Châu Âu có thể đối mặt với một đỉnh dịch Covid-19 mới từ những người du lịch trong đợt nghỉ hè nếu các quốc gia không cùng nhau thực hiện đồng bộ những biện pháp phòng ngừa.
Cảnh sát Tây Ban Nha yêu cầu một nữ du khách đeo khẩu trang. Ảnh: CNN |
Tỷ lệ nhiễm bệnh tăng mạnh
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ ghi tên Mỹ, Brazil, Argentina vào danh sách những quốc gia không an toàn về Covid-19 nhằm khuyến cáo người dân tính toán kế hoạch đi du lịch, nghỉ ngơi. Mức lây nhiễm trung bình của Mỹ là 183/100.000 người. Mỹ có hơn 6 triệu ca nhiễm (trên tổng dân số 328 triệu người) và hơn 184.600 ca tử vong. Trong khi đó, châu Âu có 3,5 triệu ca nhiễm (trên tổng dân số 510 triệu người) và hơn 207.000 ca tử vong.
Tuy nhiên, tình hình dịch ở “lục địa già” hiện khá căng thẳng vì du lịch mở cửa trở lại. Tây Ban Nha đứng đầu với tỷ lệ 205 ca nhiễm/100.000 người trong 14 ngày qua; Pháp 85/100.000 người; Croatia và Romania cùng 84; mức dao động từ 40-50 ở Cộng hòa Czech, Hà Lan, Bỉ và Áo. Tính trung bình trên toàn châu Âu là 46 ca nhiễm/100.000 người. Điều đó cho thấy, số ca nhiễm mới tăng khá cao so với lần dỡ bỏ hạn chế đi lại đầu tiên của EU hồi tháng 7. Phần lớn các trường hợp phát hiện dương tính nhờ theo dõi quá trình di chuyển của họ sau khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh. Có nhiều trường hợp phát hiện sau vài tuần, tức là khả năng lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn.
Với những người đi du lịch khắp châu Âu, các chuyên gia dự báo một đỉnh dịch Covid-19 mới. Một số quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới liên quan tới khách du lịch nội địa và quốc tế. Hungary đóng cửa các biên giới từ ngày 1-9 nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Tây Ban Nha thực hiện lệnh giới nghiêm. Các hộp đêm ở Ý và Hy Lạp phải đóng cửa. Từ ngày 2-9, Ba Lan cấm các chuyến bay đến từ 46 quốc gia, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha. Khẩu trang được khuyến cáo phải đeo nơi công cộng và đi ra ngoài đường.
Kiểm soát biên giới chung
Andrea Crisanti, nhà vi sinh vật học hàng đầu người Ý, cho biết vấn đề lây nhiễm trở lại sẽ rất nghiêm trọng. Việc truy tìm nguồn gốc sẽ không đủ khả năng ngăn chặn lây lan trong cộng đồng nên buộc phải xét lại toàn bộ các địa điểm mà họ đã tới, các thành viên gia đình và cả đồng nghiệp nên mất rất nhiều thời gian. Hệ thống y tế có thể sẽ quá tải trừ khi có một mạng lưới phòng thí nghiệm để kiểm tra tất cả những cá nhân trước khi họ đi du lịch.
Các quốc gia thành viên EU (trừ Pháp) đang làm việc về cơ chế theo dõi những người đi xuyên biên giới thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh do Apple và Google phát triển. Giải pháp này nếu được thông qua sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 10. Pháp là một trong những quốc gia có lượng du khách đông nhất thế giới không tham gia tiêu chuẩn công nghệ chung nhưng cho biết sẽ kiểm tra hành khách đi và đến các các sân bay để dễ dàng theo dõi tình trạng lây lan dịch bệnh. Ý, Đức, Anh đang áp dụng biện pháp kiểm dịch đột xuất và kiểm tra khách du lịch từ Hy Lạp, Croatia, Malta, Tây Ban Nha tại biên giới của họ. Cách làm thủ công như hiện nay không mang lại hiệu quả cao vì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu ước tính trung bình 1.000 trường hợp được báo cáo mỗi ngày thì cần tới 359 nhân viên làm việc.
EU khuyến cáo các quốc gia thành viên không tự tiện đột ngột đóng cửa biên giới như cách mà Hungary đã thực hiện để tránh làm thị trường nội bộ tắc nghẽn và công dân một số nước không thể trở về nhà. Cuộc họp EU tại Brussel (Bỉ) hôm 26-8 xác định những vấn đề trong kiểm soát biên giới chung như quy tắc quản lý người đi và đến, kiểm dịch chung, sử dụng nguồn dữ liệu chung và lập bản đồ di chuyển. Ngoài ra, mỗi quốc gia thành viên còn ban hành những quy định riêng xét thấy phù hợp với quy định chung để tăng cường khả năng phòng dịch.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu, ông Hans Kluge cho rằng, thông qua việc kiểm soát Covid-19 bằng các biện pháp phong tỏa cục bộ, châu Âu hoàn toàn có thể sống chung với dịch. Theo ông Kluge, thời điểm mà con người chiến thắng dịch bệnh là không nhất thiết cần đến vắc-xin, mà đó là khi con người học cách sống chung với dịch bệnh. |
ANH THƯ theo Financial Times