Tại làng Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong) có một ngôi mộ cổ hơn 200 năm tuổi, đó là lăng mộ Đô thống chế Chưởng phủ sự Lê Văn Hoan, một nhân vật lịch sử nổi tiếng của thời Tây Sơn và triều Nguyễn.
Mộ Đô thống chế Chưởng phủ sự Lê Văn Hoan tọa lạc trên khu đất rộng, xung quanh khá thưa thớt. Ảnh: H.ÂU |
Theo cuốn Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1306-2006) do hai tác giả Lê Duy Anh, Lê Hoàng Vinh biên soạn, NXB Đà Nẵng phát hành năm 2006, Lê Văn Hoan sinh năm 1758 tại Hòa Vinh, nay thuộc thôn Cẩm Toại Tây. Đầu thế kỷ 18, ông được Nguyễn Huệ chiêu mộ làm binh sĩ thuộc quyền, chuyên huấn luyện đội tượng binh với hàng trăm con voi. Do có công quản tượng binh rất giỏi nên ông được vua Quang Trung phong chức Đô đốc Quản doanh Tượng binh. Chính ông đã trực tiếp chỉ huy đội tượng binh hơn 100 con cùng với Đô đốc Hữu quân Lê Văn Long và Đô đốc Đặng Xuân Bảo, hai danh tướng triều Tây Sơn tiến quân thần tốc ra Bắc để đại phá quân Thanh xâm lược.
Thời nhà Tây Sơn, Tướng công Lê Văn Hoan được phong chức Đô đốc quản doanh Tượng binh. Trong chiến dịch đánh quân Thanh xâm lược Xuân Kỷ Dậu 1789, Đô đốc quản doanh Tượng binh Lê Văn Hoan quản hơn 100 con voi cùng với Đô đốc Long và Đô đốc Bảo dưới quyền chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung; ngày mồng 3 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789 đánh tan 2 đồn Hạ Hồi và Ngọc Hồi cùng các tiền đồn Văn Điển và Yên Quyết. Các tướng giặc Thanh đều bỏ mạng tại chiến địa. Đô đốc quản tượng Lê Văn Hoan lại cùng Đô đốc Hữu quân Lê Văn Long (Đô đốc Long) tiến binh đánh đại đồn Khương Thượng…
Sách Đại Nam thực lục, trang 71 có đoạn viết: “Tháng 6-1820… Cai cơ Thị tượng là Lê Văn Hoan làm Vệ úy Thị nội quản ba cơ Tiền tượng, Tả tượng, Hữu tượng…”. Trang 394 viết: “Tháng Giêng, Minh Mạng thứ 6/1825… Đôi bổ Chưởng cơ Lê Văn Hoan chuyên quản năm cơ Dũng tượng, Thịnh tượng và Tiền, Tả, Hữu Hùng tượng”…
Tướng công Lê Văn Hoan mất mồng 7 tháng 4 Mậu Tý năm 1828, hưởng thọ 70 tuổi. Sự nghiệp của Tướng công Lê Văn Hoan cũng được ghi chép rõ tại các trang 141, 142 trong sách Lược sử Đà Nẵng 700 năm.
Văn bia tại Lăng mộ Tướng công Lê Văn Hoan khắc ghi cũng như tại văn tế từ xưa của làng Cẩm Toại chép rõ như sau: “Hậu hiền thân vị - Nghiêm oai Tướng quân”, Thượng hộ quân, Tượng quân Thống chế gia tam cấp, tặng Tráng võ tướng quân, Trụ quốc Đô thống, thụy Võ Khắc (Võ Cách) Lê Công chi thần”.
Ngay trên tấm bia dựng giữa khu lăng mộ vẫn còn dòng chữ ghi lại cấp bậc nói trên, đề rõ mộ được con trai ông là Lê Văn Tạo lập, từ “Minh Mạng cửu niên thất nguyệt thập tứ nhật”, tức ngày 14.7.1828 (năm Minh Mạng thứ 9). Hai bên mộ có tượng 2 con voi lớn phủ phục phía trước. Tuy nhiên sau gần 200 năm, khu mộ đã xuống cấp, hoang tàn, cây cối vây bủa đến mất cả lối vào, một tượng voi đã bị gãy mất đầu.
Năm 2019, mộ Thống chế Lê Văn Hoan được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố. Hội Khoa học Lịch sử thành phố đang xem xét tư vấn đặt tên đường để con cháu đời sau không quên tên tuổi, công lao của ông.
HẢI ÂU