Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, các doanh nghiệp đang chủ động điều chỉnh hoạt động, triển khai phương án “3 tại chỗ” để vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh vừa siết chặt các biện pháp phòng, chống Covid-19.
Doanh nghiệp bảo đảm cho công nhân giữ đúng khoảng cách, đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh) đang làm việc. Ảnh: THU HÀ |
Chủ động “3 tại chỗ” theo tình hình mới
Để sẵn sàng cho phương án “3 tại chỗ” theo tình hình mới, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch, lên phương án cho việc ăn, ở, sản xuất cho công nhân ngay tại công ty. Bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cho hay, để đề phòng các rủi ro về dịch bệnh, doanh nghiệp đã chuẩn bị thêm các trang thiết bị cho phương án “3 tại chỗ” như: lắp đặt thêm nhà tắm dã chiến, các bồn rửa, chuẩn bị các vật dụng thiết yếu cá nhân... Kế hoạch “3 tại chỗ” của Hòa Thọ cũng được xây dựng rất chi tiết, cụ thể. Phân xưởng nào ở tại phân xưởng đó; có sơ đồ làm việc, ăn, nghỉ ngơi của công nhân, khi cần chỉ nhìn vào sẽ biết ai ở đâu, gần những người nào.
“Chúng tôi có tới 3.100 công nhân, sau khi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mọi người sẵn sàng đồng hành cùng công ty trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tùy tình hình dịch bệnh để có các phương án triển khai cụ thể. Có thể sẽ thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố hoặc khi dịch bệnh diễn biến khó lường, công ty sẽ chủ động ứng phó để bảo toàn hoạt động sản xuất cũng như an toàn cho người lao động, tránh rủi ro không đáng có”, bà Tường Anh cho hay.
Cũng triển khai phương án “3 tại chỗ” với gần 500 lao động ngay từ đêm 17-7, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt vải Vinatex Quốc tế Nguyễn Chí Trực cho biết, mặc dù thành phố chỉ khuyến khích thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng để bảo đảm an toàn cho chuỗi sản xuất của nhà máy và người lao động nên công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị và triển khai mô hình này rất nhanh chóng. Mô hình này giúp doanh nghiệp ổn định về lao động cũng như bảo đảm các đơn hàng với đối tác, dù chi phí thực hiện phương án “3 tại chỗ” rất cao.
Nắm bắt diễn biến phức tạp của Covid-19, Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (KCN Hòa Khánh) đã chuẩn bị rất chi tiết các kịch bản phòng, chống dịch. Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc công ty cho biết, công ty đã triển khai phương án “3 tại chỗ” cho hơn 340 công nhân (chiếm khoảng 80% số lượng công nhân).
“Hiện công ty chúng tôi là “vùng xanh”, vùng an toàn với Covid-19. Giờ chỉ lo có nguy cơ từ bên ngoài vào vì công ty không chỉ sản xuất mà còn có các hoạt động giao, nhận hàng, hoặc đi mua sắm các vật dụng thiết yếu… Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm từ các đơn vị khác, yêu cầu người lao động nghiêm túc thực hiện theo đúng kịch bản. Việc này sẽ giúp siết chặt và bảo đảm an toàn hơn trong phòng, chống dịch”, ông Thống cho hay.
Tại Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Đông Nguyên (KCN Hòa Khánh), từ lúc nhận được thông báo phải chuẩn bị sẵn sàng để khi có yêu cầu thì thực hiện “3 tại chỗ”, công ty đã thành lập một ban để triển khai phương án.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đầu tiên là khảo sát để lấy ý kiến về việc có thể tham gia trong trường hợp áp dụng “3 tại chỗ” hay không. Tiếp đến, tìm chỗ phù hợp với tiêu chí sạch, thoáng, đủ rộng, có khu vực nhà vệ sinh, tắm rửa để làm chỗ ngủ. Công ty mua sắm đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng cá nhân, vệ sinh, cũng như chăn, mền, gối, nệm; đồng thời nhập thực phẩm, nguyên vật liệu đủ dùng cho thời gian “3 tại chỗ” và có phương án bổ sung khi cần.
