Bài học về niềm tin

.

1. Con gái tôi kể, hôm bé tập tiết mục kéo đàn violin ở trường để chuẩn bị biểu diễn vào ngày khai giảng, chú bảo vệ nói với mọi người: “Bé này kéo đàn hay nhưng nhút nhát lắm, coi chừng lên sân khấu con bị đơ ra như hồi kéo ở buổi họp phụ huynh thì nguy”. Chú bảo vệ làm con ngại với các bạn xung quanh đứng xem con tập bài lúc ấy, nhưng cô Diễm - giáo viên chủ nhiệm của con nói: “Không sao, hồi đó con học lớp 2. Giờ con học lớp 3, là chị của các em lớp 1, lớp 2 rồi. Con không còn ngại thế nữa nhỉ? Nhất định con sẽ kéo đàn rất hay”. Thế là con hết ngại. Con cười thật tươi và dạ thật to với cô.

Trong buổi họp phụ huynh cuối năm trước đó không lâu, con gái dự định kéo một liên khúc 3 bài, đã tập đi tập lại rất kỹ ở nhà. Đến lúc kéo đàn trước hàng chục người, được nửa chừng, bé đứng đơ trên sân khấu vì phía dưới có nhiều người lạ quá. Nhớ tới kỷ niệm ấy, đến giờ con vẫn thấy xấu hổ. 

Buổi biểu diễn ở trường diễn ra đúng như cô giáo dự đoán, tiết mục của con được đánh giá rất ấn tượng. Con gái nói, con thấy cô tin con nên con phải cố gắng, không thể để cô xấu hổ. Và vì thế, con không ngại chút nào trước rất nhiều người lạ.

Năm học chưa qua một nửa, nhưng những bài học nhỏ, những cơ hội mà cô giáo đã tin yêu mà trao cho con gái nhỏ của tôi đã khiến con từ nhút nhát trở nên tự tin bất ngờ.

2. Ấn tượng đẹp của bạn tôi về các thầy cô của con mình là cô hiệu trưởng nơi con theo học mầm non. Ngày vào trường, con là cậu bé tăng động, to lớn và… “hung” nhất lớp. Trước đó, trường cũ đã từ chối nhận. Hôm xin cho con học trường mới, bố mẹ ngại ngần nói: “Mong các cô thông cảm và để mắt đến con, vì con có chứng tăng động, chưa biết kiềm chế, có thể gây ra những xáo trộn trong trường. Nếu cần phạt vì con không ngoan, các cô hãy phạt”.

Những ngày đầu ở trường mới, con vẫn đánh bạn. Chính cô Hiệu trưởng yêu cầu con tự đánh thật đau vào tay mình để biết cảm giác người khác đau ra sao khi bị đánh. Cô rủ rỉ trò chuyện, chơi cùng con khi các bạn ngủ trưa mà con bỏ ra sân trường. Đến ngày cô chủ nhiệm dắt con lên Phòng Hiệu trưởng vì con tiếp tục đá bạn đỏ cả tay, khiến bạn khóc ầm trong lớp, náo loạn giờ ngủ trưa, cô Hiệu trưởng vẫn không mắng con, mở camera xem thì thấy con hăng hái đứng dậy kéo rèm, do không cẩn thận mà gạt chân trúng tay bạn. “Con đã là em bé ngoan rồi, lần sau con cẩn thận hơn để tránh làm đau bạn, nhé con trai”, cô Hiệu trưởng nói. Buổi tối, khi nghe câu chuyện con trai kể, bạn tôi khóc...

Chỉ sau hai năm, cậu bé đặc biệt ấy biết giúp các cô dọn bàn trong lễ tạm biệt trường mầm non. Con bắt nhịp cho các bạn nhỏ cùng hát tặng thầy cô. Con biết chia sẻ, cảm thông, biết cư xử đúng mực, không dùng bạo lực. Bố mẹ đã rơi nước mắt khi nói lời cảm ơn cô vì đã đặt niềm tin vào con.

3. Vẫn là bài học về niềm tin, cậu bạn tôi kể, thi rớt đại học, cậu tránh gặp mặt bạn bè, ngại đối diện bố mẹ nhưng lại tìm đến thầy chủ nhiệm cấp ba để tìm lời an ủi. Lúc bạn đến thăm, thầy đang trồng cây. Thầy nhờ bạn phụ thầy chuyển cái cây từ phía trong râm - nơi có mái che ra ngoài nắng. Thầy dùng cái xẻng to để đào cây, làm đứt mất vài sợi rễ. Bạn tỏ vẻ ngần ngừ hỏi liệu cái cây có thể sống khỏe mạnh không; sao thầy không để yên cái cây ở đó khi đất còn rộng...

Thầy trả lời rằng, trong cuộc sống có khi chúng ta như chính cái cây này, chấp nhận những tổn thương, mất mát để bắt đầu lại và trưởng thành hơn. Thầy luôn tin chắc điều đó.

Bạn nói, bài học cái cây đơn giản vậy mà không hiểu sao thật thấm khi bạn thi rớt, và thấm tới tận cả khi bạn trải qua những khó khăn, vất vả sau này. Bài học ấy luôn nhắc bạn hãy mạnh mẽ và thời gian sẽ trả lời rằng, chắc chắn bạn sẽ trưởng thành. Hiện nay, bạn là một trong những doanh nhân trẻ tên tuổi tại địa phương mình sinh sống. Bạn nói, bài học về niềm tin mà thầy trao, vẫn luôn là động lực để bạn vượt lên chính mình.

Không phải những bài học trong trang sách, có khi là những bài học về niềm tin từ tấm lòng thầy cô trao tặng, sẽ là hành trang quý báu nhất để trò mang theo trong cuộc sống này.

KHÔI NGUYÊN THẢO

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích