Đảo Phan Vinh nhìn trên bản đồ nhỏ như một chấm xanh giữa lòng đại dương bao la. Ngày ngày, tôi mong ngóng chờ tin em từ đảo gọi về. Nghe tiếng em khỏe, vui tươi, là tôi yên lòng. Muốn gửi ra em bao lời trìu mến mà vẫn chỉ là những câu “Em và mọi người có khỏe không? Mùa này rau có đủ không? Dừa có sai quả không?” Em cười giòn “Chị ơi, cứ yên lòng. Rau đủ rồi, chúng em không thiếu rau nữa, lợn gà thì nhiều vô kể. Trên đảo trồng thêm được 7 cây dừa tốt lắm”.
Rau xanh trên đảo. Ảnh: M.Đ.L |
Từng ngày, từng ngày, hướng ra biển Đông, xem các thông tin về Hoàng Sa-Trường Sa, thêm tin tưởng và thương biết bao nhiêu, những khuôn mặt trẻ trung đang đứng gác ở tiền tiêu của đất nước. Lại nhớ bài thơ nhỏ, tôi học từ lớp hai “Chú hải quân/ Đứng canh ngày canh đêm/ Ngoài xa vời hải đảo/ Kìa bóng chú hải quân/ Dưới trời xanh trứng sáo…”. Và hôm nay, em cũng là chú hải quân, tôi chưa từng biết mặt nhưng lại thân thương quá, mỗi khi em nhớ đất liền, nhớ Hà Nội, gọi về cho tôi. Bắt đầu từ thông tin nhắn tìm đồng đội, em đọc trên báo Quân đội Nhân dân, em mách cho tôi cách tìm hài cốt cha tôi ở Long An, rồi những câu chuyện lạc quan yêu đời của bộ đội trên đảo xa đã khiến tôi hiểu sâu sắc hơn bao giờ hết-dòng máu Lạc Hồng như tiếng gọi mãnh liệt thôi thúc mỗi con dân Đất Việt biết yêu Tổ quốc mình, đồng bào mình, giữ từng tấc đất, biển trời đã thấm bao xương máu ông cha…
Tôi xem lại Lễ khao lề thế của dân Lý Sơn, rưng rưng xúc động và chợt nghĩ: Có nơi đâu trên trái đất này có lễ tế sống những dân binh ra đảo Hoàng Sa từ 500 năm qua như nước Việt ta không? Những thẻ tre ghi tên từng người đem theo bên mình dân binh, còn thẻ nào trôi về đất liền? Anh linh những chiến sĩ vô danh như ngọn lửa thiêng nhắc nhở đời tiếp đời, biết đi là không có ngày trở lại, vẫn vâng lệnh vua ban, lao ra đảo nhỏ giữ gìn cương vực cho muôn đời con cháu, để đến hôm nay, trên thềm lục địa, Hoàng Sa-Trường Sa với vô vàn đảo lớn đảo nhỏ, thuộc về Tổ quốc của ta với thế đứng lưng dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, chân đạp sóng Biển Đông.
Bà Triệu Thị Trinh đã từng khẳng khái “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Thái sư Lê Văn Thịnh thông minh uyên bác, đã từng đàm đạo với triều chính Trung Hoa, lấy lại đất đai lãnh thổ bị mất bởi quân xâm lược nghênh ngang mà lòng tham vô đáy… Những câu chuyện tôi và em đã thuộc lòng từ thuở học trò, vẫn chảy trong huyết quản trong tôi và em, trong mỗi nguời lính đang “cầm chắc cây súng, giữ lấy biển lấy trời”. Vậy mà em vẫn rất hồn nhiên “Chị ơi, quả bàng vuông ở đây nhiều lắm. Đợt về phép tới, em sẽ mang về đất liền, gửi ra cho chị, chúng em vẫn mạnh khỏe, kỷ niệm 30-4, đảo Phan Vinh liên hoan vui lắm chị ạ”.
Tôi an lòng theo lời em mà thấy thương em vô hạn! Những dân binh năm xưa và em cùng các chiến sĩ hôm nay, người cầm kiếm, người cầm súng, tất cả vẫn một dòng máu yêu nước và yêu đời, mắt dõi nhìn ra Biển Đông mà lòng nhớ thương tổ ấm, nhớ làng quê, ngõ nhỏ, nhớ bữa cơm đầm ấm gia đình và cô con gái cưng lên ba tuổi đã thôi thúc em tôi kiên gan giữ đảo trước phong ba!
KIM THANH