.

Những vần thơ lay động lòng người

“…Và có lẽ, chẳng bao giờ là quá muộn đâu,
Khi ta dám làm lại từ đầu trọn vẹn đời mình sống,
Dám bắt đầu lại từ đầu - một đường đi từ khởi thủy,
Và ứng xử làm sao, để nếu có quay nhìn quá khứ
Thì đừng phải ân hận xóa bỏ đi điều gì,
Dù là một tiếng kêu, hay chỉ một lời than!”

Những vần thơ cuối cùng trong bài thơ “Trả lời” của Ônga Bécgôn cho đến bây giờ vẫn nguyên giá trị với tôi.

Vâng, cái quá khứ không dễ gì quên, giống như một giấc mơ đầy lãng mạn của một thời tuổi trẻ, tôi đến với các vần thơ của bà, say mê, đắm chìm trong cái màu sắc kỳ ảo, thi vị, nồng nàn và khám phá… thấy trong đó sự tinh khiết, trong trẻo, và say mê đến lạ kỳ. Tất cả cảm xúc ấy không phải từ sự thiên vị thứ ngôn ngữ tôi đang học, không phải sự mơ tưởng đến những đêm trắng thành Lêningrat, của những lâu đài cổ in đậm những câu chuyện cổ tích, của không gian vàng rực mùa thu xứ bạch dương xa thẳm, của những chùm thông già cỗi phủ lớp bụi thời gian …
 
Tôi đến với thơ Ônga Bécgôn hào hứng như một lẽ tự nhiên, ào ào, cuồng nhiệt và cuối cùng nó đã đốt cháy tâm hồn tôi bằng một thứ tình cảm đặc biệt, không dễ gì diễn tả, chỉ biết rằng trong các vần thơ của Ônga Bécgôn, sự giản dị mà hết sức chân thành, hồn hậu mà tinh tế đầy trách nhiệm với chính mình. Sự bộc bạch trong tâm hồn bà có gì đó rất gần gũi không chỉ với tôi, với ai đó, mà với tất cả mọi người. Tất cả đã lôi kéo tôi đi tìm những bí ẩn nằm sau trang thơ, sau những ý tứ trong trẻo, nồng nàn của một cuộc đời.

Ônga Bécgôn là một người sống rất khép kín và cô đơn. Song hồn thơ thì vẫn lai láng, mênh mang và nhân hậu, không oán trách, kêu than. Dầu rằng, đằng sau những vần thơ cháy bỏng ấy là cả cuộc đời đầy chông gai và cay đắng.

Ônga Phi-ô-đô-rốp-na Bécgôn sinh ngày 16-5-1910, bố là bác sĩ, gốc Do Thái. Năm 1938, chồng bà bị bắt và bị buộc tội là “kẻ thù của nhân dân”. Trước đó, ông có viết và in  bài thơ dài  Ngày cuối cùng trong cuộc đời Kirôp. Tai họa tiếp tục ập đến với Ônga Bécgôn: Tháng 12-1938, do bị liên lụy với chồng, bà cũng bị bắt và cũng lại tiếp tục bị khép vào tội là “kẻ thù của nhân dân”. Lúc đó, bà đang mang thai. Mãi đến tháng 6-1939, khi không tìm được chứng cứ gì, bà được thả. Chồng chết, con cũng không còn, Ônga Bécgôn về lại thành phố Lêningrad, lúc đó sắp rơi vào đói khổ và kiệt quệ, vì bị quân đội phát-xít bao vây suốt 900 ngày đêm không còn lối thoát!

Người phụ nữ xinh đẹp, có khuôn mặt và đôi mắt thẳm sâu như đọc lên được toàn bộ bi kịch cuộc đời mình, không ai ngờ, đã đứng thẳng dậy trong chiến tranh. Từ năm 1941, bà xin được vào làm ở Đài phát thanh Lêningrad, kiên trì làm quen với công tác nặng nề, mới mẻ và luôn là một phóng viên đi săn tin năng nổ, một biên tập viên cần cù, nhạy bén. Chiến tranh xảy ra. Công việc lu bù, quần quật, lăn xả  bất kể ngày đêm. Trách nhiệm biên tập ngày càng cao, nhiệm vụ trực đài và phát thanh 24/24 giờ không khác nhiệm vụ của người lính ngoài mặt trận. Sức mạnh phi thường, gan lì chống chọi với sự nghiệt ngã của cuộc đời, đã được bà gói ghém kỹ trong trái tim đang ngày đêm bóp nát bởi sự cô đơn và cay đắng. Trong những ngày tháng khắc nghiệt ấy, bà đã được một người bạn văn cảm thương cho số phận, họ đã đến với nhau, tạo dựng lại một gia đình. Song cũng vì làm việc quá lao lực, cộng với cái đói quật ngã, người đàn ông  cũng đã bỏ bà ở lại một mình. Chẳng còn ai để chia sẻ, lại lao vào công việc để quên nỗi đau quá sức chịu đựng: "...Em đã chịu quá nhiều mất mát/với bao nấm mộ của những người thân thiết!/Đứng trước họ em thấy mình có tội,/mà nếu biết chắc anh không tha thứ nổi...".

