Nếu còn sống đến hôm nay, thầy vừa trọn trăm tuổi. Nhưng thầy đã ra đi ở tuổi 80. Tuy thế, trong tâm trí chúng tôi, con người cụ thể ấy luôn hiện về mỗi khi nghĩ chung về hình ảnh người thầy, về nghề thầy.
Không gia đình-tiểu thuyết 2 tập của Héc-to Ma-lô; dịch giả Huỳnh Lý, NXB Kim Đồng-1986. (Ảnh: Internet) |
Thầy Huỳnh Lý sinh năm 1914 tại Hội An, xứ Quảng. Tôi nhớ có lần GS Mai Quốc Liên – cũng là một người Quảng - tự hào mà nói rằng: Cái truyền thống “học giỏi” và cả “dạy giỏi” là cái nằm trong bản chất sinh thành của người xứ Quảng. Chẳng biết như vậy là có nói quá đi không, nhưng những người thuộc thế-hệ-Quảng của thầy Huỳnh Lý thì nghiệm ra đúng thế.
Tôi bắt đầu được gần gũi với thầy từ khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa Văn và được phân về tổ bộ môn Văn học Việt Nam do thầy phụ trách. Ngoài tình thầy trò, còn có tình đồng hương. Gia đình cha mẹ tôi và gia đình thầy còn là chỗ thân quen từ hồi kháng chiến Chín Năm. Vì vậy, tuy là học trò, là cán bộ dưới quyền của một thầy giáo lão luyện, nhưng tôi vẫn quen xưng hô là bác – cháu. Trong bài viết nhỏ này, tôi muốn gọi thầy là bác Lý.
Vừa chập chững bước vào nghề sư phạm, chúng tôi may mắn được tiếp xúc và trực tiếp thụ giáo những người mà chúng tôi hằng ngưỡng mộ, đặc biệt là các dịch giả của nhóm Lê Quý Đôn gồm nhà thơ Vũ Đình Liên, thầy Đỗ Đức Hiểu, thầy Lê Trí Viễn và thầy Huỳnh Lý.
Hồi ấy, hầu hết các thầy đều có vẻ bề ngoài khắc khổ, vậy mà tâm hồn họ đã tạo nên những áng văn chương làm mê lòng đến thế! Quyển giáo trình đầu tiên mà chúng tôi tham khảo để sử dụng, cuốn “Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam” là do nhóm Lê Quý Đôn biên soạn, có sự tham gia của thầy Trương Chính và các cụ Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách... Rồi những tác phẩm bất hủ như “Những người khốn khổ” của Vichto Huygô do 4 dịch giả trong nhóm dịch, riêng bác Huỳnh Lý dịch cuốn “Không gia đình” của Héc-to Ma-lô, cùng với các tác phẩm “Ơgiêni Gơrăngđê” của Ban-dắc, “Tu viện thành Pacmơ” của Stăng-đan do bác dịch hoặc cộng tác dịch.
Đặc biệt, bác được tin cậy giao nhiệm vụ dịch một văn kiện rất khó, đó là “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Về sau này, trên đường học hỏi và nghiên cứu của mình, chúng tôi càng thấy rõ thêm trí tuệ uyên thâm của bác với hàng trăm công trình nghiên cứu, đáng chú ý như “Mấy bài sử ca trong giai đoạn chống xâm lăng”, “Chèo và Tuồng”, “Hợp tuyển thơ văn thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX”, “Thơ văn Phan Châu Trinh”, “Văn Hồ Chủ tịch” v.v...
Trong tổ chuyên môn hồi ấy, tôi là người trẻ nhất nên thường nhận nhiệm vụ đến chở bác đi họp, trên cái xe đạp của cha tôi để lại trước khi đi chiến trường B. Ngồi sau xe, bác cứ chậm rãi khuyên nhủ tôi mọi thứ, cả những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống, như một người cha dặn con. Có một thời gian tôi làm thư ký Hội đồng khoa học Khoa Văn, thường phải đến nhà các thầy trong khoa để xin ý kiến về những nội dung liên quan đến kế hoạch nghiên cứu của Khoa.
Tôi có cảm giác hình như nhà thầy giáo nào cũng giống nhau. Sâu trong ngõ, yên tĩnh, và hơi tối. Tối, một phần do các giá sách che khuất ánh sáng. Tôi đã đến nhà thầy Bùi Văn Nguyên, thầy Trương Chính, thầy Đỗ Đức Hiểu, thầy Triêu Dương (Nguyễn Cần Mẫn)... tất cả đều cho tôi cảm giác như vậy. Căn gác bác Lý ở trong ngõ sâu của nhà số 50 Thi Sách. Muốn lên phòng ở của gia đình bác phải đi qua một ngõ hẹp, len lỏi qua một cái cầu thang gỗ ọp ẹp.
Thật khó phân biệt có người ở nhà hay chủ nhân đi vắng. Bởi vì không khí rất tĩnh lặng. Bác gặp khách ít khi tỏ vẻ vồ vập, nhưng thường nở một nụ cười rất trẻ và hiền từ, mời khách ngồi rồi lúi húi pha nước trong một cái ấm độc ẩm, gốm bát tràng đã lâu đời, nâu bóng, đầy những “cao trà”. Cái ấm chỉ đủ cho hai chén hạt mít. Bác vừa rót nước vừa vào chuyện một cách chậm rãi; một phần do thói quen, phần nữa, do bệnh hen suyễn.
