Giảm nghèo bền vững

Chuyện giảm nghèo đa chiều

.

Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam thực hiện hàng loạt chương trình, chính sách nhằm hướng tới giảm nghèo đa chiều một cách bền vững. Đối với Đà Nẵng, mức chuẩn nghèo của thành phố luôn cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương và thường hoàn thành trước mục tiêu từ 2-3 năm.

Phường Mỹ An là phường duy nhất được UBND thành phố tặng bằng khen về công tác giảm nghèo năm 2019. TRONG ẢNH: Phường Mỹ An   phối hợp với các đơn vị trao sinh kế cho một hộ nghèo trên địa bàn năm 2019. (Ảnh do phường Mỹ An cung cấp)
Phường Mỹ An là phường duy nhất được UBND thành phố tặng bằng khen về công tác giảm nghèo năm 2019. TRONG ẢNH: Phường Mỹ An phối hợp với các đơn vị trao sinh kế cho một hộ nghèo trên địa bàn năm 2019. (Ảnh do phường Mỹ An cung cấp)

Hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho không, tăng chính sách cho vay có hoàn trả

Bà Trương Thị Hương (SN 1968, trú tổ 15, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) có tên trong danh sách hộ nghèo từ năm 2013. Bà là mẹ đơn thân, gia đình có 6 nhân khẩu. Trước đây, bà Hương bị gai cột sống, chỉ phụ bán đồ bành với chị gái ở chợ Mân Thái (quận Sơn Trà), thu nhập bấp bênh. Con trai và con dâu đều không có việc làm ổn định, con gái còn đi học. Bà là lao động chính, vừa nuôi con, vừa nuôi hai cháu nhỏ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Năm 2017, chị gái của bà Hương sang lại cho bà hàng đồ bành, con trai có việc làm, con gái ra trường có việc làm. Gia đình bà được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, cuộc sống khá hơn nhiều nên bà tự nguyện xin thoát nghèo bền vững.

“Hồi xưa nhà tôi cực lắm. Một thân một mình làm lụng nuôi con, nuôi cháu. Chừ các con có việc làm ổn định, tôi không phải “bao cân” mà chỉ hỗ trợ cháu tiền uống sữa hằng tháng. Cũng nhờ nguồn tiền hỗ trợ từ tổ vay vốn mà tôi có đồng ra đồng vào “xoay hàng”.

Tôi được hỗ trợ vay nhiều lần và đều trả nợ đúng hạn. Chừ cuộc sống cũng còn khó khăn nhưng không phải cực như trước. Tôi tự làm đơn xin thoát nghèo, vươn lên kiếm đường làm ăn chớ không vô hộ nghèo nữa”, bà Hương khẳng định.

Gia đình ông Lê Văn Dũng (SN 1966, trú tổ 51, phường An Khê, quận Thanh Khê) cũng tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo trong năm nay. Gia đình ông trước đây sinh sống tại phường Hòa Khê (quận Thanh Khê), nhiều năm thuộc hộ nghèo.

Ông đi xe thồ, vợ bán vé số, nuôi hai con ăn học. Ông Dũng bị hen suyễn mạn tính, thoái hóa cột sống, sức khỏe yếu nên thu nhập chính trông cậy hết vào vợ. Những năm thuộc hộ nghèo, ông được địa phương hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để khám, chữa bệnh, con cái đi học được miễn, giảm học phí, cấp sách vở và đồ dùng học tập. Ngoài ra, trong năm, nhà ông được miễn giảm tiền điện, tặng các suất quà…

“Mới đây, tôi được địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa nhà, cho vay không lãi suất 50 triệu đồng nữa. Vợ chồng tôi mạnh dạn vay mượn thêm bà con, họ hàng để sửa mái nhà lụp xụp, dột nát nhiều năm. Sau khi nhà hoàn thiện, tôi cũng xin thoát nghèo. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng so với ngày xưa là quá tốt. Tôi xin nhường lại cho các hộ gia đình khó khăn hơn”, ông Dũng nói.

Đầu năm 2019, toàn phường Mỹ An có 203 hộ nghèo còn sức lao động và 81 hộ cận nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố. Ban Chỉ đạo giảm nghèo của phường đã thông báo đến các ban, ngành, đoàn thể và tổ dân phố để phổ biến đến toàn thể nhân dân về danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn mới, từ đó phối hợp quản lý và thực hiện giải pháp giúp hộ theo kế hoạch đề ra.

Ban Chỉ đạo giảm nghèo của phường phân công 4 hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh) phụ trách từng địa bàn khu dân cư, qua đó phối hợp cùng cấp ủy các chi hội để giúp đỡ, tư vấn, đề xuất những giải pháp hỗ trợ, đồng thời phát huy tối đa các nguồn lực hỗ trợ của tổ chức mình để giúp đỡ các hộ thoát nghèo bền vững.

