Lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát, Vũ Hán không còn ca nhiễm mới. Quan chức của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Jiao Yahui vui mừng nói: “Hôm nay, chúng ta đã thấy bình minh sau nhiều ngày nỗ lực”.
Các nhân viên y tế đến sân bay quốc tế Thiên Hà ở Vũ Hán chuẩn bị rời thành phố này sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: AP |
Điều này làm dấy lên hy vọng cho các nước khác bên ngoài Trung Quốc đại lục trong cuộc chiến chống đại dịch đã làm hơn 211.000 người nhiễm và hơn 9.100 người tử vong.
Lo ngại “làn sóng thứ hai” của Covid-19
Tháng 2 vừa qua, mỗi ngày thành phố Vũ Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) có hàng ngàn ca mắc Covid-19. Nhưng ngày 19-3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận 34 ca nhiễm mới đều là những người nhập cảnh; trong đó có 21 ca ở Bắc Kinh, 9 ca tại Quảng Đông, 2 ca ở Thượng Hải, 1 ca tại Hắc Long Giang và 1 ca ở Chiết Giang. Tổng số ca nhiễm từ nước ngoài vào Trung Quốc đại lục đến nay là 189 ca. Còn Vũ Hán và khu vực lân cận thuộc tỉnh Hồ Bắc không có ca nhiễm mới nào. Song, 8 ca mới tử vong đều ở tỉnh Hồ Bắc.
Theo hãng AFP, Vũ Hán và 11 triệu dân được đặt trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 23-1. Những ngày sau đó, các địa phương khác ở tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa. Các tỉnh, thành phố bên ngoài Hồ Bắc cũng áp dụng những biện pháp cứng rắn, hạn chế tụ tập đông người nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Ngày 18-3, các nhà chức trách Hồ Bắc tuyên bố mở cửa một phần lệnh phong tỏa để những người khỏe mạnh có thể rời địa phương này nếu họ có công việc cần thiết hoặc sinh sống ở những nơi khác. Tuy nhiên, việc mở cửa này không áp dụng đối với Vũ Hán. Theo ông Li Lanjuan, thành viên Hội đồng chuyên gia của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ chỉ khi không có ca nhiễm mới trong 2 tuần liên tiếp, có thể vào tháng 4 tới.
Trung Quốc đại lục có số ca nhiễm bệnh lớn nhất thế giới (gần 81.000 ca) nhưng hầu hết đã hồi phục và xuất viện. Những con số thống kê mới được công bố là bằng chứng về thành công của Trung Quốc đại lục trong công tác chống Covid-19. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường trên khắp đất nước. Người dân đi làm việc trở lại, các cơ sở sản xuất hoạt động, trường học ở một số khu vực đã mở cửa...
Tuy nhiên, vấn đề gây lo lắng hiện nay là “làn sóng thứ hai” của Covid-19, tức các ca nhiễm mới là những người nhập cảnh. Theo AFP, trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 người đến Trung Quốc. Thủ đô Bắc Kinh và những khu vực khác yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly 14 ngày ở những khách sạn được chỉ định. Các chuyên gia y tế Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng, với các biện pháp nghiêm ngặt, nước này sẽ kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh trong nhiều tuần tới. Không những thế, Trung Quốc còn gửi 2 triệu khẩu trang và 50.000 bộ kit xét nghiệm virus đến Liên minh châu Âu (EU) để hỗ trợ “lục địa già” ứng phó với dịch bệnh. Bắc Kinh cũng đã gửi trang thiết bị y tế đến Pháp.
Ý: 1 ngày có gần 500 ca tử vong
Trên thế giới, số ca nhiễm và tử vong tiếp tục gia tăng khi Covid-19 xuất hiện ở 172 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong vòng 24 giờ, Ý - vùng tâm dịch lớn nhất châu Âu - ghi nhận thêm 475 ca tử vong, mức tăng cao nhất so với bất kỳ quốc gia/vùng lãnh thổ nào. Ý hiện có tổng cộng gần 3.000 ca tử vong, chiếm 1/3 số ca tử vong do Covid-19 của cả thế giới (gần 9.000 ca). Phát biểu với báo giới, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Ý Silvio Brusaferro nhấn mạnh: “Vấn đề chính là không đầu hàng” và cho rằng thêm nhiều ngày nữa mới thấy được hiệu quả của những biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở nước này.
Trong khi đó, trên Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi sự đoàn kết về tài chính trong khối các nước sử dụng chung đồng tiền euro (eurozone) sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trị giá 750 tỷ euro (820 tỷ USD) nhằm giảm thiểu tác động kinh tế. Ông Macron ủng hộ hoàn toàn những biện pháp chưa từng có của ECB.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố tất cả trường học trên cả nước đóng cửa kể từ ngày 20-3. Anh hiện có 104 người tử vong và số ca nhiễm tăng thêm 676 người, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 2.600 người.
Ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel mô tả cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với quốc gia này kể từ sau Thế chiến thứ hai, đồng thời kêu gọi người dân tuyệt đối tuân thủ quy định mà chính quyền liên bang và các bang đưa ra. Bà Merkel nói rằng, Đức có hệ thống y tế tuyệt vời, nhưng các bệnh viện sẽ quá tải nếu tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân trong cùng một thời gian ngắn.
Theo Reuters, Đức hiện ghi nhận khoảng 11.000 trường hợp nhiễm bệnh và 20 ca tử vong.
WHO giục châu Phi “tỉnh giấc” Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đặc biệt đối với châu Phi khi nói rằng “lục địa đen” phải “tỉnh giấc” và chuẩn bị cho tình huống nghiêm trọng nhất. Theo hãng AFP, 33 quốc gia ở châu Phi đã ghi nhận tổng cộng hơn 600 ca mắc Covid-19 và 17 ca tử vong. Con số này tuy ít hơn so với châu Á hay châu Âu, nhưng đặt ra lo ngại rằng hệ thống y tế yếu kém tại “lục địa đen” không thể ứng phó với dịch bệnh. Trường hợp đầu tiên tử vong vì Covid-19 ở vùng hạ Sahara châu Phi là bà Rose-Marie Compaore (62 tuổi), Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Burkina Faso, có tiền sử bệnh tiểu đường. |
PHÚC NGUYÊN