Sau Tết Giáp Ngọ, tôi có sang thủ đô Viên Chăn (Lào) thăm con cháu gần nửa tháng. Vào 6 giờ sáng hằng ngày, tôi vẫn giữ thói quen đi ra công viên (cách nhà con trai tôi chưa đến 1km) để tập thể dục. Một hôm, tôi thấy một ông già đang ngồi trên ghế đá, dáng trầm ngâm, tư lự.
Tôi rất muốn bắt chuyện với ông nhưng sợ ngôn ngữ bất đồng nên hơi chần chừ. Ông già nhìn tôi, nở nụ cười thân thiện. Khi tôi bước chậm rãi ngang qua chỗ ông ngồi, bất ngờ ông hỏi tôi bằng tiếng Việt, phát âm khá chuẩn:
Ông Khăm Bau, người đứng ngoài (hàng đầu), ngay bên trái Đại tướng. Ảnh: M.V.H |
- Bác từ Việt Nam sang phải không?
Tôi đáp:
- Vâng ạ!
- Bác quê ở đâu?
- Dạ, tôi quê Quảng Bình nhưng công tác và nghỉ hưu tại Huế. Thế bác là Việt kiều à?
- Mình là người Lào nhưng được cử sang Hà Nội học Đại học Sư phạm 4 năm, rồi làm tiếp phó tiến sĩ thêm 2 năm nữa cũng ở Hà Nội.
- Thế là chúng ta cùng dân sư phạm với nhau rồi, chỉ khác là tôi học ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, khoa Văn.
- Còn mình thì học khoa Toán nhưng lại bảo vệ luận văn phó tiến sĩ tâm lý.
Tôi bắt tay ông rồi ngồi xuống ghế đá, bên cạnh ông. Chúng tôi chuyện trò như hai người bạn thân thiết từ bao giờ. Qua câu chuyện, tôi biết: học và bảo vệ luận án phó tiến sĩ thành công, về nước, ông chỉ tham gia giảng dạy ở trường đại học một thời gian, sau đó chuyển sang làm trợ lý cho Thứ trưởng Bộ Tài chính Lào. Ông sinh năm 1937 (cũng tuổi Sửu như tôi nhưng hơn tôi đúng một giáp). Tên thường gọi của ông là Khăm Bau, còn tên đầy đủ là Khăm Bau Sa Nguôn Tri Chanh. Ông nói nhà ông ở ngay gần đây và mời tôi quá bộ ghé chơi. Tôi sốt sắng nhận lời. Hóa ra nhà ông ở cách nhà con trai tôi theo đường chim bay chưa đến 500m. Nói là nhà nhưng thực ra là căn hộ tập thể của Bộ Tài chính Lào. Trong nhà mọi thứ được sắp đặt khá ngăn nắp. Điều làm tôi vô cùng xúc động là tấm ảnh ông chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phóng to và treo ở chỗ trang trọng nhất. Tôi tò mò hỏi ông về tấm ảnh vô giá đó. Ông chậm rãi tâm sự:
- Đời mình, sung sướng nhất, hạnh phúc nhất, tự hào nhất là được gặp Đại tướng, nghe Đại tướng nói chuyện và được chụp ảnh đứng bên cạnh Đại tướng. Dịp may hiếm có ấy xảy ra cách đây đã 32 năm, lúc ấy Đại tướng đã 71 còn mình 45 tuổi. Mình tháp tùng Thứ trưởng Bộ Tài chính Lào sang thăm và làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam. Đoàn được bố trí gặp Đại tướng hơn một tiếng đồng hồ tại Nhà khách Chính phủ. Đại tướng động viên: Các đồng chí đã làm việc rất tốt. Kinh tế Lào trong vài năm lại đây đã phát triển đáng kể. Lào và Việt Nam là hai nước anh em, từng gắn bó sinh tử có nhau. Chúng ta tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến lên. Cái gì Lào làm tốt Việt Nam sẽ học tập. Cái gì Việt Nam làm tốt Lào cũng nên học tập. Chúng ta phải học cách làm kinh tế của các nước tiên tiến trên thế giới. Làm sao cho cả hai nước chúng ta dân giàu, nước mạnh… Mình vừa là trợ lý vừa là phiên dịch nên nhớ gần như nguyên văn những lời Đại tướng căn dặn hôm đó. Sau buổi nói chuyện, Đại tướng ân cần mời đoàn mình cùng chụp ảnh lưu niệm. Mình vinh dự được Đại tướng cầm tay kéo đến đứng ngay bên cạnh Đại tướng. Cho đến bây giờ mình không sao quên được cái giây phút trọng đại ấy…
Khi tôi hỏi cảm tưởng của ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông nói một cách thành thật:
- Mình phục lắm! Phục lắm! Không chỉ mình khâm phục mà cả hai nước Việt Nam và Lào đều khâm phục. Không chỉ Việt Nam và Lào khâm phục mà cả thế giới đều khâm phục. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng xuất chúng, là một người tài đức vẹn toàn. Đại tướng mất đi không chỉ tổn thất lớn lao của nhân dân Việt Nam mà cũng là tổn thất lớn lao của nhân dân Lào và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới!
Ông hỏi tôi về đám tang Đại tướng. Ông nói: Nguyện vọng tha thiết nhất cuối đời là nếu còn có sức khỏe thì ông sẽ thu xếp về Việt Nam thăm lại thầy bạn cũ, thăm lại thủ đô Hà Nội, viếng lăng Hồ Chí Minh và lăng mộ Đại tướng…
Tôi cho ông địa chỉ, số điện thoại và hứa với ông:
- Nếu có dịp nào đó bác đến Huế, mời bác ghé nhà tôi chơi. Tôi sẽ “tháp tùng” bác ra thăm Vũng Chùa-Đảo Yến - nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng.
MAI VĂN HOAN