Trong xu thế đô thị hóa, trẻ em lẫn người lớn ngày nay càng phải “chắt chiu” cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên, với từng khoảng xanh be bé giữa lòng phố thị.
Nhiều ông bố, bà mẹ trẻ ngày nay luôn cố gắng để con trẻ được khám phá cuộc sống xung quanh, đặc biệt là những không gian xanh tại Công viên 29-3 ngày cuối tuần. Ảnh: T.T |
Trẻ cần không gian xanh
Chị Nguyễn Kim Anh (trú đường Hàn Mặc Tử, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho biết, từ khi công viên phường được cải tạo, nâng cấp đến nay (tháng 6-2015), trừ những ngày mưa gió, còn lại, ngày nào, chị cũng cho hai con ra đây vui chơi.
“Công viên này tuy nhỏ nhưng được cái gần nhà, lại thoáng mát sạch sẽ, có bóng mát cây xanh, có các thiết bị vui chơi an toàn nên ngày nào sau giờ học, tôi cũng cho hai bé ra thư giãn, vận động. Những hôm được vui chơi thỏa thích, về nhà, các bé vui vẻ hẳn, ăn ngon miệng và ngủ đẫy giấc hơn”, chị Kim Anh bộc bạch.
Đến Công viên Biển Đông, hay Công viên 29-3 những ngày cuối tuần, có thể nhận thấy, những nơi này thực sự là “thiên đường” của các bạn nhỏ hiếu động. Ở đây, các bé tha hồ chạy nhảy tung tăng dưới những tán cây xanh, nô đùa thích thú trên những thảm cỏ, khám phá vẻ đẹp những bông hoa đầy màu sắc, đùa nghịch cùng chim bồ câu, cát, sóng biển… Các ông bố, bà mẹ như được trở về thời thơ bé khi hòa nhịp, dõi theo những bước chân, ánh mắt rực rỡ niềm vui, nụ cười trong trẻo của con trẻ.
Vợ chồng anh Bùi Xuân Thắng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), dù công việc rất bận rộn, nhưng thứ 7 nào cũng giành ít nhất một buổi cho con đi chơi công viên. Thậm chí, cứ 2 – 3 tuần, vợ chồng anh Thắng lại “chịu khó” dành hẳn 1 - 2 ngày chở các con về quê Đại Lộc, để cả nhà được hít thở bầu không khí trong lành, thoáng đãng, để các bé biết thế nào là đồng ruộng, vườn tược, cây cỏ, thế nào là con gà, con vịt, chó, mèo… Theo anh Thắng, đây là quãng thời gian cần thiết để các bé nhà anh có cơ hội tìm hiểu, khám phá cuộc sống xung quanh mình, những điều sách vở không kịp nói hết.
Theo chia sẻ của nhiều đôi vợ chồng, việc đưa con đi công viên hay về quê dịp cuối tuần, các ngày nghỉ, ngoài mục đích thư giãn, tìm kiếm không gian riêng cho gia đình, họ mong muốn giúp con mình gần gũi hơn với thiên nhiên, cây cỏ, “những mảng xanh” - thứ mà họ nghĩ, các con đang ngày một “thiệt thòi”, thiếu thốn, trong điều kiện ngày nay.
Ngoại ô: thiếu công viên xanh?
Công viên, vườn dạo mini trong các khu dân cư là nơi lý tưởng để các cụ già, người cao tuổi tản bộ, tập thể dục, hít thở không khí trong lành mỗi sáng sớm, hay chiều muộn.
Chị Hồng, chủ tiệm cà-phê cóc cạnh công viên phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu cho biết, công viên phường này nhỏ là vậy, nhưng ngày nào cũng rộn ràng từ sáng sớm đến đêm khuya. Từ 4-7 giờ sáng, ngày mới tại công viên này được bắt đầu bằng các ván cầu lông sôi nổi của các câu lạc bộ cầu lông của người cao tuổi; người không chơi cầu lông thì đi bộ, chạy thể dục quanh công viên; người thong dong nhâm nhi cà-phê, đọc báo trên ghế đá; người tận dụng những khoảng trống còn lại tập dưỡng sinh… Và chiều tối, nơi đây là điểm đến của người dân mọi lứa tuổi, từ em nhỏ đến thanh niên, trung niên, người già, nam có, nữ có… cùng vui chơi rộn rã đến 9, 10 giờ đêm.
