Huyền thoại về thầy Lánh thật hư thế nào cần suy ngẫm, nhưng những việc làm của ông mà nhân dân truyền lại mang đậm chất nhân văn, đề cao lẽ phải, đạo lý người đời, nó góp phần vào việc giáo dục truyền thống tốt đẹp, giữ gìn thuần phong mỹ tục cũng như nét đẹp văn hóa ở địa phương.
Nhà thờ Đức Thầy vừa được xây dựng để tưởng nhớ Thầy Lánh ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: P.V.B) |
Làng ông nghèo, người dân muốn có cái đình làm nơi vừa thờ phụng tiền nhân vừa tổ chức hội hè, nhưng của tiền khốn khó. Ông bảo mọi người yên chí, sẽ được toại nguyện. Một đêm nọ, trời đất bỗng lay chuyển, mây mưa, sấm chớp liên hồi, như báo trước một điềm gì sắp xảy ra. Hôm sau, khi bình minh ló dạng, trời quang mây tạnh, dân làng ra đồng làm mùa, bỗng thấy giữa làng có một ngôi đình to lớn hiện ra ngay vị trí ngôi đình tranh tre nứa lá cũ.
Sự vui mừng của dân làng chưa được bao lâu thì rộ tin đồn là ông đã đánh tráo ngôi đình Trà Luông (theo dân gian, đình này ở làng Thị Lập, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên; đình có nhiều cột gỗ như câu ca xưa Rộng thình thình như đình Trà Luông) với đình làng mình. Làng Trà Luông đưa đơn kiện lên Tổng đốc Quảng Nam, quan quân đến bắt và giải ông về kinh chịu tội.
Tuy tội không nặng, lại nữa, vua cảm thông với lòng dân và ái mộ khí phách của ông, nhưng để giữ nghiêm phép nước, đồng thời để răn đe ông và những người khác có thể dùng phép thuật làm những việc không có lợi cho an ninh quốc gia, vua gia ân cho ông được chọn một trong ba hình phạt: thanh gươm, chén thuốc độc hoặc dải lụa trong “Tam ban triều điển”. Sau một thoáng suy nghĩ, ông chọn hình thức thứ ba. Lạ thay, khi miếng vải lụa điều vừa đến tay ông, bỗng biến thành một con rồng, nâng ông bay lên không trung trước sự kinh ngạc khó tin của vua và quần thần. Khi bay ngang qua sông Tam Kỳ, ông đánh rơi một chiếc giày như là một kỷ vật gởi lại cho quê hương rồi tiếp tục bay về phương Nam và lập nghiệp ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Tại Hàm Tân, hai vợ chồng ông làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân và đốn củi kiếm sống qua ngày. Ngày ngày vào rừng, ông luôn mang theo một chiếc bầu khô, bởi ông có phép thuật “rấm đậu thành binh” nên đem theo để đề phòng bất trắc. Tiếng đồn về tài bốc thuốc của ông lan ra xa, sợ bị triều đình chú ý, ông bèn làm nhà vô rừng để ở. Thế nhưng, không vì đường sá xa xôi, hiểm trở, mọi người vẫn tìm đến ông để xin thuốc chữa bệnh. Nổi tiếng tài đức khắp vùng, vợ chồng ông được dân làng gọi bằng cái tên thân mật là “Thầy, Thím”. Gần nhà ông có một rạch nước dài khoảng 3km chạy ngầm ra biển, gọi là đường lướt ván, dân gian truyền khẩu rằng mạch nước đó do ông tạo ra để khi đóng ghe xong có thể đưa ghe ra biển.
Kể về công lao của ông, dân gian còn có nhiều câu chuyện nói lên lòng nhân ái vô biên như trừng phạt bọn buôn gạo đầu cơ bóp chặt dân nghèo, cảm hóa thú giữ... để dân làng an tâm kiếm sống.
Vào một ngày thu, ông qua đời. Nghe tin buồn, nhân dân quanh vùng kéo đến nơi ông ở thì thấy có một ngôi mộ bằng cát trắng, dân gian cho rằng ngôi mộ đó chính do các thú rừng vun đắp. Hằng năm đến ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, nhân dân địa phương thường thấy đôi hổ, một đen, một trắng về thăm mộ. Vào một ngày kia, đôi hổ cũng chết, dân làng chôn cất chúng gần nơi mộ của ông để tưởng nhớ đến hai con vật có nghĩa này.
Để tỏ lòng tưởng nhớ đến công đức của ông, dân làng đã xây dựng lăng thờ ở khu Bàu Cát, gần nơi ông mất, gọi là dinh Thầy Thím. Hằng năm, vào ngày giỗ Thầy 5 tháng giêng âm lịch và tế Thu của Dinh từ ngày 14 đến 16 tháng 9 âm lịch, nhân dân khắp nơi đến viếng mộ.
Đến đời Thành Thái thứ 18 (Bính Ngọ, 1906) nhà vua đã xem xét lại công đức của Thầy Thím nên quyết định xóa án và ban sắc phong cho cả hai người là “Chí Đức Tiên sinh, Chí Đức Nương nương tôn Thần”.
Hiện nay ở xã Tam Tiến còn lưu lại giếng nước, nhân dân quen gọi là giếng Thầy Lánh; trên chính mảnh đất đình Trà Luông năm nào, nhân dân lập nhà thờ Đức Thầy; ở khối phố Hương Trà 1, phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ có “mả giày Thầy Lánh”. Ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, dinh Thầy Thím đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1997.
Phạm Văn Bính - Lê Huỳnh