1. Trong các địa danh lịch sử nổi tiếng xưa nay ở nước ta, Bạch Đằng giang/Sông Bạch Đằng - hay nói gọn là Đằng giang/Sông Đằng hoặc Bạch Đằng - có khả năng tạo ấn tượng sâu sắc hơn cả.
Bạch Đằng là địa danh ít nhất ba lần đi vào lịch sử chống ngoại xâm của người Việt: lần thứ nhất là trận thủy chiến Bạch Đằng năm 938 gắn liền với chiến công của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán; lần thứ hai là trận thủy chiến Bạch Đằng năm 981 gắn liền với chiến công của Lê Hoàn đánh tan quân Tống và lần thứ ba là trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 gắn liền với chiến công của Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên. Những năm gần đây, người Hải Phòng có sáng kiến đưa ba chiến thắng Bạch Đằng này vào chung một bình diện không gian: xây dựng bên bờ sông Bạch Đằng - thuộc địa phận làng Tràng Kênh huyện Thủy Nguyên - khu lưu niệm gồm ba đền thờ rất hoành tráng uy nghi nhằm giúp hậu thế đồng thời tưởng nhớ ba người anh hùng từng lập chiến công trên cùng một dòng sông lịch sử: Ngô Quyền, Lê Hoàn và Trần Quốc Tuấn.
2. Điểm nhấn của cả ba chiến thắng Bạch Đằng chính là trận địa cọc trên dòng sông. Phải nói đây là chỗ ngời sáng nhất trong tư duy quân sự của danh tướng Ngô Quyền. Trận địa cọc như Ngô Quyền hình dung không chỉ là những cọc gỗ lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng xuống lòng sông mà còn là và chủ yếu là nghệ thuật phối hợp với chế độ thủy triều lên xuống hầu có thể thu hút tàu giặc vào bãi cọc lúc nước triều dâng lên để rồi tổ chức phục kích phản công lúc nước triều rút xuống. Và thực tế Ngô Quyền đã chỉ huy trận thủy chiến Bạch Đằng năm 938 đúng như kịch bản, giành thắng lợi ngay từ trận đầu.
Nửa thế kỷ sau, trong trận thủy chiến Bạch Đằng năm 981, Lê Hoàn cũng có kế hoạch vận dụng ý tưởng hình thành trận địa cọc của tiền nhân, nhưng do sự phối hợp với chế độ thủy triều lên xuống không đạt yêu cầu, tàu giặc qua lại chủ yếu vào lúc nước triều dâng lên, dẫn đến trận địa cọc này sớm bị vô hiệu hóa - tất nhiên nhìn toàn cục cả trận thủy chiến thì Đại Cồ Việt vẫn thắng lớn. Và ba trăm năm sau, cả ba lần tổ chức cuộc kháng chiến của nhà Trần và nước Đại Việt chống quân Mông Nguyên, Trần Quốc Tuấn đều học tập người xưa để triển khai trận địa cọc trên sông Bạch Đằng, nhưng duy chỉ có lần thứ ba - ở trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 mang tính chất quyết chiến chiến lược - trận địa cọc mới phát huy được tác dụng và giúp nhà Trần nhanh chóng tiêu diệt các đạo quân xâm lược để giành chiến thắng như mong đợi.
3. Trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 có một điểm khác so với trận thủy chiến Bạch Đằng năm 938: Năm 938, tàu giặc từ phía cửa biển tiến vào bãi cọc của Ngô Quyền; còn năm 1288, tàu giặc tiến vào bãi cọc của Trần Quốc Tuấn trên đường rút quân từ nội địa ra hướng cửa biển. Nhưng dẫu khác nhau đến mấy thì cả Lưu Hoằng Tháo thời Nam Hán lẫn Ô Mã Nhi thời Nguyên đều không thể tránh khỏi cái bẫy đầy mưu trí của người Việt và cả hai đạo quân xâm lược đến từ phương Bắc đều phải cam chịu thất bại, đều buộc phải từ bỏ âm mưu bành trướng bá quyền.
