Cả thế giới hiện có hơn 15 triệu người mắc Covid-19. Song, các nước vẫn có những cách phản ứng khác nhau đối với dịch bệnh.
Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang tại ga tàu ở Fukuoka. Ảnh: AFP/Getty Images |
Thống kê của Reuters công bố ngày 22-7 cho biết, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu hiện vượt quá 15 triệu người, trong đó có 616.000 người chết. Như vậy, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào đầu tháng 1, sau 15 tuần, số ca nhiễm trên thế giới tăng lên 2 triệu người. Ngày 13-7, con số này tăng lên 13 triệu người và đến nay tăng lên hơn 15 triệu (tức tăng 2 triệu người chỉ trong vòng hơn 8 ngày).
Châu Mỹ có 7,7 triệu ca nhiễm
Mỹ vẫn là vùng tâm dịch lớn nhất với hơn 3,9 triệu ca nhiễm. Ngày 21-7, giới chức Mỹ ghi nhận 63.000 ca nhiễm mới và có thêm 1.000 ca tử vong. Những con số cao ngất ngưởng này làm dấy lên lo ngại về sự lây lan SARS-CoV-2 trên khắp nước Mỹ. Trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 21-7 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo: “Có thể tình hình Covid-19 sẽ tồi tệ thêm nữa trước khi trở nên tốt hơn”.
Sau Mỹ, 4 nước khác nằm trong danh sách các vùng tâm dịch lớn nhất thế giới, lần lượt gồm: Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi. Theo hãng CNN, trong ngày 21-7, Brazil có thêm 41.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 2,1 triệu. Đồng thời, có thêm hơn 1.300 người tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia lớn nhất Nam Mỹ lên 81.400 ca. Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO) nhận định, Covid-19 không có dấu hiệu chậm lại ở châu lục này. Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho hay, tính đến ngày 20-7, châu Mỹ có 7,7 triệu ca nhiễm và hơn 311.000 ca tử vong.
Trong lúc đó, Ấn Độ có thêm 37.700 ca nhiễm mới và 684 ca tử vong trong ngày 22-7. Tổng số ca nhiễm ở quốc gia Nam Á này lên đến gần 1,2 triệu ca; tổng số ca tử vong là 28.700. Xếp sau Ấn Độ là Nga, với hơn 789.000 ca nhiễm và 12.700 ca tử vong.
Ở “lục địa đen”, hãng AP cho hay, Nam Phi có 373.600 ca nhiễm và 5.100 ca tử vong. Một vấn đề được đặt ra là các bệnh viện ở Nam Phi có thể không đủ khả năng ứng phó nếu số ca nhiễm vẫn gia tăng trong 2 tháng tới bởi đỉnh dịch được dự báo sẽ xảy ra từ tháng 8 đến tháng 9. Hồi đầu tháng 7 này, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize đã cảnh báo về nguy cơ thiếu giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19. Ông Mkhize cũng kêu gọi người dân đeo khẩu trang (hiện quy định bắt buộc tại đất nước này) ở những nơi công cộng và giữ khoảng cách lẫn nhau.
Nới lỏng hay siết chặt quy định giãn cách xã hội?
Một số nước vẫn đang ở đỉnh dịch của “làn sóng thứ nhất”. Song, một số quốc gia khác đang đối mặt với “làn sóng thứ hai” của dịch bệnh. Một số nước lại nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhưng một số chính phủ khác vẫn áp đặt nghiêm ngặt quy định này.
Theo Reuters, tại Úc, kể từ ngày 22-7, người dân thành phố Melbourne thuộc bang Victoria phải đeo khẩu trang khi ra đường. Các hoạt động đi lại giữa bang Victoria và bang láng giềng New South Wales bị hạn chế, chỉ cho phép người dân đi lại vì công việc, giáo dục hay chăm sóc y tế. Các quan chức y tế bang Victoria dự báo, trong những ngày tới, số ca nhiễm mới tại nước này có thể lên tới 500-600 ca mỗi ngày. Úc hiện có 12.700 ca nhiễm và 128 người tử vong.
Ở Nhật Bản, chính quyền Tokyo kêu gọi người dân không ra khỏi nhà nếu không thực sự cấp bách và cần thiết trong dịp nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 23-7. Tokyo ghi nhận 238 ca nhiễm mới trong ngày 22-7, nâng tổng số ca nhiễm ở thủ đô lên hơn 10.000 người. Tỉnh Osaka cũng có số ca nhiễm tăng cao, với 121 ca, vượt xa mốc đỉnh ngày 9-4 với 92 ca mắc.
Tại Canada, các nhà chức trách đang giám sát chặt chẽ số ca nhiễm tăng đột biến khi mở cửa lại nền kinh tế. Số ca nhiễm tăng chủ yếu tập trung vào những thanh niên tụ tập ở các bar.
Ở châu Âu, Hy Lạp đang siết chặt kiểm soát đối với du khách nước ngoài. Theo đó, du khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước đó. Các hoạt động lễ hội bị cấm cho đến cuối tháng 7.
THIÊN BÌNH