Vừa trở về từ nước Pháp, bạn Trần Lê Vi (25 tuổi, quận Hải Châu), cựu sinh viên chuyên ngành du lịch, ĐH Sorbonne Nouvelle-Paris 3 gửi đến Chào bạn trẻ bài viết về tình cảm thân thiết mà một số gia đình ở nước Pháp đã dành cho Vi suốt gần 7 năm du học, như một lời tri ân gửi cho những người bạn Pháp thân thiện, mến khách.
Lê Vi với ông bà Daniel ngày mới đến nước Pháp. Ảnh: L.V |
Tôi may mắn tìm được một gia đình
Sau mười hai năm học song ngữ ở Đà Nẵng, tôi đã thành công trong việc thuyết phục bố mẹ cho mình được đi du học ở Pháp. Từ việc chọn trường, tự làm hồ sơ mà không qua công ty tư vấn, mọi việc đều thuận lợi. Chỉ có một điều bố mẹ tôi khá lo lắng, đó là tôi qua Pháp một mình mà không có bạn bè và cũng không có ai quen ở thành phố nơi tôi sắp đến học tập.
May mắn thay, tôi được gặp ông Bertrand, người đã dạy tiếng Pháp cho tôi trước khi chúng tôi đi du học; ông là chồng của cô Thúy Loan, một trong những cô giáo dạy tiếng Pháp của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng (cô đã mất cách đây 2 năm). Thầy Bertrand đã liên lạc với một vài người đồng nghiệp cũ khi thầy còn làm việc ở Pháp để nhờ giúp đỡ tôi trong những ngày đầu đến Pháp. Và Daniel, “thiên thần hộ mệnh” của tôi sau này, đã đồng ý giúp đỡ.
Sau mười hai giờ bay cộng ba tiếng tàu lửa siêu tốc, tôi đặt chân đến thành phố Nantes vào một ngày trời khá u ám. Tâm trạng đang buồn vì xa gia đình, cũng như lo sợ, bỡ ngỡ ở vùng đất mới đã được xóa hết khi tôi thấy nụ cười nồng ấm, thân thiện của Daniel.
Ông chạy đến ôm hôn và hỏi han tôi như cô con gái nhỏ của ông mới đi xa lâu ngày trở về, dù đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Kể từ phút giây ấy tôi cảm giác ấm lòng như mình là một người thân của ông vậy. Stéphanie - vợ ông, là một người rất hồn hậu, bà giới thiệu tôi với bố mẹ và chị của bà. Từ ngày ấy, gia đình Daniel trở thành gia đình thứ hai của tôi.
Nhà Daniel cách thành phố nơi tôi học hơn 30 phút lái xe. Những ngày đầu đến Nantes, Daniel chở tôi đi làm tất cả các thủ tục nhập học, đi tìm nhà cho tôi. Sợ tôi không hiểu rõ về những giấy tờ hành chính phức tạp ở Pháp, Daniel luôn đi bên cạnh và giải thích cho tôi từng chút một. Stéphanie thì tỉ mỉ giới thiệu cho tôi về cuộc sống ở đây cũng như những phong tục truyền thống trong gia đình Pháp.
Kỷ niệm khó quên nhất là sinh nhật đầu tiên của tôi trên mảnh đất hình lục lăng. Gia đình Daniel tổ chức cho tôi một bữa tiệc rất lớn với đầy đủ mọi người trong nhà. Món bánh xèo Đà Nẵng được tôi trổ tài trong bữa ăn hôm ấy đã ghi điểm trong lòng các bạn Pháp về ẩm thực của Việt Nam.
Từ lúc đầu chỉ có ý định ở lại vài ngày, gia đình Daniel đã giữ tôi ở lại gần 3 tháng. Sau đấy, dù đã thuê nhà ở gần trường cho tiện việc đi học, cứ đến cuối tuần, giống như những người Pháp trong lớp, tôi cũng khăn gói về nhà Daniel để được tận hưởng không khí gia đình cùng với ông bà và 2 chú mèo Isis, Queribus dễ thương.
