An toàn thực phẩm: Cần đạo đức kinh doanh

.

Mới đây, thông tin ít nhất 9 người rải rác ở các tỉnh, thành nhập viện do ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay - sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (có địa chỉ tại số nhà 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) khiến dư luận hoang mang. Các bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, liệt cơ, khó thở... Hầu hết bệnh nhân diễn tiến nặng phải thở máy. Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm của công ty này do phát hiện các trường hợp nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B, độc tố là botulinum.

Được biết, nhà xưởng chế biến thực phẩm này có diện tích khoảng 50m2 với dưới 10 nhân công, máy móc sản xuất, chế biến thực phẩm khá thô sơ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm. UBND huyện Đông Anh xử phạt hành chính Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới 17,5 triệu đồng do không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP).

Không phải đến bây giờ vấn đề ATTP mới trở thành nỗi lo thường trực của cộng đồng, mà là vấn đề thời sự được người dân và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Cuối năm 2019, Hội nghị toàn cầu lần thứ hai của Mạng lưới cơ quan ATTP quốc tế (INFOSAN) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức cho biết, cứ 10 người trên thế giới thì có 1 người mắc bệnh sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm và 420.000 người chết mỗi năm. Trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 40% gánh nặng bệnh truyền qua thực phẩm, với 125.000 ca chết mỗi năm.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của ATTP là vô cùng lớn và cấp bách, nhưng việc kiểm soát vẫn là bài toán nan giải đối với không riêng Việt Nam mà cả thế giới. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra, quản lý, nhưng yếu tố “gốc rễ” quyết định ATTP nằm ở trách nhiệm, đạo đức của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm và chủ doanh nghiệp, nhất là việc sản xuất, sơ chế, chế biến...

Thực tế cho thấy, sản xuất thực phẩm là ngành nghề kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, không phải ai bước chân vào thị trường này cũng có đủ kiến thức về ATTP nhưng nhiều người vẫn vô tư giữ nguyên sự “mù mờ” thông tin, không chịu mày mò tích lũy kiến thức. Điều này vô hình trung dẫn đến hệ lụy khôn lường. Thậm chí, không ít người chỉ vì một số lợi ích nhỏ trước mắt mà “bán cả lương tâm”, bỏ qua sức khỏe của người tiêu dùng, từ việc ngó lơ các tiêu chuẩn ATTP đến bất chấp sử dụng những hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm; sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng hoặc bất chấp chế biến hàng giả.

Thông tin về những lần cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm nhập lậu thường xuyên xuất hiện khiến người tiêu dùng bất bình. Theo báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP hồi đầu năm, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Thực phẩm, suy cho cùng cũng là vật vô tri. Thực phẩm chỉ trở nên “bẩn”, nguy hại khi bị lương tâm “không sạch” của con người đem ra thành công cụ kiếm lời, làm giàu. Đạo đức nghề nghiệp là điều quan trọng bậc nhất mà mọi ngành nghề đều phải tuân thủ, nhất là trong ngành ẩm thực - vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Thế nhưng, không phải ai cũng giữ được cái tâm trong sáng. Mờ mắt vì đồng tiền, họ không chỉ làm hại sức khỏe của người khác mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát, quản lý nghiêm ATTP, nên chăng cần có quy chuẩn chặt chẽ trước khi cấp phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm, như tổ chức học và thi kiến thức ATTP chỉn chu, cẩn thận. Hoặc xây dựng, lồng ghép bài giảng về ATTP trong trường học, để kiến thức này trở thành kỹ năng bắt buộc mà ai cũng phải có. Đến cuối cùng, đạo đức nghề nghiệp vẫn là phạm trù thuộc về ý thức của mỗi cá nhân. Mong là mỗi người đều tự ý thức được tầm nguy hại của vấn đề và hiểu rằng lợi nhuận là kết quả mong đợi của kinh doanh nhưng không phải là tất cả.

MỘC NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.