Một đoàn khách cả Tây lẫn ta vừa xuất hiện phía cổng chùa. Chị Đinh Thị Hồng xoay tấm biển “Chụp ảnh lấy ngay sau 1 phút” về phía khách rồi đon đả cất giọng: “Mời chụp tấm ảnh lưu niệm, anh chị ơi”.
Chị là người duy nhất nói giọng Bắc và “mới” nhất trong 9 người ở tổ Nhiếp ảnh tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Từng làm nghề phó nháy ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, chị gia nhập vào tổ từ năm 2002 sau khi theo gia đình vô sống ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Phó nháy thì ở đâu mà chả chụp ảnh, nhưng với chị, ở Thủy Sơn, nơi uy nghiêm nhất trong 5 ngọn núi này, muốn “trụ” lại lâu dài thì một trong những tiêu chuẩn quan trọng là phải biết giữ chữ tín.
“Mua” chữ tín từ những lần giao ảnh... hụt
Tổ trưởng là anh Nguyễn Hoàng, từng là bộ đội trinh sát Quân khu V, bị thương nhẹ ở cánh tay. Anh phục viên năm 1981, nhờ anh em trong Công ty Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng (cũ) hướng dẫn kỹ thuật chụp ảnh để có một cái nghề thích hợp với sức khỏe. Anh cùng 8 thành viên trong tổ chia làm 3 nhóm luân phiên nhau tại ba điểm chính trên ngọn Thủy Sơn: chùa Linh Ứng, chùa Tam Thai và động Huyền Không. Thâm niên trên 30 năm có các anh Nguyễn Phụng, Hoàng Bá Ba, Đặng Quang Tín… Từ lúc chụp máy phim cho đến khi “lên” máy kỹ thuật số, họ thừa chuyên nghiệp và cũng lắm kỷ niệm buồn vui, trong đó khó quên nhất là những lần giao ảnh... hụt.
Hẹn khách sẽ giao ảnh sau 1 tiếng rưỡi nên chụp xong là ai cũng ba chân bốn cẳng chạy về trung tâm thành phố tráng phim, rửa ảnh. Xong, tìm tới khách sạn nơi khách đang ở để giao ảnh và nhận tiền. Nhiều khi đến thì khách đã đi rồi. Một vài kiểu ảnh thì bỏ, chứ cả xấp thì phải chạy xe ra Huế hoặc vô Hội An tìm khách, vừa vớt vát lấy lại vốn vừa giữ uy tín với khách. Hẹn là vậy, nhưng khó tránh khỏi những sự cố ngoài ý muốn như máy móc ở lab (hiệu ảnh) trục trặc kỹ thuật, mất điện, chờ đợi vì đông người làm ảnh… Tình trạng xấu nhất, nếu không in ảnh được thì tráng phim xong đem về giao cho khách và kèm theo một màn... xin lỗi. Đôi lúc vì nhiều lý do, ảnh không đạt yêu cầu thì chỉ còn nước mong khách thông cảm, khách không đồng ý giảm giá thì đành biếu không họ vậy.
Quy ước của cả tổ là không được nhận trước tiền của khách, nhưng đôi lúc cũng có ngoại lệ. Như lần anh Tín chụp hình một phụ nữ người Hà Nội, khách “năn nỉ” trả tiền trước để anh gửi hình qua bưu điện. Khách về nhà, chắc mẩm phen này mất tiền chứ ai lại cất công đi gửi chỉ 2 tấm hình. Đến khi nhận hình, khách quá đỗi bất ngờ, viết thư cảm ơn anh phó nháy biết giữ chữ tín.
Anh Hoàng có lần chụp đoàn cán bộ phụ nữ do một chị ở thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội dẫn đầu. Anh đem ảnh về thì đoàn đã đi rồi. May mà, anh Tín có quen một người ở Nam Định thường hay vô Ngũ Hành Sơn buôn hàng đá mỹ nghệ. Anh Tín đã nhờ người này ra Hà Nội tìm đến, giao 30 tấm ảnh tận tay chị cán bộ. Cầm xấp ảnh lưu niệm trên tay, chị cảm nhận được tấm lòng của những người chụp ảnh ở vùng Non Nước – Ngũ Hành Sơn.