Ông Hồ Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ An cho biết, năm 2019, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đã tổ chức đối thoại với 60 hộ nghèo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có giải pháp hỗ trợ thiết thực giúp các hộ thoát nghèo bền vững.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành phố, quận về giảm nghèo trên địa bàn phường, vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Một bộ phận người nghèo, hộ nghèo chưa có tinh thần vượt khó vươn lên, còn trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội; các chính sách hỗ trợ còn dàn trải, đặc biệt các nguồn lực hỗ trợ cho không, từ đó tạo cho người nghèo tâm lý trông chờ; các mô hình phát triển kinh tế ở các hộ nghèo chậm được nhân rộng.

“Chúng tôi đang kiến nghị đề nghị hạn chế các nguồn hỗ trợ cho không, không cấp phát dàn trải để tạo tâm lý cào bằng tại các tổ dân phố, khu dân cư. Đồng thời, tiếp tục vận dụng nguồn quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ giải pháp thiết thực cho các hộ nghèo có nhu cầu, tạo điều kiện cho họ thoát nghèo bền vững”, ông Minh nói.

Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 với mức chuẩn nghèo 1,1 triệu - 1,3 triệu đồng/người/tháng, toàn thành phố có 23.276 hộ nghèo, chiếm 9,15%. Điểm nổi bật của công tác giảm nghèo thời gian qua là từ thành phố đến cơ sở đều thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng địa bàn; định kỳ lãnh đạo địa phương tổ chức gặp mặt đối thoại trực tiếp với hộ nghèo để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp giảm nghèo phù hợp cho từng hộ.

Đặc biệt, các chính sách trợ giúp hộ nghèo bước đầu đã được chuyển đổi từ hình thức cho không, sang hình thức hỗ trợ có điều kiện gắn với sự nỗ lực vươn lên của từng hộ như: cho vay không lãi suất, hỗ trợ tư liệu, phương tiện sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi…, tạo sự chủ động vươn lên thoát nghèo; đồng thời tập trung dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề theo phương thức cầm tay chỉ việc, dạy nghề kết hợp với hỗ trợ phương tiện làm ăn.

Cần những giải pháp đột phá

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 5 năm qua, Đà Nẵng huy động gần 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà; lắp đặt điện, nước, công trình vệ sinh; mua BHYT; miễn giảm học phí cho học sinh hộ nghèo… Đặc biệt, thành phố ưu tiên bố trí chung cư cho 638 hộ nghèo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu “Có nhà ở” và tạo điều kiện cho hộ nghèo của thành phố được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Song, việc thực hiện chương trình giảm nghèo còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là chưa có các giải pháp đột phá thực hiện chương trình giảm nghèo và kế hoạch cụ thể đối với từng hộ. Theo đó, năm 2019 là năm đầu tiên triển khai chuẩn nghèo mới (nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020), nên số hộ thoát nghèo nhanh chưa thực sự bền vững; quy trình rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ thoát nghèo chưa bảo đảm theo quy định; giải quyết chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng đối với hộ nghèo triển khai còn chậm.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt kết quả chưa cao; số lượng lớn hộ nghèo bức xúc về nhà ở có nhu cầu thuê nhà ở xã hội nhưng thành phố tạm dừng nhận đơn do hạn chế về quỹ nhà chung cư…

Theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, với việc tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hộ nghèo, người nghèo có điều kiện tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo, Đà Nẵng cũng đẩy mạnh mô hình “Cho vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp”.

Đây là mô hình được các hội, đoàn thể như: Hội LHPN, Hội Nông dân, Cựu Chiến binh... triển khai thực hiện khá hiệu quả thông qua các hình thức như “Tổ góp vốn xoay vòng”, “3 trong 1”, “5 trong 1”, “Giúp nhau lập nghiệp”, đã thu hút đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo tích cực tham gia để sửa chữa nhà, công trình vệ sinh, hay buôn bán, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

“Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm nâng cao mức sống, điều kiện và chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, với mục tiêu hằng năm giảm hộ nghèo tiếp cận đa chiều từ 1,0-1,5%/năm.

Đồng thời, thành phố tổ chức khảo sát thực trạng đời sống, đối thoại với hộ nghèo còn sức lao động chuẩn Trung ương và hộ nghèo còn sức lao động thuộc diện chính sách người có công để xây dụng kế hoạch giúp đỡ phù hợp đối với từng hộ, hỗ trợ họ thoát nghèo trong năm 2020”, ông Hoàng khẳng định.


Đà Nẵng có 14.983 hộ nghèo, chiếm 5,53%/tổng số hộ dân cư (11.675 hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố, chiếm 4,31%; trong đó có 1.495 hộ nghèo, 4.836 hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương). Hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố có 6.395 hộ, chiếm 2,36%/tổng số hộ dân cư.

Năm 2019 là năm đầu tiên Đà Nẵng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn mới tại Nghị quyết số 195/2018/NQ-HĐND ngày 19-12-2018 của HĐND thành phố thông qua nâng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, áp dụng trong hai năm 2019-2020. Theo đó, chuẩn nghèo thành phố khu vực thành thị là 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống hoặc trên 1,5 triệu đồng/người/tháng đến 1,9 triệu đồng/người/tháng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Đối với khu vực nông thôn là 1,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống hoặc trên 1,3 triệu đồng/người/tháng đến 1,6 triệu đồng/người/tháng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
 

QUỲNH TRANG
 

;
;
.
.
.
.
.