Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái

.

Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19 (NXB Văn hóa - văn nghệ, 2020) là cuốn sách đầu tay của Việt kiều Úc Iris Lê. Tác phẩm không chỉ mang đến cái nhìn toàn cảnh ngành y chống chọi với đại dịch Covid-19 qua góc nhìn của người trong cuộc mà còn nhen lên ánh sáng nhân ái, niềm tin và hy vọng.

Ảnh: K.M
Ảnh: K.M

Lắng đọng nỗi buồn

Iris Lê tên tiếng Việt là Lê Quỳnh Phương (SN 1994), làm việc tại khoa Bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Royal Adelaide - cơ sở y tế lớn nhất vùng Nam Úc. Từng mẩu chuyện nhỏ được kể qua lăng kính của nhân vật chính - nữ y tá Mia, hoa khôi khoa Bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Westmead lớn nhất nước Úc - trong những ngày trực chiến chống dịch. Viết về tuyến đầu mỗi ngày cam go chống Covid-19, giọng văn nhẹ nhàng, mềm mại của Iris Lê làm người đọc không khỏi nhói lòng, tựa như đang hiện diện cùng cô trong không gian đặc quánh nỗi buồn này đến nỗi buồn khác.

Những trang viết đầu tiên bắt đầu bằng sự thay đổi của một cá thể - cũng chính là Mia - từ ngoại hình đến tính cách do Covid-19. Đó là khi Mia tự nhìn mình trong gương và giật mình: “Gương mặt hơi vuông cá tính kết hợp độc đáo với đôi gò má đầy đặn của trẻ thơ, làn da căng mướt không tì vết và sắc da tươi tắn như búp hoa vừa uống những giọt sương mai, giờ đã được thay bằng một cái đầu lâu khô quắt, hai trũng má hõm sâu. Căng lên trên khung đầu lâu ấy là lớp da xỉn màu, tái nhợt, lấm tấm mụn vì cà phê và những đêm mất ngủ. Đó là chưa kể đến những vết lằn chằng chịt được tạo ra bởi sự ma sát giữa những chiếc nón, những chiếc kính bảo hộ và khẩu trang siết chặt ma sát với làn da mỏng manh”. Đó còn là một Mia nhạy cảm, dễ khóc dù trước đó là người mạnh mẽ, thậm chí gan lì trước mọi vết thương của bệnh nhân.

Từ đó, tác giả dẫn dắt người đọc đến với bức tranh toàn cảnh về thực trạng nội tại ngành y nước Úc khi Covid-19 bùng phát, từ sự căng thẳng chiến đấu với dịch bệnh đến muôn vàn nỗi lo toan rất đời thường khác. Nhân viên y tế phải gánh trên vai nhiều áp lực: là chuỗi ngày làm việc quá tải với số lượng lớn người bệnh nhập viện; là việc thiếu đồ bảo hộ, phải sử dụng một chiếc khẩu trang trong suốt ca trực; là cảm giác tồi tệ khi không thể cứu sống bệnh nhân; là nỗi lo sợ lây bệnh cho người thân và buộc phải xa gia đình. Nhưng đau đớn nhất vẫn là sự kỳ thị của cộng đồng. Mia, hay có thể là Iris Lê, đau đáu: “Sau cơn bão Covid-19, y bác sĩ như những cành cây khô vươn mình chống bão. Có rất nhiều y, bác sĩ đã rơi vào trầm cảm”.

Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực của cuộc sống. Mia đau xót nhận ra sự nhiễu loạn thông tin không chỉ gây ra thiệt hại trong khoản thiếu hụt nhu yếu phẩm, gia tăng tình trạng thất nghiệp, mà còn dẫn đến những tấn bi kịch khác, như việc hai đứa trẻ rơi vào khủng hoảng tâm lý khi phát hiện con mèo yêu quý bị chôn xác.

Đâu đó giữa những câu chữ trải lòng của Mia còn phảng phất nỗi suy tư của người Việt xa xứ trong va chạm bản sắc văn hóa khi ngụ cư ở nước ngoài. Để rồi, từ cô bé luôn mang trong mình tâm trạng bất bình tĩnh khi có một khoảng cách và sự mất kết nối giữa gốc gác với môi trường, văn hóa nơi sinh ra, lớn lên, Mia đã dần thay đổi trong tư duy lẫn hành vi.

Những ngọn lửa sưởi ấm

Đáng quý hơn cả ở Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái chính là tình người nương vào nhau. Bao giờ cũng vậy, bức tranh của Iris Lê luôn là sự song hành giữa nỗi buồn và niềm vui. Đan xen gam trầm Covid-19 là mảng màu tươi vui trong những câu chuyện giữa Mia với cô con gái nhỏ, là mảng màu đa sắc của các thành phố nước Úc được “nhân cách hóa” qua đôi mắt thi vị của nhân vật chính, là mảng màu ấm áp từ các y tá gồng gánh nhiều nhọc nhằn nhưng luôn giao tiếp với người bệnh bằng sự nhạy cảm, lịch thiệp và tinh tế.

Cũng chính vì thế, Mia xúc động: “Bên cạnh những mảng màu đen trong bức tranh toàn cảnh về đại dịch Covid-19 còn có những điểm sáng, dù là rất nhỏ nhưng vẫn đủ để khiến người chiến sĩ nơi tuyến đầu thấy ấm lòng. Đó là những khách sạn bắt đầu mở cửa tài trợ chỗ ở miễn phí cho các y tá và bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Đó là những chiến dịch “Nhận nuôi nhân viên y tế” trên Facebook với hơn chục nghìn lượt thích và theo dõi ở từng bang của xứ sở chuột túi…”. Vào những thời điểm đen tối nhất, Mia lại truy cập vào những trang Facebook ấy và bất giác mỉm cười, cảm thấy như có “những ngọn lửa nhỏ sưởi ấm lòng mình”.

Dung dị mà chân thật, Iris Lê cũng nhen lên niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp trong lòng mỗi độc giả. Như tác giả đúc kết: “Chợt nhận ra mình đang có một sứ mệnh thiêng liêng, đó chính là tồn tại. Và với sự tồn tại đó, cô có thể làm ra rất nhiều điều ý nghĩa và công việc của cô chính là giúp cho những người khác bảo tồn sự sống của họ. Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, tất cả, mới chỉ là sự bắt đầu…”.

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.