Đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao

.

45 năm qua, Đà Nẵng từ một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, tương đương cấp quận/huyện, đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 22 năm qua, có diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, từng bước khẳng định vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên, góp phần tạo sức lan tỏa, thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập quốc tế; là điểm đến của bạn bè trong nước và quốc tế.

Để có được thành quả như ngày nay, đội ngũ nhân lực từ công nhân lành nghề, kỹ sư, chuyên viên, cán bộ tham mưu, cán bộ lãnh đạo… đóng vai trò then chốt. Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã và đang đóng góp cho thành phố nguồn nhân lực có trình độ được đào tạo bài bản, góp phần xây dựng Đà Nẵng phát triển như hôm nay.

Sinh viên thực hiện dự án “Capstone Project” hợp tác với doanh nghiệp lớn gắn đào tạo và sản xuất.
Sinh viên thực hiện dự án “Capstone Project” hợp tác với doanh nghiệp lớn gắn đào tạo và sản xuất.

ĐH Đà Nẵng gắn liền với sự phát triển của thành phố

45 năm trước, trong khí thế tưng bừng của những ngày thống nhất đất nước, Viện ĐH Đà Nẵng, tiền thân của Trường ĐH Bách khoa ngày nay được thành lập. Cùng với các trường: Công nhân kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi, Cao đẳng sư phạm, Trung học sư phạm, Cơ sở ĐH Sư phạm ngoại ngữ… (sau này làm nòng cốt tạo nên ĐHĐN) lần lượt ra đời nhằm đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý kinh tế, công nhân lành nghề, giáo viên… cho Quảng Nam-Đà Nẵng và miền Trung, Tây Nguyên. Có thể thấy trong công cuộc tái thiết đất nước, thì với những ngành nghề chủ yếu là cơ, điện, xây dựng, thủy lợi, kinh tế kế hoạch hóa, thương nghiệp, giáo viên…, hằng năm, các trường đào tạo chừng 1.200 đến 1.500 sinh viên và công nhân lành nghề, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của khu vực và Đà Nẵng. Trong số đó, kỹ sư và cử nhân chỉ vỏn vẹn 700 - 800 người/năm và khi ra trường đều là “nhân lực quý”, được phân công đến các đơn vị có nhu cầu. Họ tỏa đi khắp mọi miền trong khu vực và cả nước, trong đó phần nhiều vẫn ở lại tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Khi đất nước vào giai đoạn đổi mới năm 1986, mở cửa, đặc biệt là giai đoạn các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào năm 1990, đất nước ta chuyển sang giai đoạn mới “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế”, đòi hỏi các trường đại học cũng kịp thời chuyển hướng phát triển bền vững, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều cấp đào tạo và hợp tác với các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là châu Âu (Pháp, Đức…), Canada, Nhật Bản, Singapore...

Trong bối cảnh đó, năm 1994, ĐH Đà Nẵng ra đời trên cơ sở nòng cốt là Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và các trường công lập trên địa bàn và lần đầu tiên chúng ta có một khái niệm quy hoạch “Làng ĐH Đà Nẵng” với 300ha tại Hòa Quý và Điện Ngọc. Cùng với hai ĐH quốc gia (ĐH Huế và ĐH Thái Nguyên), ĐH Đà Nẵng là ĐH vùng trọng điểm của cả nước, đóng vai trò trọng yếu trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH, sau ĐH cho cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, làm hạt nhân để phát triển hệ thống ĐH Việt Nam.