Bà tự khẳng định bằng công việc, bằng ý chí chiến đấu trong tư tưởng sáng tác của mình. Bà đã tự nâng mình lên thành một nhà thơ mang biểu tượng cuộc chiến đấu chống phát-xít, biểu tượng của lòng kiên định với cách mạng, biểu tượng của cả thành phố Lêningrad anh hùng. Hằng ngày, người ta chờ giọng nói của bà trên làn sóng phát thanh, chờ bài viết sắc sảo đồng hành cùng đoàn quân ra trận, chờ tiếng thơ được thể hiện bằng chính giọng đọc của bà trên sóng như một kêu gọi, thúc giục song cũng rất thủ thỉ và nồng nàn.

Chẳng ai có thể hiểu nổi nỗi đau tột cùng, nỗi đau như không còn có thể đau thêm được nữa của người phụ nữ này. Chính trong những ngày đầy oan ức thấm đẫm nước mắt, những câu thơ bà viết được khắc vào đá hoa cương trắng trên bức tường tưởng niệm của nghĩa trang Piscarêvô sau chiến tranh: “Không thể có ai bị lãng quên. Không thể có một điều gì trôi đi mất!”.

Sau chiến tranh, người ta đã xuất bản một số bài báo và bút ký, văn xuôi của bà. Trong số đó  có tập Những ngôi sao ban ngày, nói về vùng quê Trung Nga của  tuổi thơ và số phận những người cùng thời, nói như bà: “Cuộc sống riêng hòa nhập với cuộc sống chung của dân tộc”. Có thể nói, đây là một tác phẩm xúc động tận đáy tâm hồn người đọc. Người đọc chỉ nhận thấy trong đó sự cảm thông, chia sẻ và chấp nhận
như một tinh thần chiến đấu với số phận mà thôi.

Ra đi, bỏ lại sau lưng một cuộc đời cô độc, cách biệt và có nhiều suy ngẫm buồn rầu và đau đớn, dằn vặt cho kiếp người và số phận người trí thức trước, trong và sau chiến tranh phát-xít. Bà mất ngày 13-11-1975 ở Lêningrad và được chôn cất ở nghĩa trang Vônkôvô.

Những vần thơ chủ đạo trong thơ Ônga Bécgôn là âm hưởng đặc trưng cho thơ ca thế kỷ XX, của đất nước Xô viết. Những vần thơ toát lên những bi kịch của số phận, song con người vẫn phải biết vượt qua những thử thách, tưởng chừng như không thể vượt qua nổi... "Tai họa bất ngờ, thử thách cam go, và rạng ngời hạnh phúc/Đó là tất cả những gì được người ban tặng/Tôi sẽ vượt qua và sẵn sàng chịu đựng…” (Gửi Tổ quốc - Tháng 10-1939)

“...Em bao giờ cũng dâng tặng trái tim/Cho tình yêu-  khúc ca niềm đau khổ...”. Giờ đọc lại những vần thơ ấy với sự trải nghiệm mới thấy khâm phục và trân trọng cái giá trị của thơ ca người phụ nữ có một tâm hồn thơ lai láng, đằm thắm, giàu nữ tính đến mức “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi”, phảng phất một nỗi buồn trong sáng và có sức ám ảnh người đọc rất lớn. Không cứng nhắc, không ai oán mà vẫn có thể đồng cảm và chia sẻ đến tận tâm can:"...Em mới hiểu bây giờ anh có lý ... /em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa”...

 Thơ Ônga Bécgôn vẫn luôn lay động lòng người và cuốn hút mọi hồn thơ của mọi thời đại. Biết bao người vẫn còn tiếp tục đi tìm sự bí ẩn về sức mạnh tâm hồn của bà cho đến khi không còn cảm thơ được nữa, giống như đi tìm câu trả lời cho “Tâm tình với Ônga Bécgôn” của nhà thơ BằngViệt: “...Nàng nghĩ gì Ônga Bécgôn? / Câu thơ viết như một lời thú tội/Ôi cái tuổi ngây thơ chẳng bao giờ có lỗi / Khi nhắp vị ngọt ngào cay đắng của Tình yêu ...”.

Thu Hồng
;
.
.
.
.
.