“Tờ lịch gỡ mỗi ngày” là tập sách mới nhất của nhà văn Ngô Phan Lưu. Theo như cách đề trong sách thì đây là tập tạp văn - một loại “thương hiệu” chung cho những bài viết dài chừng vài trang.
Có thể đó là cảm nhận, ghi chép, phóng sự, bút ký, hồi ức, truyện ngắn... Tập tạp văn dày hơn 200 trang, gồm 65 bài là 65 câu chuyện nhỏ dưới góc nhìn đầy chiêm nghiệm và triết lý sống của nhà văn Ngô Phan Lưu.
Nhà văn Ngô Phan Lưu và bìa sách Tờ lịch gỡ mỗi ngày, Nxb Văn hóa-Văn nghệ - 2013. |
Ngô Phan Lưu vừa là bút danh vừa là tên thật. Bạn văn bốn phương vẫn thường gọi đùa là anh nhà văn 3 họ, bởi sự kết nối giữa các chữ Ngô, Phan và Lưu. Cách gọi này khiến cho những người mới gặp cảm giác ấn tượng và rất dễ nhớ đến anh, âu đó cũng là chút “duyên” của định phận. Ngô Phan Lưu sinh năm 1943, quê quán Phú Yên. Anh từng đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tuần Báo Văn Nghệ, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sau tập thơ đầu tiên “Bếp lửa chiều đông” (1997), anh gần như chuyển hẳn sang văn xuôi với lần lượt 5 tập truyện ngắn và tản văn ra mắt bạn đọc gần xa. Kể ra, Ngô Phan Lưu cũng là một hiện tượng lạ trong giới cầm bút.
Nói lạ, vì anh “gá nghĩa” với văn chương rất muộn, khi đã là lão nông đúng nghĩa, bước kề đến tuổi 60. Thế nhưng anh lại đi, thậm chí là “chạy” rất nhanh vào lòng bạn đọc bằng những sáng tác đầy tài năng của mình. Báo chí từng “tôn” anh là “lão nông viết văn”. Nhưng thật ra anh là một lão nông tri thức, vì anh vốn là sinh viên ban Triết của Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Do vậy, chất triết lý trong các tác phẩm của anh luôn luôn bàng bạc, ẩn hiện đâu đó trong những câu chữ. Đến Phú Yên, tôi nghe “truyền tụng” câu này: “Nhất rắn cắn, nhì truyện ngắn Ngô Phan Lưu”. Rắn cắn thì đau, nhiều truyện ngắn của Ngô Phan Lưu thâm trầm, sâu sắc và cũng... đau đến như vậy!
“Tờ lịch gỡ mỗi ngày” là sự chắt lọc từ độ dày tuổi tác, vốn sống phong phú, quan sát sắc sảo, bút lực dồi dào, giọng văn rù rì như kể chuyện, khi thì thâm nghiêm, lúc dí dỏm trào phúng, tác giả cuốn người đọc lướt nhanh theo từng tản văn của mình. Cách viết ngắn cũng là một lợi thế mà Ngô Phan Lưu biết cách tận dụng để cho phù hợp với bộn bề cuộc sống của cả người viết lẫn người đọc hôm nay.
Viết thì ngắn, nhưng những gì mà tác giả gửi vào trong từng bài lại gợi lên cho người đọc nhiều suy tư, bâng khuâng và trăn trở. Bài viết nằm ở cuối sách là bài được lấy làm chủ đề cho tập sách. Xem xong, thì ớ người, “ngộ” ra chân lý tưởng chừng như đơn giản: Tờ lịch đâu chỉ là... tờ lịch, nghĩa là chỉ có những con số cho biết ngày tháng, thời tiết, ngày tốt ngày xấu mà tờ lịch còn đem đến lời khuyên, kinh nghiệm, triết lý sống của các bậc Thánh nhân soi rọi vào chốn u minh của những kẻ phàm trần: “...Sáng thứ hai tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, tờ mới có ghi câu danh ngôn của Turenne: “Tôi có ý này muốn tặng bạn: Đó là, mỗi khi bạn muốn nói, bạn hãy làm thinh”. Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ và thấy có lý, hay lắm. Quá hay đi chớ. Lời khuyên răn này rất xác đáng, đã đúc kết một kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người. Và, ngày hôm đó tôi cẩn ngôn hơn. Tôi chỉ thực hành nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi. Còn thực hành nguyên câu dĩ nhiên là không nổi. Xin cảm ơn ông hay bà Turenne (*) người nước ngoài nào tôi không rõ, đã cho tôi một chút của báu giắt lưng phòng thân trên đường đời gian truân...”. Câu chuyện tiếp tục dẫn dắt người đọc qua sáu ngày còn lại trong tuần bằng 6 câu danh ngôn, mỗi một câu là một tấm gương mà người đọc cần soi vào đó để sống tốt hơn với mình, với người và với đời.