Mùa lạnh, bác phải dùng một tuýp thuốc tự bơm vào mũi. Có lần tôi đến đúng lúc bác đang tập trung dịch lại cuốn ngụ ngôn La Phông-ten, nhà xuất bản đang giục ghê quá vì đã đến hạn phải đưa in. Tôi áy náy vì đã làm phiền bác. Nhưng ông cụ không những không khó chịu hoặc tiếp tôi một cách miễn cưỡng, mà trái lại, say sưa đọc tôi nghe những đoạn vừa dịch xong, có khi ông đọc cả những đoạn không ưng ý, đang tìm cách chuyển nghĩa cho đạt hơn. Những câu chuyện triền miên như vậy khiến tôi áy náy, muốn đứng lên cáo từ nhưng bác lại đang say sưa cao hứng và muốn tôi nán lại ngồi nghe, cho đến khi bác gái đi dạy về, tôi mới xin phép cáo lui.
Phương pháp giảng dạy của bác Lý rất thích hợp với sinh viên thích đào sâu nghiên cứu, không bị lệ thuộc vào giáo trình. Có khi cả một buổi giảng, bác chỉ đi sâu một vài mục chính. Nhưng trong phần mở rộng nội dung, sinh viên có thể thâu nhận được rất nhiều kiến thức bổ trợ cho toàn bộ bài giảng. Bác rất coi trọng việc gợi mở, phát huy tính độc lập và sáng tạo cho sinh viên chứ không áp đặt những khuôn mẫu cứng nhắc.
Cách tư duy vừa nghiêm ngặt của nhà nghiên cứu vừa phóng túng của một nghệ sĩ ngôn từ hình như đã trở thành một phong cách làm việc của bác. Kể cả trong dịch thuật. Đến bây giờ tôi vẫn cất như một thứ của quý, cuốn “Không gia đình” bản in lần đầu do bác ký tặng. Giấy đã úa vàng, bìa rách, gáy long nhưng như thể có một thứ hơi văn phả ra từ những trang sách của một thời không lấy lại được. Thật thích thú vì không hiểu sao khi dịch, bác Lý chọn đại từ “Má” (Má Bacbơranh) thay cho từ “Mẹ” vốn rất quen dùng. Đọc lên sao tôi thấy ấm áp lạ thường, rất hợp với tâm trạng một đứa trẻ xa quê hương như hoàn cảnh tôi lúc ấy.
Cuốn tiểu thuyết vốn đã hay từ nguyên tác, lại càng hấp dẫn lôi cuốn người đọc nhờ cả cách dịch. Với áng văn chính luận Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, ngoài cái chắc chắn, đanh thép trong lập luận, hình như người dịch cũng đồng điệu với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về lối châm biếm sâu cay theo kiểu phương Đông kết hợp nhuần nhuyễn với chất “uy-mua” của phương Tây trong nội dung lên án chủ nghĩa thực dân thể hiện qua các trang dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.
Một đôi lần, bác Lý kể với tôi về anh Huỳnh Phan Lê, người con trai cả của bác bị địch phục kích và hy sinh tại chiến trường Quảng Nam. Giọng kể của bác rất bình thản, nhưng tôi hiểu đằng sau đó là một nỗi đau buồn sâu sắc về người con trai cả tài hoa, niềm hy vọng của Bác, sớm hy sinh khi vừa mới bước vào cuộc chiến đấu ác liệt. Bác đọc cho tôi nghe những bức thư hiếm hoi anh Lê gửi về. Sau này tôi được biết anh còn làm thơ nữa. Thật tiếc thương cho anh Lê và thông cảm với hai bác và gia đình.
Bác chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống khi tôi đang ở bộ đội.
Cho đến khi bác mất, tôi chỉ kịp một lần ghé thăm gia đình bác ở thành phố Hồ Chí Minh, được hai bác đãi cho một bữa mì Quảng. Với con người này, tôi nghĩ mình luôn có lỗi. Dịp bác được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, đám học trò cũ chúng tôi thật vinh dự tự hào nhưng bận công tác không vào được. Ngày bác mất (21-5-1993) cũng không có điều kiện vô chịu tang.
Nhưng điều khiến tôi day dứt và cảm động là trong bản tự thuật viết tháng 3-1993, chỉ 2 tháng trước khi qua đời, khi nói về quá trình đào tạo của mình, ông chỉ nêu tên 4 người học trò mà ông nhớ nhất, trong đó bác có nhắc tên tôi. Tôi càng thấy mình chưa thật cố gắng để xứng đáng với niềm tin và sự ưu ái của bác dành cho mình.
Tôi thầm nghĩ không thể nào không viết về bác Lý - thầy Huỳnh Lý của tôi, nhất là những dịp kỷ niệm ngày nhà giáo, tôn vinh nghề thầy. Mặc dù chỉ đôi dòng nông nhạt, không xứng với tâm hồn đậm đà sâu sắc của bác, nhưng dù sao, nói được ra, cũng là đã thỏa lòng.
Tháng 11-2014
BÙI CÔNG MINH