Năm 1997, Đà Nẵng được tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và phát triển từ một đô thị loại 3 thuộc tỉnh trở thành đô thị loại 1 thuộc Trung ương. Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng cũng dần dần khẳng định học hiệu và lần đầu tiên kể từ khi được giải phóng, Đà Nẵng chính thức có mô hình ĐH đa ngành, đa lĩnh vực (Khoa học cơ bản, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học kinh tế, Khoa học kỹ thuật công nghệ, y dược…) như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quá trình phát triển, bên cạnh những chuyên ngành truyền thống như:

Cơ khí, Điện, Xây dựng, Hóa thực phẩm, Kinh tế, Kế toán, Cử nhân sư phạm… ĐH Đà Nẵng luôn định hướng và có tầm nhìn để đón đầu chiến lược phát triển của đất nước và thành phố nhằm đầu tư đào tạo bồi dưỡng giảng viên và cơ sở vật chất đủ điều kiện bảo đảm chất lượng mở ngành mới. Có thể thấy một vài ví dụ điển hình như: ngành Công nghệ thông tin (CNTT) là 1 trong 7 khoa đầu tiên của Việt Nam thành lập năm 1995, nhưng khởi đầu vẫn từ Bộ môn Máy tính của Trường ĐH Bách khoa năm 1983 với chiếc máy tính thế hệ Minsk-22 của Liên Xô (cũ) được trang bị năm 1982, rồi Apple IIe (Mỹ) năm 1983, NEC (Nhật) năm 1984…

Đoàn chuyên gia nước nước ngoài đến  Đại học Đà Nẵng kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế AUN- QA.
Đoàn chuyên gia nước nước ngoài đến Đại học Đà Nẵng kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế AUN- QA.

Để rồi ngày nay, Đà Nẵng có một lực lượng làm CNTT hùng hậu, một doanh số CNTT đáng mơ ước, một thành phố đi đầu trong ứng dụng CNTT. Ngành Điện tử viễn thông, Tự động hóa, Cơ Điện tử lần lượt được đào tạo từ năm 1988, 1990, 1997 cũng từ bộ môn Điện, Vật lý điện tử, Cơ khí chế tạo để ngày nay Đà Nẵng có thể tiếp nhận các công trình thế kỷ như cảng biển, hầm Hải Vân, VTN, VNPT... sánh vai cùng các đô thị lớn trên thế giới.

Ngành Lọc hóa dầu hợp tác với Pháp đào tạo từ năm 1997 để đón đầu dự án Dung Quất và thực tế cho thấy 80% nhân lực lọc hóa dầu ở đó và một số cán bộ nghiên cứu chủ chốt của PVN là cựu sinh viên ĐH Đà Nẵng. Ngành Du lịch, Khách sạn lữ hành được đào tạo từ năm 1990 là đơn vị đào tạo chuyên ngành Quản trị du lịch đầu tiên của miền Trung, đã hợp tác với các ĐH hàng đầu về ngành du lịch như: ĐH Angres, ĐH Nice, ĐH Saxion (Hà Lan), ĐH Bale State University (Mỹ), ĐH Haaga-Helia (Phần Lan), ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật Bản)... đã cung cấp nguồn nhân lực bậc cao góp phần phát triển mạnh mẽ ngành du lịch dịch vụ của Đà Nẵng và Quảng Nam như ngày nay.

Nhiều ngành khác như: Công nghệ và Quản lý môi trường, Tài chính ngân hàng, Kiểm toán, Logistic, Báo chí, Hóa Dược, Tiếng Trung, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn... cũng lần lượt phát triển theo xu thế như trên. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ĐH Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trên địa bàn thành phố được phép đào tạo bác sĩ y đa khoa, Răng Hàm Mặt. Nhờ đóng chân trên địa bàn Đà Nẵng - thành phố được mệnh danh là “Thành phố đáng sống” năng động, an ninh với các chính sách “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, nhờ có chiến lược phát triển đúng đắn qua từng kỳ, ĐH Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ với quy mô 92.000 sinh viên (tất cả các hệ đào tạo vào năm 2010-2012); rồi ổn định ở 60.000 sinh viên chính quy, cao nhất nước, luôn nằm trong top 10 trường ĐH hàng đầu của Việt Nam ở tất cả các hệ thống xếp hạng trên thế giới.   

