.

“Nội tướng” thời tăng giá

.
Từ khi giá xăng, giá điện rục rịch muốn tăng, những bà nội trợ đã nghĩ cách đưa ra các “phương án khả thi” ứng phó.

Giữa túi tiền và chất lượng bữa ăn

Mô tả ảnh.
Giá thịt heo hiện có hạ hơn so với lúc Tết, nhưng giá bún, mì vẫn chưa chịu hạ.
Chị H.Thủy, chánh văn phòng một tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở Đà Nẵng, qua mấy lần “chạm trán” với bão giá đã rút được kinh nghiệm: Mỗi khi nghe giá cả rục rịch tăng là vội vàng lên kế hoạch chi tiêu, lo mua sắm những vật dụng cần thiết, phổ biến “chiến lược tiết kiệm” đến các thành viên trong gia đình, tính toán cắt giảm một số khoản chi tiêu không cần thiết.

Đi chợ bây chừ, có cảm giác như bị móc túi. Đó là nhận xét của chị N. Hoàng, công tác ở một cơ quan truyền thông ở Đà Nẵng. Vợ chồng chị đều quê ở xa, hiện sống trong một chung cư ở quận Sơn Trà. Chị bảo, đi chợ chừ còn mất thời gian, phải đi tới đi lui đọ giá nhiều lần để xem hàng nào rẻ hơn. Hồi trước ưng ăn chi là mua ngay, chừ thì phải cân nhắc xem có nên “chơi sang” không.

Cùng cảnh ngộ như chị N. Hoàng, chị Y. Tuyết (hai vợ chồng đang ở nhà thuê) mỗi khi cầm đồng tiền dạo chợ là phải “kỹ cơ” hơn trước, nếu không, ngân sách gia đình “phá sản” như chơi. Có khi định mua cá nấu canh chua, nhưng thấy cá mỗi lạng 12.000 đồng là phải tính lại. Bỏ lên cân thấy 4 con cũng trên dưới 30.000 đồng, tính thêm tiền mua đồ chua, rau ngò vị chi một nồi canh cũng mất đứt 40.000 đồng. Với mức đó, chuyển sang mua 1 lạng thịt bò (giá hiện nay khoảng 18 - 20 nghìn đồng/lạng) thêm 5 nghìn đồng rau hoặc bí xanh... vẫn có thể có được một nồi canh chất lượng.

Bữa ăn hằng ngày bỗng dưng trở thành bài toán đau đầu, mọi lời giải đều đòi hỏi phải chi li với tiêu chí: Giảm chi tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng. Kinh nghiệm của chị N.Hoàng là, nếu giảm chất lượng bữa ăn (do quá tiết kiệm) thì sẽ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” - đau một trận thì chi phí thuốc men còn tốn hơn. Chị Y. Tuyết khuyên nên chuyển từ ăn cá biển sang cá đồng. Nghĩa là, ngoài việc cân đối lại lượng thức ăn (không để dư thừa cuối bữa), thay đổi một số món cho phù hợp với túi tiền thì người nội trợ phải biết cách cân đối, vừa bảo đảm được lượng dinh dưỡng cần thiết, vừa không phung phí khi mua sắm thức ăn.

Té nước theo mưa

Thực ra, khi khảo sát giá cả ở một số chợ ở Đà Nẵng, tình hình chưa đến nỗi bi quan như nhiều người tưởng. Giá xăng, giá điện lên, theo quy luật, sẽ kéo theo hàng loạt mặt hàng lên giá. Nhưng cũng có một số người đã lợi dụng tình hình này, “té nước theo mưa”, cố tình đẩy giá lên để thu lợi.

Tham khảo giá cả ở chợ Đống Đa và chợ Hòa Khánh vào ngày 24-2 vừa qua, thấy rau củ quả giá vẫn “dậm chân tại chỗ”, một số loại thịt, cá thì giảm giá so với Tết. Thịt heo mông giảm từ 100 - 110 nghìn xuống còn 75 - 80 nghìn đồng/kg; gà ta giảm từ 200 nghìn xuống còn 120 nghìn đồng/kg; cá thu giảm một nửa giá xuống còn 120 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, tô bún, tô mì mọi năm đến Tết có lên sau đó lại xuống, nhưng năm nay lên rồi là đứng sựng. Về chuyện này, ông Nguyễn Thu, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa, cho rằng, người ta đã ăn theo tình hình tăng giá để thu lợi nhiều hơn. Chợ Đống Đa tiêu thụ mạnh các loại thịt, rau củ quả, thủy hải sản. Tiểu thương niêm yết giá, ban quản lý chợ mở sổ theo dõi hằng ngày, các bà nội trợ đi chợ ở đây cảm thấy yên tâm.

Chợ Hòa Khánh cung cấp thực phẩm cho người dân với giá, theo khảo sát của ông Đặng Quang Hưng (Phó ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu - Trưởng bộ phận chợ Hòa Khánh), bao giờ cũng rẻ hơn nội thành. Nông sản, một số từ Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc xuống, một số được tiểu thương đưa thẳng từ Hà Lam về lúc 2 - 3 giờ sáng mỗi ngày nên giá có hạ. Đó là lý do để hàng nghìn công nhân, sinh viên ở Liên Chiểu chọn chợ Hòa Khánh để sắm sửa bữa ăn.

Cắt giảm chi phí... tinh thần

Giá lên, chị H. Phan (công tác ở một cơ quan Nhà nước tại Đà Nẵng) mong rằng các ông chồng, những đứa con hãy lắng nghe và chia sẻ, đừng hờ hững với những bà vợ, những người mẹ, khi đâu đó, loay hoay trong góc bếp, một tiếng thở dài: Cái chi cũng tăng giá hết trơn, đồng tiền sao mà nhỏ xíu! Với các bà nội trợ thì chị khuyên nên tham khảo giá siêu thị, vì một số hàng thực phẩm như cá, thịt ở đây giá lại ổn hơn, dễ mua hơn ở chợ. Tuy nhiên, với các mặt hàng khác thì phải “né”, bởi chỉ cần rong ruổi khoảng 1 giờ ở siêu thị thì thế nào cũng bị cái “máu shopping” (vốn sẵn có trong các bà, các cô) có thể làm bay cả triệu bạc trở lên.

Chị H. Thu vừa “ra riêng” với chồng nửa năm nay, giá cả tăng đột biến là một khó khăn rất lớn, phải hết sức tiết kiệm. Nếu trước đây còn thỉnh thoảng đi mua sắm quần áo, giầy dép hoặc cùng bạn bè đi cà-phê cuối tuần thì nay phải hạn chế tối đa. Chị H. Thủy, do đặc thù của công việc, gần như tuần nào cũng có cuộc gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp với khoản chi phí không nhỏ. Nay thì các chị a-lô, tạm thời gác lại cái vụ “nhu cầu tinh thần” để lo giải quyết chuyện giá cả thị trường.

Giảm bớt nhu cầu tinh thần cũng là giải pháp để chị H. Phan “sống chung với giá”. Chị khuyên, hạn chế đưa gia đình vào những quán đắt tiền để vừa ăn điểm tâm vừa uống cà-phê. Nếu bạn được mời cà-phê, hãy tế nhị chọn những món nhẹ tiền để “nhẹ” cho người  thanh toán.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.