Đại dịch do virus Corona khiến cả thế giới phải khổ sở nhưng có một yếu tố tích cực là bầu không khí ở những thành phố bị cho là ô nhiễm nhất từng bước trong xanh trở lại.
Đài tưởng niệm chiến tranh ở New Delhi ngày 17-10-2019 (ảnh trên) và ngày 8-4-2020. |
Số một New Delhi
Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên ra lệnh phong tỏa toàn bộ vì dịch bệnh do virus Corona. Đó là quyết định dẫn tới thiệt hại kinh tế đáng kể, song giúp cho dịch bệnh không lan truyền để cứu lấy mạng sống con người. Một dấu hiệu tích cực nữa sau khi có lệnh phong tỏa 1,3 tỷ dân của Ấn Độ là bầu trời trong xanh trở lại kể từ ngày 25-3 tới nay khi không có chuyến bay nào, chuyến tàu khách nào, chiếc taxi nào hoạt động.
Ấn Độ là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới. Chỉ vài ngày sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc được thực thi, số liệu đo đạc được tại Trung tâm Khoa học và Môi trường tại thủ đô New Delhi cho thấy, mức độ ô nhiễm hạt có hại nhất đối với sức khỏe con người giảm gần 60%. Trước đó, chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ở mức 200, thậm chí năm ngoái có thời điểm lên tới 900, trong khi mức an toàn của Tổ chức
Y tế thế giới là dưới 25. Trong thời gian phong tỏa như hiện nay, chỉ số AQI giảm xuống dưới 20. Ở những vùng khác của đất nước đông dân thứ hai thế giới cũng có sự cải thiện rõ nét. Dãy núi Himalaya lần đầu tiên trong nhiều năm qua có thể nhìn thấy từ xa. Dòng sông Yam Yamuna ở New Delhi chỉ cách đây vài tháng đầy những mảng bọt xám từ nước thải công nghiệp thì nay trong veo không thể tưởng tượng nổi. Các bác sĩ chuyên ngành hô hấp ở New Delhi cho biết, rất nhiều bệnh nhân thường xuyên của họ đã có thể thở dễ dàng hơn và giảm sử dụng thuốc hít.
Chuyên gia về ô nhiễm không khí tại Trung tâm Khoa học và Môi trường tại thủ đô New Delhi Anumita Roy Chowdhury mô tả sự cải thiện chất lượng không khí như hiện nay là điều ngoài sự mong đợi. Nó cũng cho thấy sự cần thiết phải thay đổi về nền công nghiệp và ý nghĩa của việc hít thở không khí sạch. Nhận định của nữ chuyên gia này được ông Ajay Mathur, thành viên trong Hội đồng thay đổi khí hậu của Thủ tướng Narendra Modi, chia sẻ.
Ông Mathur cho rằng, mục tiêu đầu tiên của bất cứ chính phủ nào đều bảo đảm công ăn việc làm bền vững cho người dân nhưng dấu hiệu môi trường tích cực do phong tỏa cả nước có thể là sự gợi mở về những thay đổi chính sách như loại bỏ nhiên liệu công nghiệp bẩn để đẩy nhanh sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường. Chính cái giọng nói khàn khàn và ho dai dẳng của ông Mathur cũng đã biến mất trong 2 tuần qua. Tiến sĩ Shashi Tharoor, một chính trị gia nhiều lần lên tiếng về vấn đề môi trường, hy vọng đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho chính phủ của Thủ tướng Modi.
Nhận thức rõ hơn về môi trường
Thủ đô Bangkok của Thái Lan tháng trước phải đóng cửa trường học vì tình trạng ô nhiễm môi trường quá nặng. Và khi Bangkok phải phong tỏa một phần vì virus Corona thì môi trường đã cải thiện đáng kể. Tara Buakamsri, người đứng đầu Tổ chức môi trường Greenpeace ở Thái Lan nói rằng chỉ cần phong tỏa một phần thì lượng phương tiện tham gia giao thông đường bộ giảm đã cho thấy khoảng cách về chỉ số môi trường rất lớn ở thời điểm hiện tại và cách đây 1 năm.
Giờ cao điểm ở trung tâm thành phố Sao Paulo 12 triệu dân ở Brazil thực sự kinh hoàng cho mọi người. Hàng nghìn ô-tô và xe máy chen chúc trên những con đường hẹp 4 làn xe với những tiếng bíp còi inh ỏi. Vậy mà nhịp sống đó tạm lắng vì virus Corona đã khiến thành phố vắng vẻ. Chuyên gia tư vấn về đô thị Daniel Guth bảo rằng, ông nhận ra rõ sự cải thiện về chất lượng không khí và thúc đẩy suy nghĩ về những phương thức vận chuyển ưu việt hơn, nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường.
Dịch bệnh này thực sự làm mọi người cảm nhận rõ hơn nữa tầm quan trọng của môi trường. Chính quyền thủ đô Bogota của Colombia không ít lần phải ra lệnh cấm ô-tô lưu thông cả ngày vì ô nhiễm quá mức. Lệnh cách ly từ ngày 24-3 tới nay giúp lượng xe lưu thông trên đường dường như không còn, bởi người dân chỉ được ra đường để mua thức ăn và thuốc men, thậm chí không được ra đường tập thể dục. “Không có nghi ngờ gì nữa, dịch bệnh đã giúp chúng ta cải thiện chất lượng không khí. Đây là lúc chúng ta cần tập trung vào các yếu tố môi trường”, Carolina Urrutia, Thư ký môi trường tại Bogota nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại là nỗi lo khác. Trong tháng đầu tiên sau khi Tết Nguyên đán kết thúc vào cuối tháng Giêng, mức độ ô nhiễm không khí ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 25% khi Covid-19 ở mức tồi tệ nhất. Nhưng kể từ đầu tháng 3 tới nay, mức độ ô nhiễm khí nitơ dioxide đã tăng trở lại khi các nhà máy, xí nghiệp quay trở lại sản xuất. Lauri Myllyvirta, một nhà phân tích năng lượng và không khí hàng đầu thế giới nhận định, liệu các biện pháp kích thích sản xuất có dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí tăng trở lại trên mức trước đại dịch hay không. Nên nhớ rằng, sự tăng vọt ô nhiễm đã từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do đẩy mạnh sản xuất.
ANH THƯ (theo Washington Post, Guardian)