Các nhân vật lần lượt hiện ra trong các tản văn gần gũi và thân mật. Trong những cái tưởng chừng như không có gì, tác giả làm thành cái có gì, khi thì những người hàng xóm (Trải chiếu ngắm trăng, Trò chuyện bộ tứ...), lúc là trẻ nhỏ hay học trò cạnh nhà (Đèn lên thơ ấu nô đùa, Mái ấm gia đình...), xa hơn trong ký ức là những người thầy cũ, bạn xưa (Những người thầy đặc biệt, Ký ức chợt về...) và nhiều lúc chính vợ chồng tác giả cũng trở thành vật trong trang viết (Tôi sẽ xé ra như cũ, Tay làm hàm nhai...). Tuy vậy, đọc tạp văn “Tờ lịch gỡ mỗi ngày”, người đọc không thấy nhàm trong bộn bề cuộc sống mà thú vị với những tình tiết và chi tiết đã được chọn lọc khi đưa vào tác phẩm, để những chuyện đời thường bước vào đời văn một cách sinh động, thú vị và đáng nhớ.
Trong “Tay làm hàm nhai”, hãy lắng nghe Ngô Phan Lưu tái hiện công việc độ nhật của mình: “Với tư cách chủ quán, tôi lo phục vụ. Câu chuyện của khách bàn luận tôi không bao giờ sà vào tham luận làm chi. Do thế, tuy ở chỗ đông người mà tôi vẫn cứ ít nói. Về sau tôi mới biết điều này là tốt, vì do một ông khách nói ra. Ông khen tôi: “Anh là chủ quán hay nhất”. Tôi hỏi lại: “Hay cái gì?”. Ông trả lời: “Tuy tuổi cao râu trắng nhưng lại ít nói”. Tôi cười: “Tôi có giỏi giang gì đâu mà dám nói nhiều”. Ông khách cũng cười: “Thế là giỏi hơn cả giỏi giang rồi còn gì nữa. Làm chủ được cái miệng là đệ nhất bản lĩnh rồi còn gì”. Thế nên, tôi biết ít nói là tốt nên càng ít nói hơn. Sẽ đến một ngày nào đó, chắc tôi câm như hến để đạt được mức tốt nhất”. Chuyện này làm tôi nhớ đến câu châm ngôn mà trong thực tiễn rất khó thực hiện đối với hầu hết mọi người: “Con người chỉ cần 2 năm học nói, nhưng cần đến 60 năm học im lặng!”. Nghe thì giản đơn vậy, nhưng yên lặng mới khó làm sao. Hằng ngày không ít tình huống, mấy ai có thể có im lặng nổi? Ngô Phan Lưu... bạc râu mới học được sự im lặng đó trong công việc và trong cuộc sống.
Điều thú vị trong nhiều tản văn còn là sự quan sát cuộc sống xung quanh một cách tường tận để đạt được sự chính xác cao khi mô tả lại sự vật hay hiện tượng, nhờ vậy tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn, như “Những đội hình chim bay”, “Chim trau trảu”. Hoạt động của các loài chim được mô tả đầy tính khoa học, nhưng không phải là một bài khoa học thuần túy, viết khéo. Tác giả thổi vào đó khát vọng sống, sự tự do của loài chim di trú và của con người. Hình ảnh chim trau trảu bắt chuồn chuồn ớt, rồi vờn mồi là thế của kẻ cậy mạnh, quyền uy và sự hung bạo. Có thể xem đây như là một bài học vỡ lòng về luân lý vậy. “Xét cho cùng”, “Thì thầm vào tai những gì”... có thể được xem như là những câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại.
Chuyện trò với tác giả “Tờ lịch gỡ mỗi ngày” thật là thú vị, học hỏi được nhiều điều từ sự từng trải của anh. Hôm đến quán cà-phê “không tên” của anh cùng nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, quán nằm dưới tán cây mận khổng lồ, chính giữa quán là cây mít cỗi treo lủng lẳng quả mít to như cái lu đang buộc dây chờ chín, ở đó anh ưu ái tặng tôi sách mẫu tạp văn “Tờ lịch gỡ mỗi ngày”. Nhờ vậy, tôi có dịp trải lòng cùng anh nhiều hơn qua những trang viết. Xin cảm ơn tác giả về những câu chuyện thú vị đã được đưa từ cuộc đời vào trong trang sách, để từ trong trang sách lại bước ra ngoài cuộc sống một cách tích cực nhất khi người đọc biết soi rọi bản thân mình.
MAI HỮU PHƯỚC
(*) Turenne là thống chế, thiếu tướng Pháp, đã để lại cho đời nhiều câu nói nổi tiếng, chẳng hạn: “Cách cho hơn của cho” (La manière de donner est plus précieuse que le cadeau).