.
Kiến trúc đời sống

Hóa giải "góc chết" trong nhà

.

Trong không gian sống luôn có cả vùng âm và dương. Trong nhà ở, vùng âm là những nơi cố định, không bị đi xuyên qua hoặc chỉ nhìn thấy mà ít sử dụng. Còn vùng dương tồn tại ở những khu vực hoạt động thường xuyên như cổng, cửa ra vào, cửa sổ, chỗ trống có thể đi qua, cầu thang, hành lang, phía ngoài vật dụng...

Khi mặt bằng của nhà đất không được vuông, các góc nhọn sẽ thành chỗ khó sử dụng, bụi bặm, ẩm thấp hay dồn vào đó. Các góc nhọn nếu lồi ra hay chĩa vào không gian sinh hoạt sẽ cản trở đi lại, gây va chạm và tạo cảm giác khó chịu trong tâm lý người ở. Phong thủy đặc biệt kỵ những góc chết tồn tại trong phòng trẻ em, người già như các phòng ngủ. Cách khắc phục là làm tủ trang trí lấp vào góc kẹt, hoặc đặt cây xanh, đồ vật chắn ở đỉnh nhọn, tách biệt với phạm vi thường sử dụng.

Cần lưu ý, những cánh cửa mở không hết cũng tạo ra những mũi nhọn và “góc chết” trong ngôi nhà. Do đó, khi thiết kế xây dựng cần chú ý xem cửa phòng mở ra hoặc vào có ép sát tường được không. Đối với hai cửa đi nằm gần nhau, phải chú ý khoảng mở đồng thời tránh bố trí đồ vật sát cửa sẽ gây vướng víu trong sử dụng.

Nhìn trong mặt cắt nhà ở thì cầu thang và mái dốc là những chỗ hay tạo ra “góc chết”. Gầm cầu thang vì tối và thấp, có thể làm phòng vệ sinh nhỏ, kho chứa đồ, chỗ để xe hay thậm chí là để trống. Tránh đặt giường ngủ hoặc chỗ làm việc dưới cầu thang vì luồng di chuyển bên trên sẽ gây tiếng động và bụi bặm, xáo trộn trường khí, nhất là đối với các kiểu thang hở bậc hay dạng “xương cá”.

Khi nhà làm mái dốc nghiêng, đóng trần là cách hữu hiệu nhất để tránh “góc chết” trên cao, vốn thường là nơi bám bụi và không sử dụng. Nếu có bố trí phòng tại gian áp mái thì khoảng xiên sát tường nên đặt tủ đồ, còn giường ngủ hoặc bàn làm việc nên đặt ở khoảng trần cao và tránh dầm xà phía trên. Cách đóng trần cong, giật cấp hoặc uốn khúc cũng là thủ pháp chuyển tiếp không gian hữu hiệu, giấu đi các khiếm khuyết do mái nghiêng tạo ra.

H.L (st)

;
.
.
.
.
.