Nhờ Thérèse, chị của Stéphanie, tôi có cơ hội được là sinh viên châu Á đầu tiên đi thực tập ở Phòng Tài chính của Sở Xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân Vùng Loire – Atlantique. Mặc dù mới chỉ là sinh viên năm 2 của Trường ĐH Kinh tế Nantes, tôi được tham gia vào việc thiết lập bảng ngân sách của sở năm tới. Gia đình nhà Daniel đã giúp cho tôi một công việc thực tập mà một sinh viên nước ngoài khó có thể mơ tưởng đến. Tôi được mở mang kiến thức rất nhiều sau chuyến thực tập này.
Tôi chỉ ở Nantes 3 năm và chuyển hai lần đến các thành phố khác là Lille và Paris để tiếp tục việc học nhưng cứ đến dịp sinh nhật và Noel, tôi lại đón tàu trở về Nantes, nơi gia đình Daniel luôn rộng mở để đón chào đứa con ở xa. Những món quà nhỏ tôi được tặng sau gần 7 năm ở Pháp chèn kín một va-li. Các cuốn sách lý thú, chiếc ly xinh xinh, chiếc đĩa sứ in hình nước Pháp mà họ lùng mua với tất cả tâm tình luôn ở bên tôi để nhớ mãi thành phố Nantes thương mến.
Ông bà nuôi và tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam
Patrick và Elisabeth Pasquier là hai thành viên đặc biệt của Hội Việt kiều vùng Loire-Atlantique (AVLA). Không có bất kỳ dòng máu Việt nào trong người nhưng hai ông bà lại có một tình yêu đặc biệt với Việt Nam. Ông bà nhận tôi làm cháu nuôi và tôi thấy họ gần gũi như nội ngoại của mình vậy.
Ông bà thường tổ chức những buổi gặp mặt, ăn uống, giới thiệu về văn hóa Pháp và mời các anh chị em Việt Nam đến nhà tham gia. Chính những giây phút quây quần ấy giúp các lưu học sinh Việt hiểu thêm về cuộc sống gia đình Pháp cũng như được sống trong tình yêu thương không biên giới của ông bà.
Đối với tôi, Papi và Mamie (cách gọi thân thiết của tôi với ông bà nuôi) vừa là ông bà vừa là bố mẹ. Cuộc sống của tôi được Papi và Mamie lo lắng tỉ mỉ, chu đáo. Thấy ngôi nhà mới thuê còn trống, Papi chở đến nhiều đồ dùng cần thiết, đặc biệt là các vật dụng trong phòng bếp. Những lúc ốm đau, Mamie lái xe chở tôi đến bác sĩ để khám hay Papi đôi khi phải thức khuya để chỉnh sửa giúp tôi những bài khóa luận quan trọng.
Ông bà nuôi của tôi tham gia nhiều chương trình từ thiện giúp trẻ em nghèo hiếu học ở Việt Nam như quyên góp tiền xây dựng trường học, mua trâu bò cho nông dân nghèo. Tôi luôn cảm thấy may mắn khi được làm cháu nuôi của ông bà và thật khâm phục tấm lòng bao la của ông bà đối với trẻ em Việt Nam.
Cách đây 4 năm, nhân một lần đến Việt Nam du lịch, ông bà đến thăm gia đình tôi ở Đà Nẵng. Ông bà rất thích thành phố Đà Nẵng bởi sự yên bình, thân thiện. Ấn tượng về sự nồng hậu của mẹ tôi, của những người dân Đà Nẵng, về bãi biển Mỹ Khê cát trắng tinh, những cây cầu trên sông Hàn đẹp không kém gì trên sông Seine, luôn được ông bà nhắc đến trong những câu chuyện kể với người thân của họ.
Nước Pháp còn có những người bạn cùng lớp rất mến khách luôn đón tôi đến nhà chơi, ăn bữa cơm gia đình; là các thầy cô giáo tận tình giúp các lưu học sinh hội nhập; là các chủ quán nơi chúng tôi làm thêm vui tính và tài hoa. Dù có ở xa gần nửa vòng trái đất, song kỷ niệm về những gia đình Pháp luôn in đậm trong tâm trí tôi. Tôi nhớ ơn họ biết bao và cầu chúc họ luôn mạnh khỏe để một ngày nào đó được đón họ tại thành phố “Tourane” của tôi.
LÊ VI