WHO có rất nhiều chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn cầu và việc Mỹ cắt tài trợ chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của tổ chức này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-4 đã quyết định ngừng cấp ngân sách và "thực hiện đánh giá làm rõ vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc khiến thế giới mắc sai lầm nghiêm trọng khi đối phó với đại dịch Covid-19 và che đậy sự lây lan của virus corona mới (SARS-CoV-2)".
Được thành lập vào năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – một cơ quan của Liên Hợp Quốc có sứ mệnh cải thiện tiêu chuẩn sức khỏe trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters. |
Ông Trump cho rằng WHO không minh bạch về Covid-19 và Washington sẽ thảo luận xem "nên dùng số tiền đáng lẽ về tay WHO như thế nào".
Động thái của Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản đối từ Liên Hợp Quốc, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi và tỷ phú Bill Gates, nhà ủng hộ lớn cho WHO thông qua quỹ từ thiện của mình.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thì nói rằng ông lấy làm tiếc khi Tổng thống Trump cắt ngân sách: "Mỹ đã là người bạn lâu năm và hào phóng của WHO, chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục như vậy. Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ".
“WHO vẫn đang đánh giá tác động của động thái này và sẽ cố gắng lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào với các đối tác. Nhưng giờ là lúc thế giới đoàn kết trong trận chiến chung chống lại kẻ thù nguy hiểm", Tổng giám đốc cho biết thêm, WHO sẽ tự đánh giá cách xử lý đại dịch "vào thời điểm thích hợp", để “xác định những điểm cần cải thiện sẽ có những bài học cho tất cả chúng ta".
Dưới đây là những điều chúng ta có thể biết hoặc chưa biết về tác động của việc Mỹ cắt tài trợ đối với các chương trình của WHO trên khắp thế giới:
* Được thành lập vào năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – một cơ quan của Liên Hợp Quốc có sứ mệnh cải thiện tiêu chuẩn sức khỏe trên toàn thế giới. Vai trò của WHO đã được ghi nhận với một chiến dịch kéo dài suốt 10 năm để loại bỏ bệnh đậu mùa trong những năm 1970 và phối hợp trong cuộc chiến chống lại các dịch bệnh bao gồm cả Ebola.
* WHO hiện đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 thông qua việc cung cấp khuyến nghị cho các quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. WHO cũng đang phối hợp nghiên cứu toàn cầu về các loại thuốc điều trị, vaccine tiềm năng ngừa Covid-19.
* WHO hiện có hơn 7.000 nhân viên làm việc tại 150 văn phòng ở quốc gia trên khắp thế giới, 6 văn phòng khu vực và có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ.
* Các quốc gia thành viên của WHO bỏ phiếu cho ngân sách WHO mỗi hai năm một lần.
* Mỹ là nhà tài trợ tổng thể lớn nhất cho WHO và đã đóng góp hơn 800 triệu USD vào cuối năm 2019 cho giai đoạn tài trợ hai năm 2018-2019. Quỹ Gates là nhà tài trợ lớn thứ hai, tiếp đến là Anh.
* Tài trợ có hai dạng:
- Đóng góp cố định là khoản đóng góp từ cộng đồng các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên đóng góp phần cố định theo các mức khác nhau tùy quy mô và mức sống mỗi nước, hướng tới việc duy trì các chức năng cốt lõi của WHO.
- Đóng góp tự nguyện: Các khoản đóng góp tự nguyện chiếm khoảng 80% ngân quỹ đến từ của các quốc gia thành viên, các quỹ tư nhân và các tổ chức quốc tế. Các khoản này thường nhằm mục tiêu vào các chương trình cụ thể như thanh toán bệnh bại liệt, cuộc chiến chống lại AIDS, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác.
* Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ mới đây tuyên bố cắt tài trợ cho WHO thì đến nay vẫn chưa rõ liệu Mỹ có ý định dừng các khoản đóng góp cố định hay đóng góp tự nguyện hoặc cả hai.
* Ngân sách hoạt động của WHO trong giai đoạn hai năm 2020-2021, được các Bộ trưởng Y tế phê duyệt vào tháng 5 năm ngoái, lên tới gần 4,85 tỷ USD và tăng 9% so với giai đoạn hai năm trước đó.
* Không rõ liệu Mỹ đã thực hiện toàn bộ hay một phần khoản thanh toán cho ngân sách hoạt động giai đoạn 2020-2021 hay chưa nhưng các khoản đóng góp thường được các nước thực hiện vào cuối năm.
* Gần 1 tỷ USD trong ngân sách giai đoạn 2020-2021 được dành cho các hoạt động của WHO trên khắp châu Phi – lục địa nghèo nhất thế giới có tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi cao nhất do các bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vaccine.
* Thanh toán bệnh bại liệt vẫn là một trong những chương trình lớn của WHO và Mỹ là nguồn đóng góp chính cho nỗ lực này.
* Chương trình khẩn cấp của WHO cũng đang tìm cách dập tắt các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác bao gồm Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
* Tổng thống Trump đã có lập trường ngày càng gay gắt với WHO, cáo buộc tổ chức này nghiêng về phía Trung Quốc và đưa ra những lời khuyên sai lệch về dịch Covid-19. "WHO đã thực sự làm hỏng chuyện. Vì vài lý do nào đó, tổ chức này được tài trợ phần lớn từ Mỹ nhưng lại rất ngả về Trung Quốc.
Thật may mắn là tôi đã bác bỏ lời khuyên của họ về việc giữ biên giới mở với Trung Quốc trước đó. Tại sao họ lại đưa ra khuyến cáo sai lầm như vậy?", ông Trump viết trên Twitter hồi tuần trước.
* Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, cho rằng họ đã minh bạch trong chia sẻ thông tin với WHO và các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ. WHO khẳng định Trung Quốc đã chia sẻ thông tin nhanh chóng và hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu hợp tác ở cả những lĩnh vực khác. “Hãy tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch ngay bây giờ và để lại những lời buộc tội giải quyết sau”, đặc phái viên của WHO chống Covid-19 phát biểu tại một hội nghị trực tuyến hôm qua (15-4) nhưng không nêu đích danh ông Trump.
* WHO từng phải đối mặt với nhiều chỉ trích trước đây. Tổ chức này bị cho là đã đưa ra phản ứng thái quá đối với đại dịch cúm H1N1 xảy ra trong khoảng thời gian năm 2009-2010. Sau đó, WHO cũng hứng chịu chỉ trích gay gắt vì phản ứng không đủ nhanh nhạy với dịch Ebola khi dịch bệnh này lan rộng ở Tây Phi năm 2014 cướp đi sinh mạnh của hơn 11.000 người.
Theo VOV.VN