số ngày, các nhà máy thủy điện vận hành (xả nước) không đúng lưu lượng vận hành trung bình ngày, có những ngày lưu lượng nước xả về thấp hơn quy định do phụ tải điện giảm thấp (thường rơi vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, Tết...). Bên cạnh đó, điện mặt trời phát cao nhất trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều nên các nhà máy thủy điện phải dời thời gian phát điện lệch khỏi khung giờ trên, không bảo đảm vận hành theo khung giờ quy định của quy trình...

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà, những năm gần đây, nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chủ yếu là thiếu hụt về nguồn nước thô, quá trình xâm nhập mặn diễn biến khá phức tạp. Có nhiều thời điểm, nguồn nước sông Cẩm Lệ tại khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay (2 nhà máy nước chính, chiếm 92% tổng trữ lượng nước cấp trên toàn thành phố) không thể sử dụng để xử lý nước, dẫn đến việc cấp nước hoàn toàn phụ thuộc vào Trạm bơm dự phòng An Trạch với công suất thiết kế 210.000m3/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch hiện nay trên toàn thành phố trung bình khoảng 300.000m3/ngày.

Qua kết quả rà soát, từ giữa tháng 2-2021 đến nay, cửa thu nước vào Nhà máy nước Cầu Đỏ thường xuyên bị nhiễm mặn, độ mặn vượt ngưỡng cho phép nên bắt buộc phải vận hành Trạm bơm dự phòng An Trạch để bơm nước thô về các nhà máy nước.

Thời gian qua, Dawaco cũng đã vận hành vượt công suất thiết kế của Trạm bơm dự phòng An Trạch để hạn chế tối đa tác động của nhiễm mặn, nhiều thời điểm công suất lên đến 250.000m3/ngày nếu mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch bảo đảm cao hơn 2m (cao trình để Trạm bơm An Trạch có thể vận hành được là từ 1,6m trở lên).

Do lưu lượng nước sinh hoạt cấp vào mạng lưới đường ống có giảm về lưu lượng và áp lực tại một số thời điểm, tùy thuộc vào mức độ nhiễm mặn tại khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ nên dẫn đến một số khu vực có địa hình cao, nằm ở cuối nguồn cấp nước có xảy ra tình trạng thiếu hụt nước vào giờ cao điểm.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.