“Khi một công ty trong KCN Hòa Khánh có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao thì chúng tôi quyết định thực hiện “3 tại chỗ”. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính toàn công ty thì khởi động luôn, dựa trên phương án đã lập trước đó và thực hiện. Quy trình “3 tại chỗ” dựa trên việc tuân thủ nội quy đã lập ra, nội bất xuất, ngoại bất nhập; phun sát khuẩn thường xuyên khu vực ăn, ngủ; thực hiện nghiêm 5K, xét nghiệm hằng tuần”, bà Vân cho biết.
Xây dựng các phương án phòng, chống dịch hiệu quả nhất
Ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (đơn vị quản lý KCN Hòa Khánh) cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các tổ, nhóm trong các phân xưởng theo dõi công nhân, nhanh chóng phát hiện các trường hợp nguy cơ, có triệu chứng lâm sàng cũng như hỗ trợ cho công tác điều tra, truy vết”.
Phó ban Quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng Trần Văn Tỵ khẳng định, phương án “3 tại chỗ” là một trong các phương án được đề ra cho các doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Khi doanh nghiệp chưa có trường hợp nào bị nhiễm bệnh nhưng muốn bảo vệ toàn diện thì có thể triển khai phương án “3 tại chỗ” một cách khép kín, tránh đi lại, tiếp xúc nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động cũng như hoạt động sản xuất. Còn khi doanh nghiệp có ca nhiễm bệnh thì các trường hợp liên quan như F1 sẽ đi cách ly tập trung theo yêu cầu của đơn vị y tế. Đối với các trường hợp là F2, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục sản xuất thì phải bảo đảm được điều kiện ăn, ở cho người lao động, bảo đảm đúng các quy trình, tránh lây lan mầm bệnh ra ngoài hoặc các phân xưởng khác.
Sau khi được đơn vị quản lý KCN Hòa Cầm hướng dẫn về việc triển khai phương án “3 tại chỗ”, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam (đường số 2, KCN Hòa Cầm) Nguyễn Vũ Khoa Nguyên cho biết, công ty xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng ứng phó trong các tình huống có thể xảy ra nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người lao động. Ngoài việc hạn chế nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh từ bên ngoài vào, công ty siết chặt hơn các biện pháp phòng chống bên trong như: giám sát thân nhiệt, nước rửa tay, bố trí giãn cách, vách ngăn tại căng tin… Đặc biệt là tuyên truyền cho công nhân, người lao động thực hiện di chuyển trên một cung đường từ nơi ở đến nơi sản xuất, làm việc và ngược lại.
Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho biết, công ty xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay tại các phân xưởng; đồng thời đang đặt mua các bộ kít cho kết quả nhanh để kiểm tra, xét nghiệm cho công nhân. “Mặc dù các bộ kít xét nghiệm nhanh này sẽ tốn khá nhiều chi phí, nhưng để bảo đảm an toàn và tránh đứt gãy trong hoạt động sản xuất nên công ty cố gắng đầu tư. Nếu có các thiết bị và được kiểm tra thường xuyên, người lao động cũng yên tâm làm việc hơn”, ông Phu nói.
Sở Y tế Đà Nẵng vừa có công văn triển khai, hướng dẫn phổ biến mẫu kế hoạch phòng, chống dịch cho cơ sở sản xuất kinh doanh và mẫu cam kết phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh khu nhà trọ cho người lao động gửi Ban Quản lý KCNC & CKCN Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan. Theo đó, yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc bệnh. Ban Quản lý cũng có riêng văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai tại đơn vị yêu cầu đơn vị phân công và ghi rõ nhiệm vụ của từng người của đơn vị tại mỗi bước xử lý. |
Theo công văn số 4537/UBND-KGVX ngày 22-7-2021 của UBND thành phố về việc bổ sung các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống Covid-19 hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp và công nghệ cao phải thực hiện phương án phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích việc thực hiện “3 tại chỗ”; chủ động phương án làm việc giãn 50% ca, kíp, sản xuất; đối với bộ phận quản lý, gián tiếp làm việc không quá 50% số người. |
THU HÀ - MAI QUẾ