Hướng đến ĐH Quốc gia Đà Nẵng

Thế giới đã bước vào thời kỳ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó tri thức là tài sản quan trọng nhất thay vì là công cụ sản xuất và nguồn vốn. Sự sáng tạo và trí tuệ của nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định. Các văn kiện của Trung ương Đảng, Chính phủ và của chính quyền thành phố đều khẳng định vai trò của giáo dục, đào tạo và xem đó là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Đây là cơ sở quan trọng để Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng đổi mới và phát triển nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển cho khu vực nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Thật vậy, hiện nay ĐH Đà Nẵng có 9 cơ sở đào tạo thành viên gồm: 6 trường ĐH là Bách khoa, Kinh tế, Sư phạm, Ngoại ngữ, Sư phạm kỹ thuật, Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn; 1 Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh; 1 Phân hiệu tại Kon Tum và Khoa Y Dược trực thuộc. Hằng năm, ĐH Đà Nẵng tuyển sinh trung bình gần 11.000 sinh viên hệ ĐH chính quy, 1.000 học viên cao học và 50 nghiên cứu sinh tiến sĩ. ĐH Đà Nẵng hiện có 135 ngành đào tạo trình độ ĐH, 46 ngành thạc sĩ và 28 ngành tiến sĩ. Trong số 1.470 cán bộ giảng dạy của ĐH Đà Nẵng có 542 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học (chiếm 37%) và 928 thạc sĩ, về học hàm có 8 giáo sư và 107 phó giáo sư. Đa số các giảng viên trẻ là tiến sĩ, thạc sĩ của ĐH Đà Nẵng được đào tạo từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Pháp, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…

Các trường thuộc ĐH Đà Nẵng đều đã được kiểm định chất lượng đào tạo cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam, 20 chương trình đào tạo đã được kiểm định quốc tế (châu Âu và AUN-QA). Với tiềm lực dồi dào đó, với sự đầu tư trọng điểm khu đô thị đại học (chung dự án tổng hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), ĐH Đà Nẵng sẽ xây dựng mô hình ĐH Quốc gia Đà Nẵng, tiếp tục đổi mới đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước theo hướng phát triển các ngành nghề đặc trưng như:

Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), Người máy, Công nghệ số, Công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), Công nghệ vật liệu mới và cảm biến, Công nghệ nano, Công nghệ in 3D, Công nghệ năng lượng và Công nghệ sinh học... đáp ứng nhân lực cho khu vực dịch vụ, khu vực sản xuất- công nghiệp, khu vực xây dựng - cơ sở hạ tầng, khu vực chế biến, khu vực công nghệ cao, công nghệ mới tích hợp giữa 3 công nghệ chính là các hệ thống vật lý thông minh, điện toán đám mây và IoT góp phần quan trọng để thành phố Đà Nẵng sớm trở thành một trong những “Trung tâm giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của miền Trung và Tây Nguyên”.

Với vai trò là một trong những “trung tâm giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ và kỹ thuật” của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, 45 năm qua, ĐH Đà Nẵng đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng vai trò trọng yếu cho sự lớn mạnh của thành phố mà còn cho cả khu vực và cả nước, và các doanh nghiệp đa quốc gia.

Tin rằng, với truyền thống thông minh, hiếu học, sáng tạo, cần cù của con người miền Trung; với sự năng động của môi trường kinh tế - xã hội Đà Nẵng; với tiềm lực của ĐH Đà Nẵng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với các ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật dự báo sẽ sự bùng nổ trong thời công nghiệp 4.0 nhằm đưa Đà Nẵng sớm trở thành thành phố công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

“Đại học Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định số 32CP/NĐ ngày 4- 4-1994 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp công lập (được thành lập sau ngày Giải phóng đất nước) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Là một trong ba đại học vùng trọng điểm quốc gia, Đại học Đà Nẵng đóng vai trò trọng yếu trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng”.


GS.TS Trần Văn Nam

;
;
.
.
.
.
.