“Giặc” lửa chưa bao giờ dễ đoán hay dễ khống chế. Công việc của lực lượng cứu hỏa vì thế luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ.
Thách thức xuất phát từ lửa đã đành, dấn thân vào nghề chữa cháy, các chiến sĩ còn đối mặt với không ít khó khăn bắt nguồn từ những người... đi xem đám cháy, những người thích đùa và biết bao áp lực không phải từ lửa.
1. Đưa chúng tôi xem những tấm hình “ấn tượng” trong vụ chữa cháy một ngôi nhà trên đường Ngô Quyền vào đợt Tết vừa qua, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) cười như mếu: Người đi xem cháy đông như hội. Nhiều lúc mình diễn tập rất trơn tru vì có lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông... chủ động đứng ra giữ gìn trật tự, bảo đảm khu vực có cháy được thông thoáng để tác nghiệp. Nhưng thực tế thường khắc nghiệt hơn nhiều. Vừa có cháy, người dân vây kín như thế này, xe chữa cháy, xe cứu thương tiếp cận rất khó.
Thật tình, mới thoáng nhìn tấm hình (như vừa kể trên), nhiều người có thể nhầm tưởng đó là bức ảnh chụp toàn cảnh một sân vận động với lượng khán giả sôi nổi chật kín khán đài. Kẻ đứng, người leo lên xe, kẻ bu bám trên cây, tường nhà, bờ rào, giẫm đạp bãi cỏ, cốt sao xem càng rõ càng tốt. Tất cả làm đường Ngô Quyền rộng lớn thường ngày biến thành... biển người trước biển lửa.
Được trở thành những “diễn viên hành động” trước mắt hàng trăm ngàn cặp mắt tò mò như vậy không phải là tình huống hy hữu mà lực lượng chữa cháy từng trải qua. Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC tâm sự, có đám cháy nào mà người hiếu kỳ bỏ lơ đâu. Nhiều người thậm chí nghĩ chiêu đối phó với lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ để mọi cách tiếp cận được hiện trường, bất kể việc đứng gần có thể vô tình gây nguy hại cho chính tính mạng của họ.
2. Gọi vào đường dây 114 báo cháy giả giờ đây không còn phổ biến như những năm về trước. Tuy nhiên, chuyện những người “thích đùa” gọi chỉ để... nháy máy vẫn diễn ra đều đều. “Chuyện giỡn nhưng làm người trực tổng đài rất căng thẳng”, một chiến sĩ chia sẻ. Không thể không nhấc máy vì biết đâu phía bên kia đầu dây là một cuộc gọi khẩn cấp thực sự, nhưng cứ nhấc máy để rồi biết mình bị lừa là cảm giác không hề dễ chịu với bất kể ai ngồi vào vị trí trực đường dây cứu hỏa. Ngoài vài đứa trẻ tinh nghịch gọi 114 cho vui, nhiều người chẳng phải trẻ con, họ đủ lớn để biết đường dây này quan trọng đến nhường nào, vậy mà tầm 1, 2 giờ sáng, họ lại gọi, đợi đổ chuông rồi cúp máy!
3. Trung tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng có lần tâm sự: Người chiến sĩ cứu hỏa cũng giống như bác sĩ cứu người. Đến hiện trường, việc đầu tiên ngay lập tức cảnh sát chữa cháy ra tay không phải là cắm đầu cắm cổ vào phun nước tới tấp, mà phải chẩn đoán “bệnh”.
Thông qua quan sát ánh lửa, tiếng nổ, hiện trường và nắm thông tin từ người chứng kiến và người liên quan... từ đó chiến sĩ PCCC xác định còn nguồn điện hay không, gốc lửa nằm ở đâu và dự đoán nguyên nhân gây cháy để có cách dập lửa đúng và hiệu quả. Trong đám cháy, 70% là vùng khói. Nếu phun nước vào đây thì có bao nhiêu khối nước cũng không dập được. Cái chính là phải tìm được gốc lửa; đồng thời quyết định chọn nước, bột hay khí phù hợp dập tắt đám cháy.
Chữa cháy không chỉ là khống chế được ngọn lửa, mà còn là quá trình cố cứu giữ con người, cơ sở vật chất trong đám cháy đó. Tuy nhiên, đôi khi nhiều người đứng xung quanh lại thúc ép với những lời lẽ thiếu tôn trọng đối với Cảnh sát PCCC như: “Sợ chết hay răng mà không nhào vô cho rồi”, “đưa cho vài đồng để dập lửa”, “nước đó răng không phun đi”…
Nguyên nhân của những sự “góp ý” này xuất phát từ chỗ một số người dân chưa hiểu đúng về cách chữa cháy. Nhưng để “bồi dưỡng kiến thức”, nhằm giúp thêm nhiều người hiểu biết cơ bản về PCCC cũng chẳng phải dễ dàng. Qua vài năm làm công tác tuyên truyền PCCC, một chiến sĩ trẻ đúc kết: Nhiều lúc buồn lắm, mình nói trên này, người ngồi bên dưới lại toàn làm việc riêng vì nghĩ cháy chưa tới thì chưa lo, có cháy thì có Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp…
BẢO KHANG