Cho nên bình luận về chiến công của Ngô Quyền, sử gia Ngô Sĩ Liên từng viết trong Đại Việt Sử ký Toàn thư rằng: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy”. Còn đánh giá chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, vua Trần Minh Tông đã bất tử hóa chiến công này qua những vần thơ hào sảng trong bài Bạch Đằng giang: “Sơn hà kim cổ song khai nhãn - Hồ Việt doanh thâu nhất ỷ lan - Giang thủy đình hàm tà nhật ảnh - Thác nghi chiến huyết vị tằng can” (dịch nghĩa: Non sông này xưa nay đã hai lần mở mắt - Cuộc hơn thua giữa Hồ và Việt thoáng qua như một lúc dựa vào lan can - Nước sông chan chứa rọi bóng mặt trời cuối ngày đỏ ối - Còn ngỡ là máu chiến trường thuở trước chưa từng khô).
4. Trong Việt sử tiêu án, sử gia Ngô Thời Sĩ từng khẳng định: “Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”. Ở đây Ngô Thời Sĩ đang nói về chiến thắng Bạch Đằng năm 938, nhưng cũng sẽ hoàn toàn phù hợp nếu nhận xét giống như thế đối với chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Và bởi không chỉ lừng lẫy lúc đương thời cho nên hào khí Bạch Đằng vẫn còn tiếp tục vang vọng đến thời hiện đại.
Còn nhớ hồi đầu thế kỷ 20, cụ Trần Quý Cáp - một trong những lãnh tụ của Phong trào Duy tân đất Quảng - vốn chủ trương đấu tranh bất bạo động nhưng do quá ngưỡng mộ chiến thắng Bạch Đằng 1288 nên đã không kìm được nguồn thi hứng trào dâng để viết lên những dòng thơ lửa cháy trong bài Đà Nẵng cảm hoài: “An năng tái khởi Trần Hưng Đạo - Cọng vãn Đằng giang vĩ đại công” (Lam Giang dịch: Làm sao gọi Đức Trần Hưng Đạo - Diễn lại Đằng giang trận khác thường), những mong một trận thủy chiến Bạch Đằng lừng lẫy năm xưa sẽ được tái diễn ngay trên sóng nước sông Hàn đang còn bị quân thù chiếm đóng.
Không biết hồi ấy Trần Quý Cáp đứng ở đâu để tìm thi hứng cho bài thơ Đà Nẵng cảm hoài này? Phải chăng cụ Trần đã đứng thật lâu trên đường Quai Courbet chạy dọc bờ tây sông Hàn - con đường mà từ năm 1955 đến nay mang tên Bạch Đằng? Xin nói thêm: do đây là con đường ven sông mà lại mang tên một dòng sông quá ư thân thiết trong tâm tưởng, nên với không ít người Đà Nẵng, sông Hàn nhiều khi được gọi là sông… Bạch Đằng!
5. Trong hồi ức hôm nay về chiến thắng Bạch Đằng, không thể không nhắc đến một người Việt đã bỏ mình vì niềm kiêu hãnh đối với Bạch Đằng giang. Đó là trường hợp của Đình nguyên Thám hoa Giang Văn Minh được cử đi sứ sang Trung Quốc vào đời nhà Minh. Trước đông đảo triều thần nhà Minh và sứ thần các nước, Hoàng đế Minh Tư Tông Chu Do Kiểm đã ra một vế đối đầy thách thức: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục - Cột đồng đến nay đã rêu xanh, hàm ý nhắc lại sự kiện Mã Viện đưa quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cùng với lời nguyền: Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt - Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong.
Và Sứ thần Đại Việt Giang Văn Minh đã đối lại rất chỉnh: Đằng giang tự cổ huyết do hồng - Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ, và không những chữ nghĩa chỉnh chuẩn mà ý tứ cũng đầy khí phách khi lên tiếng cảnh tỉnh Hoàng đế Minh triều đừng quên nỗi nhục khôn rửa nổi (mượn ý Trương Hán Siêu trong Bạch Đằng giang phú: Đến nay sông nước tuy chảy hoài - Mà nhục quân thù khôn rửa nổi) qua ba lần chiến bại trên sông Bạch Đằng lịch sử. Đương nhiên Giang Văn Minh đã phải trả giá: ngày mồng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão 1639, Minh Tư Tông hạ lệnh trám đường vào miệng và mắt ông rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”.
Khi thi hài Giang Văn Minh được đưa từ Yên Kinh/Bắc Kinh về đến Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đã đến viếng và ban tặng ông bức trướng có dòng chữ: Sứ bất nhục thiên mệnh khả vi thiên cổ anh hùng - Sứ thần không làm nhục mệnh vua xứng đáng là anh hùng thiên cổ…
BÙI VĂN TIẾNG