Với những tay máy “trẻ” trong tổ như chị Hồng, những người đi trước luôn nhắc nhở để họ biết giữ chữ tín cho tổ, cho Khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng.
Công nghệ “lên đời”
Hai năm trở lại đây, khi xuất hiện máy in ảnh mini trên thị trường thì chuyện giao hụt ảnh của các phó nháy chỉ còn là quá khứ. Trong các điểm tham quan du lịch ở Đà Nẵng thì Khu du lịch Bà Nà được xem là nơi có công nghệ chụp ảnh lấy ngay sớm nhất - năm 2008, sau đó gần một năm là Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Giờ thì ở đâu cũng có.
Ông Quang, 68 năm tuổi đời, hơn 40 năm tuổi nghề. Con cái ông nối nghiệp cha cầm máy ảnh, vợ chồng người con lớn chụp ảnh ở cầu Sông Hàn, con gái và con rể thì hành nghề tận trên Bà Nà, vợ chồng người con út thì cùng ông “bám trụ” ở cầu Thuận Phước. Bà Nà, hồi chưa có máy in ảnh mini, chụp xong phải chạy xuống phố mất cả buổi để rửa ảnh giao cho khách.
Ông Quang bảo, cái máy in ảnh lấy liền ra đời đã cứu nguy cho đội ngũ “phó nháy” ở các điểm tham quan du lịch, nhưng lắm khi cũng bị người ta trả giá như đi chợ. Bảng giá ghi mỗi kiểu ảnh lấy ngay là 20 nghìn đồng, nhưng nếu khách trả 15 nghìn thì cũng nhận, thậm chí 2 kiểu 25 nghìn cũng ô-kê. Có một số khách quá cắc cớ, nói tới lab làm thì một tấm chỉ 7 nghìn thôi, chừ trả 10 nghìn một kiểu có chụp không? Các phó nháy dứt khoát không chịu cái giá quá bèo đó. Mình đứng cả ngày ngoài mưa nắng, gió bụi mà họ không tính tới, lại muốn mình xuống nước mà phá giá – ông Quang phân trần.
Nghe tôi thắc mắc vì sao mọi người ghi là lấy ảnh sau 1 phút thì ông lại ghi tới 3 phút, không sợ bị cạnh tranh sao, ông cười: Gần 70 tuổi rồi, tui không muốn ngoa ngoắt với khách. Từ lúc bấm máy lấy hình đến khi trao ảnh cho khách là ít nhất mất 3 phút, nói thực như thế chứ màu mè làm chi.
Ở Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, anh Hoàng cho biết, tổ anh lúc đầu mỗi người mua 1 máy, nhưng thỉnh thoảng lại bị sự cố kỹ thuật, nên ai cũng mua thêm một máy dự phòng. Khách cần lấy ảnh ngay mà mình chạy quanh núi đi nhờ máy đồng nghiệp thì còn thể thống gì nữa. Đã “lên đời” thì lên luôn cho khỏi vất vả.
Kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch
Đêm xuống, cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn rực rỡ ánh đèn, Đà Nẵng đẹp hơn trong mắt du khách. Những phó nháy như ông Quang làm một công đôi việc, vừa mưu sinh bằng tay máy, vừa tranh thủ quảng bá hình ảnh của thành phố đến với du khách. Máy ảnh của ông luôn lưu trữ một số ảnh đẹp của Đà Nẵng để khi cần có thể tư vấn cho khách các địa điểm tham quan.
Ở Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, các phó nháy ở đây đã đưa hình ảnh của di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng quốc gia này đi khắp thế giới qua hàng chục nghìn tấm ảnh lưu niệm. Chị Hồng, mỗi khi có khách quen từ Hà Nội vô, lại có dịp nói về núi non, hang động, chùa chiền... nơi chị xem là quê hương thứ hai của mình.
Do đặc thù của nghề, phó nháy luôn tiếp cận với khách du lịch. Nếu được trang bị đồng phục thì có lẽ nghề của họ sẽ “lên đời” hơn và sẽ có nhiều du khách nhớ đến họ cùng với vẻ đẹp yên bình của thành phố.
VĂN THÀNH LÊ