Từ câu chuyện tại các công viên lớn như Biển Đông, 29-3 đến những công viên nhỏ trong lòng thành phố như Hòa Cường Bắc hay Thuận Phước (quận Hải Châu), có thể thấy, nhu cầu vui chơi, “thưởng thức” không gian xanh rất lớn của người dân mọi lứa tuổi. Song, tuy trong cùng một thành phố nhưng không phải ai, địa bàn nào cũng có điều kiện như nhau.
Nhiều người dân ở các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết, lúc rảnh rỗi, họ không biết đi dạo, dẫn con em đi chơi đâu ngoài các trung tâm mua sắm, siêu thị… Còn muốn hít thở khí trời, cây cỏ chút thì chỉ biết lang thang dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành, hoặc đi men theo những con đường lớn, có vỉa hè dọc biển, nhiều xe cộ… khá bất tiện.
Anh Thi Lý Phước – Phó phòng phụ trách Phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu tính lui, tính tới cũng không tìm ra được một công viên, vườn dạo nào dù nhỏ trên địa bàn quận, để người dân có thể đến vui chơi miễn phí. Vấn đề của quận Liên Chiểu là quỹ đất.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên nhưng dự án về các công trình thiết chế văn hóa – thể thao, trong đó, có công viên, vườn dạo hiện vẫn đang trong kế hoạch, chờ triển khai, vì quỹ đất eo hẹp”, anh Phước cho biết.
Thiếu hoặc rất thiếu cũng là thực tế về những mảng không gian xanh mini trên các địa bàn thuộc vùng ven của thành phố. Với hơn 90.000 người dân, nhưng toàn quận Ngũ Hành Sơn chỉ có một nơi vui chơi công cộng gần khu dân cư là Trung tâm văn hóa – thể thao phường Hòa Quý, vừa được cải tạo từ Khu vui chơi – giải trí phường (trước đây, người dân hay gọi là công viên Bình Kỳ).
Theo nguyện vọng của nhiều người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi, họ rất cần những công viên, vườn dạo nhỏ thôi (càng gần nhà càng tốt) đơn sơ thôi, nhưng sạch sẽ và có cây xanh để tránh nắng ngày hè, tản bộ, dẫn con cháu dạo chơi mỗi ngày.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, tính từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 30 công trình trung tâm văn hóa-thể thao, khu vui chơi giải trí cấp xã, phường đã được thành phố đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, phần nào đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, các công trình được nâng cấp, cải tạo chủ yếu khai thác từ các khu vui chơi, công viên vốn hoạt động khá hiệu quả tại các quận trung tâm, tập trung nhiều nhất là quận Hải Châu. Về việc thiếu các không gian xanh, vui chơi như công viên, vườn dạo tại các địa bàn vùng ven như quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn sẽ được xem xét, khắc phục từng bước trong thời gian tới.
Lợi ích của không gian xanh đối với trẻ Trẻ em ở nông thôn và những nơi có nhiều cây xanh có thể phân biệt tới 300 màu sắc khác nhau, nhưng trẻ em ở thành phố chỉ có thể phân biệt được từ 100-150 màu sắc. Nhiều nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học chỉ ra rằng, không gian xanh giúp trẻ em tăng khả năng phân biệt màu sắc, giảm nguy cơ bị cận thị, giảm thiểu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần và chứng bệnh thừa cân, béo phì đang ngày càng phổ biến. Việc gần gũi với thiên nhiên, môi trường xanh giúp trẻ cải thiện sự tập trung và tính kỷ luật, cải thiện tinh thần, tác dụng rất tốt trong giáo dục, hình thành trí tuệ và nhân cách của trẻ. |
THANH TÂN