Nói đến việc khai thác du lịch đối với bán đảo Sơn Trà, sớm hay muộn cũng phải hình thành các tuyến du lịch sinh thái đa dạng, có các điểm đến được bảo tồn, bảo vệ, chăm sóc kỹ lưỡng, nghiêm ngặt. Du khách lên Sơn Trà là để trải nghiệm, thưởng lãm, ngắm voọc, ngắm biển, ngắm Đà Nẵng, thăm cây đa trăm tuổi…
Chính vì tính hấp dẫn, cảnh quan kỳ vĩ của Sơn Trà nên người dân Đà Nẵng và du khách càng ngày càng quan tâm và tham quan Sơn Trà nhiều hơn. Nhưng kèm theo đó là những vấn đề đáng lo ngại: tình trạng du khách, người dân lên Sơn Trà ngắm cảnh bị tai nạn cũng như không tuân thủ các quy định về phòng chống cháy rừng, xả rác gây ô nhiễm môi trường.
Riêng về tai nạn giao thông, từ tháng 1-2019 đến tháng 9-2019, tại bán đảo Sơn Trà xảy ra tổng cộng 13 vụ, trong đó có 5 người chết (1 nam, 4 nữ), 4 người bị thương. Các vụ tai nạn không gây chết người cũng xảy ra lác đác, có cả người đi xe số và xe ga, đặc biệt 100% các vụ tai nạn chết người đều liên quan đến người điều khiển xe tay ga.
Ngoài ra, từ đầu năm 2019 đến nay, tại bán đảo Sơn Trà còn xảy ra các vụ liên quan đến an toàn tính mạng của du khách như đuối nước, đi lạc… Nguyên nhân của những sự cố trên một phần do ý thức của du khách, một phần do chưa có sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng và địa phương liên quan.
Để quản lý Sơn Trà tốt hơn về nhiều mặt, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2778/QĐ-UBND ngày 25-6-2019 về quy chế phối hợp trong việc quản lý một số hoạt động tại bán đảo Sơn Trà, trong đó có quản lý du khách; mới đây nhất là Thông báo số 127/TB-UBND ngày 15-10-2019 của UBND thành phố về việc thông báo kết luận của lãnh đạo UBND thành phố tại cuộc họp nghe Sở Du lịch báo cáo phương án quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách khi dã ngoại, tham quan tại bán đảo Sơn Trà và Kế hoạch số 7431/KH-UBND ngày 2-11-2019 của UBND thành phố về việc triển khai thí điểm công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách khi dã ngoại, tham quan tại bán đảo Sơn Trà.
Để Sơn Trà thành điểm tham quan, giải trí, đi đôi với việc bảo tồn cảnh quan tự nhiên, đòi hỏi phải có quy chế nghiêm ngặt về ứng xử của du khách và người dân khi đến đây, chẳng hạn: không được xả rác gây ô nhiễm môi trường; không săn bắt động vật; không chặt cây, bẻ cành, đốt lửa tùy tiện; hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm không khí… Bên cạnh đó, cần hình thành thêm các điểm đến, tour, tuyến đặc trưng, thích hợp; đơn cử như phải có các điểm để ngắm voọc, các điểm vọng cảnh để ngắm biển, rừng và ngắm Đà Nẵng từ Sơn Trà. Làm thế nào để tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho Sơn Trà mà vẫn bảo đảm yếu tố bảo tồn thiên nhiên với những giải pháp tốt về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và quy chế quản lý chặt chẽ.
Về quản lý Sơn Trà, cần sớm xây dựng cơ chế thống nhất giao một đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà. Thiết nghĩ, điều này phải được quan tâm hàng đầu.
Để bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà hài hòa và bền vững, rất cần một cơ chế quản lý bài bản và khoa học; đặc biệt cần sự chung tay góp sức của nhiều ban, ngành, đoàn thể địa phương từ chính quyền đến các cơ quan chức năng liên quan, từ người dân đến du khách. Có như vậy, những ai yêu Sơn Trà và du khách khi đến đây sẽ cảm thấy an toàn về mọi mặt, thoải mái ngắm cảnh và hít thở không khí trong lành từ “lá phổi xanh” của thành phố biển.
DÂN HÙNG