Như một người sinh ra để diễn tuồng, ngay từ những vai diễn đầu tiên, khi bước ra sân khấu, nghệ sĩ Thu Nhân đã được các bậc tiền bối đánh giá là đã “chiếm hết một nửa sân khấu tuồng”. Ngoài biểu diễn, chị còn là một nhà giáo đầy tâm huyết, đặc biệt, là một nghệ nhân chuyên làm phục trang cho nghệ thuật Tuồng.
Từ sân khấu Tuồng...
Diễn viên Thu Nhân trong vai Bà Huyện. |
Từ Đào cảnh, Đào chiến, Đào lẳng, Đào bi cho đến Đào ác… tuy mỗi vai một tính cách, nhưng chị đều có thể diễn đạt. Chị không e ngại khi đảm nhận những vai chính trong tuồng cổ, tuồng hiện đại, cho đến tuồng lịch sử… Tuy nhiên những vai diễn yêu thích nhất của chị vẫn thuộc về tuồng truyền thống như Bà Huyện trong vở Nghêu sò ốc hến, Liễu Nguyệt Tiêm trong tuồng Đào Phi Phụng, Loan Dung trong tuồng Lý Phụng Đình... Tâm đắc nhất cho đến giờ là vai Bà Huyện trong vở Nghêu sò ốc hến, đây là vai diễn được giới nghệ thuật cả nước đánh giá cao.
Với nỗ lực không mệt mỏi, với những vai diễn xuất sắc cộng với niềm đam mê sân khấu tuồng, năm 1993, diễn viên tuồng Thu Nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
... đến bục giảng
Là một trong những học trò ưu của cố NSND Ngô Thị Liễu, ngay từ khi mới rời ghế giảng đường, chị đã được các cụ cho đi làm phụ giáo. Trong những năm tháng đẹp đẽ ấy, chị đã học được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm quý báu từ những người thầy đáng kính của mình, để rồi người diễn viên tuồng là chị ngay khi còn rất trẻ đã không chút bỡ ngỡ khi bước lên bục giảng truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau. Từ năm 1981, chị đã là một giảng viên chững chạc của Trường Văn hóa nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng và Trường Văn hóa nghệ thuật Huế. Đến nay, chị đã giảng dạy được 4 khóa học ở Đà Nẵng và 3 khóa học ở Huế.
Chị luôn tâm niệm phải cố gắng hết sức làm thế nào truyền cho được ngọn lửa yêu nghề đến với học trò, bởi có yêu nghề, mới có thể sống với nghề và làm cho nghề được sống. Từ kinh nghiệm của bản thân, làm gì thì làm, chị luôn buộc học trò của mình phải kiên trì học tập những bài hát, điệu múa cơ bản, những vai mẫu, đó là cái gốc của tuồng. Gốc vững chắc thì ngọn mới có thể khỏe mạnh và vươn cao vươn xa.
Giờ đây, mặc dù đã nghỉ hưu bên nghiệp biểu diễn, nhưng khi được hỏi về ý định tiếp tục công việc giảng dạy, nghệ sĩ Thu Nhân chỉ cười và dứt khoát, “chị sẽ dạy đến hết đời”, bởi với nghề Tuồng thì “Thầy già, con hát trẻ”.
Và nghệ nhân phục trang tuồng
Cô giáo Thu Nhân luôn căn dặn học trò mình là phải giữ cho được cái lõi của tuồng, không được để cho sân khấu kịch xâm lấn. Kịch là loại hình nghệ thuật theo khuynh hướng hiện thực, còn tuồng là loại hình nghệ thuật theo khuynh hướng tượng trưng, ước lệ, cách điệu, giàu sức biểu hiện. Không hiểu hết cái lõi của nghề, không biết phân biệt với những loại hình nghệ thuật khác thì khó có thể chống chọi với nguy cơ mai một, nguy cơ đánh mất nghề. |
Chị không nói nhiều về công việc này của mình, vì chị cho rằng đây chỉ là nghề phụ, nhưng bất cứ ai nhìn những chiếc mũ được làm bằng cả tấm lòng của chị cũng khó có thể giấu được sự ngạc nhiên. Đó thực sự là sản phẩm của lòng đam mê, sự kiên trì, tính chịu khó, không ngừng sáng tạo của nghệ nhân. Hiện nay, mũ tuồng “made in Thu Nhân” đã thực sự có vị trí xứng đáng, số lượng khách hàng đặt mua không ngừng tăng, nhưng chị nhận làm chủ yếu cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng và Nhà hát Tuồng Thanh Hóa.
Khi được hỏi về bí quyết dẫn đến thành công “3 trong 1” của mình, chị bảo, không có gì cả ngoài niềm đam mê nghề, đam mê với sân khấu tuồng như ngày đầu chị nhận biết hết giá trị của nó. 40 năm gắn bó với tuồng với những cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật, NSƯT Thu Nhân quả là “gừng càng già càng cay” như các cụ từ xưa vẫn thường nói.
THANH TÂN